Ngày 6-7, Công ty Thực phẩm hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế GP.Milk ở ngoài Hà Nội tự nhiên thương dân nghèo miền Trung, lặn lội vào huyện Cam Lâm dự kiến tổ chức chương trình tri ân khách hàng tại thôn Tân Phú (xã Cam Thành Bắc). May mấy hôm trước VTV1 đã phát phóng sự về một chương trình "Tri ân khách hàng" ở tỉnh Phú Yên với tiếng khóc nức nở của những người dân bị lừa nên lãnh đạo xã kịp thời dừng chương trình lại.
Ngày 6-7, Công ty Thực phẩm hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế GP.Milk ở ngoài Hà Nội tự nhiên thương dân nghèo miền Trung, lặn lội vào huyện Cam Lâm dự kiến tổ chức chương trình tri ân khách hàng tại thôn Tân Phú (xã Cam Thành Bắc). May mấy hôm trước VTV1 đã phát phóng sự về một chương trình “Tri ân khách hàng” ở tỉnh Phú Yên với tiếng khóc nức nở của những người dân bị lừa nên lãnh đạo xã kịp thời dừng chương trình lại.
Dạo này thấy báo chí suốt ngày cảnh báo nạn lừa đảo tiền bạc trên mạng. Đủ kiểu, đủ trò lừa đảo, từ những cách thô thiển, nhàm chán cách đây vài năm đã bị lật tẩy đến những thủ đoạn mới rất tinh vi, lần đầu xuất hiện nên khó có thể ngờ… Thời buổi kiếm được đồng tiền khó khăn muốn chảy máu mắt, mà sao có người cứ thích hưởng không để bị lừa dễ dàng thế cơ chứ?
Thôi thì thiên hình vạn trạng kiểu lừa. Truyền thống thì chơi huê, hụi với lãi suất cao ngất, ai thấy cũng ham. Một người tham gia đến mấy dây huê, chưa đến kỳ đã nộp vô ào ào, để đến một hôm thấy chủ huê nhà đóng cửa, cài then, lặn mất tăm. Hình sự thì có cú điện thoại nhắc bưu kiện phát không được, liên hệ nhận thì toàn nghe người xưng công an, kiểm sát, đòi chuyển tiền vô tài khoản để xác minh xem có liên quan đến vụ án ma túy trời ơi đất hỡi nào đó. Ái tình thì làm quen rồi yêu trên mạng với anh Giôn-sơ-mít nào đó, hoặc ông tướng Mỹ đang cô đơn ở chiến trường Afghanistan, các ảnh hào phóng muốn gửi quà cho nàng vài trăm ngàn đô, nhưng ngặt nỗi phải đóng phí hải quan, đóng mấy trăm triệu mà không thấy quà. Công nghệ cao thì bị dụ chơi đầu tư tiền điện tử, bán hàng đa cấp hoặc bị hack tài khoản mạng xã hội nhờ chuyển tiền… Cả ngàn thứ bẫy giương lên quanh ta, loại nào cũng cám dỗ, cũng hấp dẫn, cũng thấy làm giàu đâu có gì khó, kiếm tiền có chi mà phải đổ mồ hôi?
Thực ra thì con người có mấy ai thoát khỏi vòng tham, sân, si… Lừa đảo có đất sống là nhờ con người vẫn còn lòng tham. Thử hỏi đang thất nghiệp mà được rủ theo một khóa học làm giàu, học phí mấy triệu đồng sau đó mua phần đầu tư vài chục triệu đồng nữa với cam kết lãi suất 50%/tháng… ai không bị mê hoặc? Rồi chàng người yêu ngoại quốc chơi đẹp hơn hẳn đám đàn ông keo cú trong nước, mới tỏ tình chưa gặp mặt đã tặng quà cả chục ngàn đô, ai chả xiêu lòng?
Có một câu chuyện cổ nước ngoài về người cha già muốn chọn đứa con xứng đáng để giao lại sản nghiệp. Ông nói với 2 người con trai đi xa nhà một năm, tự kiếm tiền đưa về để ông quyết định. Sau một năm, 2 người con về dâng lên cha món tiền mình kiếm được. Người cha thản nhiên vứt hết vào lò lửa. Anh con đầu chỉ đứng nhìn, còn người em nhảy tới, đưa tay vào lửa để cứu lấy từng đồng. Người cha nói đây mới thực là đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, nước mắt nên người em mới biết quý trọng, và dĩ nhiên ông trao quyền cho người em. Cũng nói chuyện tiền bạc, các cụ nhà mình thì chỉ giản dị “đồng tiền liền với khúc ruột”.
Trong cuộc sống, không ai tự nhiên tặng quà hay đưa cho bạn tiền, trừ trường hợp bạn đang khốn khó và đó là tiền từ thiện. Ngay từ ngày xưa, các cụ đã dặn con cháu rồi. “Có làm thì mới có ăn; không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Thôi thì cá không ăn muối cá ươn…
Thủy Ngân