Làng quê tôi thuộc một vùng chiêm trũng quanh năm nước ngập đến bắp chân người lớn, chính vì thế, ngoài hai vụ lúa, dân làng tôi chẳng trồng được loại hoa màu nào để phụ thêm cho cuộc sống vốn luôn nghèo khó của hết thảy mọi gia đình ở đây.
Làng quê tôi thuộc một vùng chiêm trũng quanh năm nước ngập đến bắp chân người lớn, chính vì thế, ngoài hai vụ lúa, dân làng tôi chẳng trồng được loại hoa màu nào để phụ thêm cho cuộc sống vốn luôn nghèo khó của hết thảy mọi gia đình ở đây. Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó, khi vùng trũng không trồng được ngô, khoai lang, rau… thì nó lại mang đến cho làng biết bao tôm, cua, cá, ốc, ếch… để cải thiện cho các bữa ăn hàng ngày vốn vẫn đạm bạc dưa, cà.
Không giống như những đứa trẻ cùng trang lứa hay đi be bờ tát vét bắt cá, hay dầm mình xuống mương để mò cá, bắt ốc, tôi nhát hơn, sợ nước nên hầu như chỉ có mỗi thú vui đó là ra đồng bắt cua. Lúc bắt cua, tôi cũng chẳng mấy khi lội mương, lội ruộng để bắt, mà chỉ đứng trên bờ dùng cái móc sắt uốn cong để lôi những con cua đang trú ẩn ở hang ra.
Như đã nói, vùng đất trũng quê tôi hầu như quanh năm ngập nước nên cua cá rất nhiều. Đôi lúc, chỉ cần chỉ tranh thủ buổi trưa là tôi đã kiếm được một giỏ cua đầy tới miệng hom. Đồ nghề ra đồng bắt cua của tôi chỉ là cái móc sắt dài khoảng 50cm, với một đầu tra vào cán tre, đầu kia uốn cong như lưỡi câu và chiếc giỏ tre to như quả bầu Lào. Ra khỏi cổng làng, tôi lang thang khắp các bờ vùng bờ thửa, quan sát hai bên bờ ruộng và cứ hang nào vệ bờ là tôi đưa chiếc móc sắt vào, khi nghe thấy đầu chiếc móc sắt chạm vào thân cua phát ra tiếng lạo xạo là mẩm chắc sẽ có một chú cua. Lúc này, tôi nhẹ nhàng lựa xoay để làm sao đầu móc đặt trúng phần mình con cua để lôi nó ra khỏi hang và bỏ vào giỏ. Công việc móc cua từ hang ra cũng không phải giản đơn, vì nếu không nhẹ nhàng, không khéo léo có khi chiếc móc sắt làm nát cua, hoặc làm gãy hết chân của nó, khiến cho cua nhanh bị chết, mang về nấu cũng mất đi vị ngọt so với những con cua còn nguyên vẹn. Bình thường, tôi có thể bắt đầy giỏ cua (khoảng 2-3kg) trong hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng dịp mùa Hè thì ngần ấy thời gian tôi có thể bắt được tới 3 giỏ!
Mỗi tuần, tôi thường ra đồng bắt cua khoảng vài, ba buổi trưa; những hôm được nghỉ học thì có khi cả ngày tôi ở ngoài đồng. Cua bắt được, mẹ tôi thường dùng nấu canh với bầu, mướp, mồng tơi, rau bồ ngót, hoặc đôi khi là rau tập tàng hái ở vườn nhà, ngoài đồng. Vì là tự bắt được, lại bắt được nhiều nên nồi canh cua rất ngọt, thịt cua nổi bềnh, đóng thành lớp. Bữa cơm chẳng có gì, chỉ có canh cua cùng vài quả cà, vậy mà cả nhà ai cũng ăn ngon miệng hơn bình thường. Rồi nữa, khi cần đổi món, mẹ chế biến món cua rang muối bỏ kèm chút lá cây nghệ, ăn rất thơm và ngon. Tuy nhiên, cua dùng đem rang muối phải là những chú cua bấy (cua vừa thay vỏ) mới ngon, béo…
Đồng nhiều cua, nên cảnh đi bắt cua ngoài đồng luôn rất đông vui, nhộn nhịp. Người đi bắt cua nhiều thế, tận thu quanh năm vậy mà cua vẫn sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Hầu như nhà nào ở làng, xã tôi cũng có vài, ba chum sành dùng để muối cua, bởi lúc bắt được nhiều, bán thì rẻ quá nên người ta thường rửa sạch cua, để ráo nước rồi bỏ vào chum sành với một lượt muối trắng, một lượt cua dùng ăn dần. Khi chum cua muối được khoảng vài, ba tháng là ngấu, và loại mắm chắt từ cua và những hạt muối kia chảy ra mới ngon làm sao, nó sóng sánh một màu vàng óng, mùi thơm dịu hấp dẫn. Mắm cua dùng để chấm rau luộc, nấu canh, hay chưng lên ăn với cơm trắng cũng ngon tuyệt. Xác những con cua sau khi đã muối là nguồn thức ăn cho việc chăn nuôi heo rất tốt.
Công việc bắt cua đồng của tôi cứ tiếp diễn từ lúc nhỏ như thế cho tới khi tôi lớn và lên thành phố học đại học. Đã mấy năm trời không ra đồng bắt cua nữa, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về một thời vất vả của mình, của gia đình mình…
NGUYỄN GIA LONG