Sau mỗi mùa gặt, ruộng lúa thay chiếc áo từ màu xanh óng ả thành màu vàng ruộm bởi những gốc rạ nằm trơ trọi, phô mình giữa cánh đồng đầy nắng gắt. Một chút khói đốt bay phảng phất giữa không trung. Một chút nắng khẽ lấp đầy khoảng tầng không.
Sau mỗi mùa gặt, ruộng lúa thay chiếc áo từ màu xanh óng ả thành màu vàng ruộm bởi những gốc rạ nằm trơ trọi, phô mình giữa cánh đồng đầy nắng gắt. Một chút khói đốt bay phảng phất giữa không trung. Một chút nắng khẽ lấp đầy khoảng tầng không. Một chút gió dịu nhẹ nâng cánh diều bay cao, hòa cùng tiếng cười trong vắt của trẻ thơ. Tôi gọi đó là cánh đồng đầy gió và câu chuyện của tôi được bắt đầu vào một ngày của 4 năm trước.
Ngày đó, tôi - cậu sinh viên năm 3 chuyên ngành Sư phạm Văn K36 - Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang nhận được thông báo từ Hội đồng thực tập nhà trường sẽ đi thực tập tại một trường thuộc huyện Diên Khánh, thay vì một trường gần trung tâm thành phố như đúng nguyện vọng trước đó. Thất vọng và chán chường. Đó là cảm giác khi tôi nhận được thông báo này. Từ một chàng trai quen với nhịp sống hiện đại của thành phố, nay tôi phải làm quen với không khí yên ả của một vùng quê.
Điều gì đến cũng phải đến, tôi được phân công thực tập chủ nhiệm ở lớp 6/5 - một lớp không thuộc trong tốp đầu của trường nhưng cũng không đến mức nghịch ngợm như sự tưởng tượng ban đầu của tôi. Trong 35 học sinh của lớp, tôi đặc biệt chú ý đến Huỳnh Chế Linh, cậu học trò được gắn mác cá biệt và “bất trị” nhất khối chiều. Có lẽ đó là ấn tượng mà không giáo viên nào muốn bắt gặp khi vào lớp. Nhưng không, thay vì tiếp cận Linh bằng cái nhìn thiếu thiện cảm thì tôi lại gần gũi với em bằng tình thương của một người anh. Và, những gì xuất phát từ trái tim sẽ tìm đến trái tim. Tôi chạm lấy con người thật của Linh bởi đằng sau vẻ “bất trị” kia lại là một tâm hồn vị tha và sống hết mình khiến tôi hết sức bất ngờ.
Vô tình, tình thầy trò của chúng tôi đã được vun đắp qua những lần đi chơi với em. Linh bày tôi làm diều và thả diều. Đôi tay thoăn thoắt của Linh vót những thanh tre thật khéo, tỉ mỉ cắt những tờ giấy báo vừa khít với khung diều, sáng tạo ra những dải ruy băng đính vào đuôi diều. Trông mà thích mắt! Và điểm đến chính là cánh đồng lúa ở cuối thị trấn. Nơi đây đã được các bác nông dân thu gặt xong, lúa chất thành bao, chất đầy trên xe bò. Chiều trên đường làng, những chú bò lững thững, cặm cụi kéo về trong tiếng kêu cút kít, nghe vui tai ghê! Thả diều vào buổi chiều đầy gió thì thích biết bao. Linh dùng kinh nghiệm của mình để đón hướng gió và bắt đầu cầm dây diều chạy theo. Ánh nắng ban chiều khéo tô vẽ lên đôi chân chắc nịch của em. Cái dáng vẻ của những đứa trẻ con vùng nông thôn ưa vận động tay chân. Thoáng chốc diều men theo hướng gió bay lên thật cao. Cánh diều càng lên cao lại càng thỏa sức đong đưa trên tầng trời cao, khe khẽ chập chờn khi có một cơn gió mạnh ùa qua. Tôi cười tít mắt và nói:
- Tụi em ở nông thôn sướng ghê! Có đồng ruộng để chạy nhảy, vui đùa, lại còn được thả diều nữa chứ…
Linh hỏi lại tôi:
- Thế ở thành phố của thầy không được thả diều ư?
Tôi không biết trả lời Linh ra sao:
- Ở thành phố của thầy bây giờ toàn nhà cao tầng, ít đất trống, không có không gian rộng để thả những con diều bay cao như thế này đâu…
- Ồ, vậy thì chán lắm thầy nhỉ! Bật chợt Linh hỏi tôi tiếp:
- Thế thầy thích ở thành phố hay ở nông thôn như thế này?
Một câu hỏi bột phát nhưng lại khiến tôi lúng túng. Tôi đánh trống lảng:
- Ơ, em cẩn thận kìa kẻo đứt dây cước. Gió to ghê…
Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Sáu tuần thực tập gần hết. Chỉ còn ngày hôm nay nữa thôi, vì ngày mai chúng tôi sẽ họp và tổng kết đoàn thực tập, chia tay ngôi trường mà chúng tôi đã gắn bó trong hơn 1 tháng.
Hình như biết ngày mai sẽ không được vui chơi cùng thầy nên buổi thả diều cuối cùng Linh đã cố kể toàn chuyện vui cho tôi nghe, làm tôi cười. Nhưng sao tôi có thể cười khi tâm trạng khi đó bị che lấp bởi nỗi buồn của ngày chia tay, không còn gặp Linh nữa. Linh ngập ngừng hỏi tôi:
- Về thành phố rồi thầy có còn nhớ tụi em, có còn về chơi với tụi em nữa không?
Tôi trả lời liền mà không cần suy nghĩ:
- Có chứ! Chắc chắn là có. Thầy sẽ không quên tụi em và sẽ thu xếp công việc để về chơi cùng với tụi em nữa mà.
Vẻ mặt Linh vui sướng:
- Thầy hứa rồi nhé. Em sẽ chờ thầy về chơi nhiều trò hơn nữa!
Nói xong Linh bẽn lẽn lấy ra 1 con diều do tự tay em làm cả ngày hôm qua. Nó đặc biệt khi có dòng chữ thật to “em tặng thầy Bảo”. Tôi xúc động và ôm chặt lấy em.
Đúng như lời hứa, tôi đã quay về trường gặp Linh và gặp tập thể lớp 6/5 ngày nào, cùng trò chuyện rôm rả và chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Nhưng hỡi ôi, chỉ vài tháng sau, tôi nghe tin Linh đã mất vì tai nạn giao thông. Nghe tin mà tôi chết lặng cả người và cố tin đó không phải sự thật. Em đã lấy đi những giọt nước mắt của thầy thật nhiều đó, Linh à!
Hôm đưa tiễn em, đoàn xe chầm chậm lăn bánh đi qua cánh đồng cuối thị trấn, nơi đã có biết bao kỷ niệm đẹp của tình thầy trò ít ai biết được. Cánh đồng hôm nay vẫn thế, vẫn có thầy, vẫn có con diều nhưng chỉ thiếu mỗi em. Gió ơi! Xin gió đừng nâng cánh diều bay cao mà hãy gửi lời nhắn đến nơi thiên đường xa xôi, vì ở đó có cậu học trò yêu dấu của tôi: “Em cứ vui và hạnh phúc nhé! Thầy và mọi người sẽ tiếp tục sống và viết tiếp ước mơ còn dang dở của em. Thầy sẽ nhớ mãi cánh đồng đầy ắp những cơn gió. Nhớ hình bóng của em trong vắt mơn man đến lạ thường. Nhớ em nhiều lắm! Cậu học trò đặc biệt của tôi”.
. Truyện ngắn của Lê Bảo