Chuông điện thoại reo khi tôi đang đứng bên bếp. "A lô!". Đầu bên kia là những tiếng nấc nhẹ của Tú: "Hạnh ơi, anh Huy yếu lắm rồi. Anh ấy muốn gặp cậu". Tôi sững sờ. Cái điện thoại run rẩy trong tay…
1. Reng… reng… reng…
Chuông điện thoại reo khi tôi đang đứng bên bếp. “A lô!”. Đầu bên kia là những tiếng nấc nhẹ của Tú: “Hạnh ơi, anh Huy yếu lắm rồi. Anh ấy muốn gặp cậu”. Tôi sững sờ. Cái điện thoại run rẩy trong tay…
2. Tôi, Huy và Tú chơi với nhau từ hồi còn cấp 1. Tình bạn ấy bền vững mãi cho đến những năm đại học. Tôi và Tú chọn trường Kinh tế; Huy vào sư phạm Văn. Huy ít nói và điềm đạm. Những khi “bộ tam” chúng tôi gặp nhau, tôi và Tú thi nhau nói, Huy chỉ im lặng lắng nghe, trên môi nở nụ cười lơ đãng và bao dung. Mỗi khi tôi và Tú cãi nhau đều nhờ Huy phân xử. Huy biết đưa ra những lời khuyên chí lý và công bằng. Thế là tôi và Tú “tâm phục khẩu phục”, bắt tay nhau, cười xòa. Tất cả những niềm vui và nỗi buồn, hai đứa đều trút cho Huy. Những khi gặp khó khăn hay thất bại, người chúng tôi dựa vào cũng là Huy…
Dần dần, tôi nhận ra một tình cảm khác lạ với Huy. Bên anh, tôi cảm thấy thật bình an và dễ chịu. Tôi tin rằng, tôi chiếm một vị trí quan trọng hơn trong lòng Huy hơn Tú. Bởi tôi hơn hẳn Tú về nhiều mặt. Cho đến một ngày…
Hôm đó, bộ ba chúng tôi gặp nhau tại một quán nem nướng. Chưa bao giờ chúng tôi uống nhiều bia đến thế nên có vẻ say. Một lúc sau, Huy nói mệt, về trước. Còn lại tôi và Tú. Tú thổ lộ, nó và Huy yêu nhau. Tôi bàng hoàng. Không thể như thế! Người Huy yêu không thể là Tú. Nhưng Tú khoát tay: “Tớ nói thật đấy! Huy nói, Huy rất quý cậu, nhưng lại yêu tớ. Tớ cũng rất yêu Huy. Cậu đừng buồn nhé. Cậu đẹp hơn, thông minh hơn tớ. Cậu có nhiều cơ hội hơn”. Rồi Tú ôm vai tôi, thì thầm: “Nhưng chúng mình vẫn mãi mãi là bạn tốt của nhau nhé. Huy muốn vậy. Cậu hứa đi!”. Tôi lặng lẽ gật đầu. Còn biết làm gì khác nữa?
Huy buồn và ngạc nhiên khi thấy tôi tỏ ra xa cách. Dù vậy, Huy vẫn cư xử với tôi chu đáo đến độ đôi khi tôi tưởng Tú nói dối, chỉ đến khi chính Huy thú nhận. Nhưng giờ đây, điều ấy không còn làm tôi đau đớn bởi xung quanh tôi có khá nhiều “vệ tinh”. Những lời có cánh và những cử chỉ săn đón, những món quà và những cuộc dạo chơi đã làm vơi đi trong tôi những khắc khoải về mối tình đầu. Tôi thấy mình không còn bồn chồn và nuối tiếc mỗi khi đến chỗ hẹn đã thấy Huy ngồi cạnh Tú.
