Tôi bắt đầu lạc những đêm trăng từ cái ngày nắm lấy bàn tay phố, dung dăng. Đêm, phố có ánh đèn điện ngập tràn. Trăng vẫn treo trên bầu trời kia cao vợi, nhưng có ai còn cần trăng để làm gì. Bao nhiêu mùa đi giữa trăng phố là bấy nhiêu mùa tôi da diết nhớ trăng quê.
Tôi bắt đầu lạc những đêm trăng từ cái ngày nắm lấy bàn tay phố, dung dăng. Đêm, phố có ánh đèn điện ngập tràn. Trăng vẫn treo trên bầu trời kia cao vợi, nhưng có ai còn cần trăng để làm gì. Bao nhiêu mùa đi giữa trăng phố là bấy nhiêu mùa tôi da diết nhớ trăng quê.
Đêm nay tôi về, ngồi im lặng giữa sân khuya, để mặc cho trăng chảy tràn lên mình, cho lớp lớp kỷ niệm ấu thơ theo trăng kia ùa về xâm chiếm cả hồn tôi; để tôi được đắm chìm trong những ngày xưa lấp lánh.
Kìa trên chiếc chõng tre đặt giữa sân, bà tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện Thạch Sanh trèo xuống hang cứu Quỳnh Nga công chúa khỏi tay Đại Bàng độc ác. Tôi nằm yên trong lòng bà hình dung trận đánh nảy lửa ấy rồi ngước lên hỏi: “Nếu Thạch Sanh đánh với Lục Vân Tiên thì ai thắng hả bà?”. Bà cười móm mém: “Cha mày, ai đời người tốt lại đánh nhau hả con!”. Tôi tin thế và chìm dần vào giấc ngủ thoảng hương trầu…
Kìa đường trăng tiếng những chị, những anh cười đùa. Sau một ngày nắng cháy với ruộng đồng, đây là lúc các anh, các chị hẹn nhau đi xem phim ở bãi chiếu bóng hay đơn giản chỉ là cùng rủ nhau đến nhà một người bạn. Trăng quyện trong tiếng cười chị trong trẻo. Trăng mênh mang phủ đầy trên tóc anh. Đường trăng lung linh quá đỗi. Bao duyên nợ ân tình bắt đầu từ những đêm trăng như thế. Hình như ba mẹ tôi cũng gặp nhau trong một đêm trăng, giữa đường trăng lóng lánh.
Kìa bọn trẻ xóm tôi đêm trăng nào cũng chơi đủ trò, nào rồng rắn lên mây, kéo co, trốn tìm, cướp cờ, tập tầm vông… ồn ã. Chúng tôi cười nắc nẻ sau mỗi lần phe mình thắng, đến độ làm trăng rung rinh. Giữa những trò chơi, có đứa chỉ tay lên trời bảo: “Đố tụi bay, trăng to bằng cái chi?”. Cả bọn nhốn nháo. Cái trái banh. Cái mủng. Cái nia. Cái nong. Tụi bay trật lất hết rồi. Tao đọc sách, thấy trăng to lắm, tụi bay không tin nổi đâu. Trăng to bằng trái đất luôn đó. Thiệt không? Không tin mai mi đi hỏi cô mà xem.
Kìa em tôi lẫm chẫm cứ chạy hoài, quanh sân. Mẹ tôi thở hổn hển: “Con ơi, dừng lại, mẹ mệt quá!”. Rồi mẹ đón đầu, ôm chầm lấy em, chỉ tay về phía trăng đang vành vạnh: “Đố con, trăng kia của ai?”. Em tôi ngọng nghịu: “Của con, của mình con”. “Sao thế, trăng ở trên trời sao lại của mình em được?”. Tôi chen vào. “Vì khi em chạy, trăng cứ chạy theo em. Chị Ba thử chạy đi, trăng cũng cứ đứng với em”. Cả nhà tôi cùng cười sảng khoái. Mẹ tôi hôn em rồi bảo: “Con chia trăng cho chị chơi với nhé!”. Em gật đầu, nắm lấy tay tôi: “Chạy cùng em”.
Ôi, ngày xưa của tôi. Ngày xưa với những mùa trăng thơ ấu. Bà tôi giờ đã là bà tiên tóc trắng ở một nơi xa xôi nào đó mà lời dạy rằng người tốt không bao giờ đánh nhau của bà vẫn ở mãi trong tôi. Ba tôi bảo cả đời bà không được học chữ nào, thế mà những câu chuyện cổ tích của bà lại cho tôi nhiều bài học. Bọn trẻ xóm tôi cũng thôi làm trẻ con từ lâu để bỏ đi làm người lớn với tất cả những lo toan, mệt nhọc. Dù phố hay quê, những lo lắng ấy có khác gì nhau? Chẳng biết đêm nay có đứa nào cầm tay con mình, chỉ lên trời mà hỏi: “Con có biết trăng to bằng gì?”.
Và tôi, đi qua bao mùa trăng phố nhạt nhòa, hiu hắt, giờ ngồi đây giữa trăng khuya giàn giụa tuôn chảy chợt thấm thía một điều: Đã không còn nữa những đêm trăng dù trăng vẫn đấy, vẫn ào ạt rót vào tôi suối ký ức trong veo…
NGÔ THỊ THỤC TRANG