1. Nghe tin cậu - bạc mái đầu vẫn còn hăm hở đăng ký ra Trường Sa, ai cũng lo, nhất là mẹ, nhưng rồi cả nhà lại được cậu vỗ về phần nào với ý nghĩ rằng: thế là cậu đã thỏa niềm mong ước được một lần đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bấy lâu nay.
1. Nghe tin cậu - bạc mái đầu vẫn còn hăm hở đăng ký ra Trường Sa, ai cũng lo, nhất là mẹ, nhưng rồi cả nhà lại được cậu vỗ về phần nào với ý nghĩ rằng: thế là cậu đã thỏa niềm mong ước được một lần đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bấy lâu nay. Ngày đi, từ quân cảng Cam Ranh, cậu nhắn tin cho tôi, rằng cậu đã lên tàu ra đảo, mong mọi người ở nhà an tâm, thế rồi thôi.
Và rồi thời gian trôi nhanh, gần 20 ngày lênh đênh trên sóng nước, qua các đảo chìm đảo nổi, ngày về, cậu gầy hơn, da đen sạm đi vì nắng gió nhưng niềm hăm hở vẫn còn đấy. Nhìn cậu cười cười, nói nói, huyên thuyên kể chuyện này chuyện kia mà thấy ấm áp và vui lây với niềm hân hoan của cậu.
2. Quà của cậu cho tôi và mọi người, thì đây - vài con ốc, quả bàng vuông và vài viên đá ở Trường Sa. Quà từ đảo còn là hàng trăm tấm ảnh ghi lại những hình ảnh, cảm xúc của cậu mỗi khi đặt chân đến từng đảo chìm đảo nổi, từ lúc lên tàu, đến khi tàu cập bến, rồi những thú vui, cuộc sống, sinh hoạt, tập luyện của lính đảo... Mấy trăm tấm hình như xâu chuỗi lại cuộc sống của quân và dân trên đảo, để rồi như nói, kể với những người ở đất liền. Và rồi là những câu chuyện kể, nào là biển động như thế nào, những tình huống khó khăn của đoàn trong suốt hải trình vì thời tiết không thuận; những trải nghiệm thú vị trong những cuộc câu cá, giao lưu; hay chuyện về cô phóng viên trẻ, nhỏ nhắn của Báo Tuổi Trẻ - nhân vật nữ duy nhất trong đoàn... Riêng cậu có được niềm vui trở thành nhân vật được nhiều phóng viên báo đài cùng chuyến đi phỏng vấn vì là người già nhất (gần 65 tuổi) mà vẫn còn “gân” đến Trường Sa và niềm xúc động khi được ngâm những bài thơ do chính mình sáng tác giữa trùng khơi.
3. Chỉ vài ngày sau, tôi lại có thêm nhiều xúc cảm về vùng biển đảo thiêng liêng ấy khi cậu gửi mail bài bút ký dài gần chục trang của cậu. Đọc mà thấy như thể là những dòng nhật ký về một cuộc hành trình, nhật ký về cảm xúc, khép lại trọn vẹn cảm xúc về một lần được đến Trường Sa của một người con đất Việt, của một cựu chiến binh. Đi để biết, để chia sẻ, đồng cảm với cuộc sống, tình cảm của quân và dân ở đảo, nhất là người lính. Để rồi, qua những món quà cậu tặng - cả về vật chất lẫn tinh thần - tôi và cả nhà như đầy thêm tình yêu với đảo xa...
GIAO HƯỞNG