Tốt nghiệp, cả 3 về lại Nha Trang. Huy trở thành thầy giáo dạy Văn. Tôi và Tú cũng có công việc tạm ổn. Sau đám cưới của Huy và Tú, tôi quyết định lấy Hải, chàng trai ưu tú nhất, bền bỉ nhất trong số các “cây si”. Hải chăm sóc, chiều chuộng những ý thích nhỏ nhất của tôi. Hải giàu có để có thể sắm cho tôi những bộ váy áo đắt tiền, tặng tôi những món quà xa xỉ mà bất cứ cô gái nào cũng mong ước. Nhưng Hải lại không có thời gian để im lặng ngồi nghe tôi cà kê đủ thứ chuyện. Hải có thể đưa tôi đến vũ trường, vào quán cà phê nghe nhạc hay cùng tôi say sưa thử giọng trong một phòng karaoke hiện đại nào đó, nhưng tâm hồn Hải không đủ lãng mạn để hiểu những cảm xúc của tôi. Và trái tim Hải không đủ bao dung để tôi có thể chia sẻ những nỗi buồn. Hải cũng không hiểu được những góc sâu kín trong tâm hồn tôi. Với Hải, công việc luôn trên hết, đôi khi còn quan trọng hơn cả tôi. Đó là lý do vì sao tôi vẫn hay đến với Huy, chia sẻ, tâm sự những băn khoăn và lo lắng, kể cả trong tình yêu với Hải. Tôi biết, Tú không ích kỷ đến độ giành hết Huy cho riêng mình. Tú rất biết rằng, với tôi, Hải là người đàn ông tôi gắn bó cả cuộc đời. Nhưng chỉ Huy mới có thể hiểu tôi, cả những điều tôi chưa nói. Và Huy, vẫn như ngày xưa, yên lặng và chăm chú lắng nghe. Ánh mắt nhìn tôi vẫn luôn ấm áp. Nụ cười vẫn luôn dịu dàng. Dịu dàng đến độ đôi khi tôi tưởng như có một nỗi buồn rất sâu trong mắt anh.
Hai gia đình chúng tôi vẫn thường đến thăm nhau. Trong khi tôi và Hải sống thoải mái đến dư thừa thì Huy và Tú khá chật vật. Nhưng họ luôn cương quyết từ chối bất cứ sự giúp đỡ vật chất nào. Tuy vậy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc qua ánh mắt và nụ cười của hai người bạn. Vì thế, dạo sau này, tôi yên lòng với cuộc sống bận rộn của riêng mình.
3. Tôi vội vã phóng xe đến bệnh viện. Huy nằm đó, mảnh mai, nhỏ bé. Tôi trách Tú: “Huy bệnh gì? Bao lâu rồi mà sao không báo? Có còn là bạn nữa không?”. Tú thở dài: “Ung thư phổi. Huy không cho mình nói, vì các cậu đều rất bận”. Tôi buồn bã: “Bận mấy thì mình cũng đến. Cậu hãy nói với bác sĩ, bằng bất kỳ giá nào cũng phải cứu Huy. Mình sẽ lo mọi chi phí”. Huy phảy tay yếu ớt: “Mình cảm ơn Hạnh. Nhưng không cần đâu”. Quay sang Tú, Huy nói nhỏ: “Anh muốn nói chuyện riêng với Hạnh”. Tú gật đầu, bước ra ngòai.
Tôi nhìn khuôn mặt thân quen nhợt nhạt của Huy, trái tim chợt đau nhói. Tôi đã quá vô tâm vào lúc Huy cần nhất. Ngày xưa, bất cứ khi nào tôi cần, Huy đều sẵn sàng giúp đỡ. Tôi còn nhớ, không ít lần, tôi nhờ Huy chỉnh sửa bài tiểu luận hoặc làm báo cáo để nộp gấp. Huy đã thức suốt đêm làm để sáng hôm sau đem đến cho tôi… Nước mắt tôi chợt ứa ra…
Huy mỉm một nụ cười méo xệch: “Kìa, Hạnh, mình không sao đâu”. Tôi vội chùi nước mắt: “Ừa! Chắc chắn Huy sẽ khỏe, sẽ đi dạy lại. Vì Huy là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng ở Nha Trang mà. Huy cần nói gì với Hạnh phải không?”.
Huy chậm rãi: “Ừ! Mình… Huy muốn nói là… Thật ra, người Huy yêu là Hạnh. Nhưng Huy biết, Huy không thể mang lại cho Hạnh một cuộc sống mà Hạnh mong ước. Chắc Hạnh trách Huy lắm, phải không? Cho Huy xin lỗi nhé…”. Nước mắt tôi lại trào ra, nóng hổi. Tôi cầm bàn tay gầy gò của Huy siết mạnh: “Hạnh biết. Hạnh phải cảm ơn Huy vì điều đó chứ sao Huy lại xin lỗi?”. Huy gật đầu, vẻ nhẹ nhõm: “Huy cảm ơn Hạnh đã đến…”.
Mấy hôm sau, Huy ra đi. Tôi bàng hoàng và hụt hẫng rất lâu. Tôi bỗng nhận ra, khoảng trống mà Huy để lại trong tôi thật mênh mông. Không gì có thể bù đắp...
. Truyện ngắn của Trần Thảo Duy