Mùa thu lại về trên những cành lá, tiếng ve gọi hè đã nhường không gian cho âm vang của tiếng trống ngày khai trường. Mùa thu đẹp lắm, chiếc lá vàng rơi trong không trung. Tết Trung thu - Tết cổ truyền của các em thiếu nhi đang đến thật gần...
Mùa thu lại về trên những cành lá, tiếng ve gọi hè đã nhường không gian cho âm vang của tiếng trống ngày khai trường. Tết Trung thu - Tết của các em thiếu nhi đang đến thật gần. Khắp các ngã đường trong thành phố Nha Trang rộn ràng, rực rỡ với lồng đèn muôn sắc. Tôi lại chợt nghĩ về ca khúc rất hay của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Chiếc đèn ông sao” được bao thế hệ thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt.
Tôi may mắn có dịp gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên về các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng mà ông tâm huyết một đời. Đặc biệt, khi nói về “Chiếc đèn ông sao”, ánh mắt ông ánh lên niềm vui, hãnh diện khó tả. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: Dịp Tết Trung thu 1956, trong lúc ông là giảng viên nhạc tại Khu học xá Trung ương (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc), ca khúc “Chiếc đèn ông sao” ra đời nhân dịp Khu học xá tổ chức rước đèn ông sao. Từ đó, ca khúc này nhanh chóng được đón nhận và trở thành người bạn thân thiết của các em thiếu nhi khắp cả nước trong những năm chiến tranh và đến tận bây giờ.
Lồng đèn ông sao truyền thống luôn giữ được chỗ đứng trong lòng các em nhỏ mỗi dịp rằm Trung thu. |
Với nhịp điệu nhanh, vui tươi, mô phỏng tiếng trống, ca khúc như một lời hối thúc, mời gọi các em nhanh chân đến với đêm hội trăng rằm: Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh!
Tuổi thơ tôi cũng đã từng gắn bó với ca khúc này. Còn nhớ, hồi học lớp 1 trường làng, cả lũ xếp hàng nối đuôi theo cô giáo hát vang “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu…”. Ngày đó, những chiếc lồng đèn được làm từ thanh tre, trang trí bằng nhiều tờ báo cũ, không đẹp như bây giờ, nhưng tôi thật sự vui sướng và hãnh diện.
Chiều nay, khi đi ngang một trường tiểu học đang tổ chức trung thu cho các em học sinh, tôi tranh thủ đứng nhìn: sân trường đông đảo phụ huynh, học sinh tay cầm những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu và ca khúc “Chiếc đèn ông sao” rộn ràng, quen thuộc lại vang lên. Nhìn các em, tôi thấy mình như trẻ lại, những ký ức bé thơ lại ùa về trong tôi như một bức tranh muôn màu...
Như Thảo