Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi được phân công lên một trường tiểu học ở nơi tận cùng của huyện miền núi Khánh Sơn. Tuy cách thành phố chỉ hơn trăm cây số, nhưng quãng đường 10km trèo đèo lội suối từ trường đến xã, từ đó, phải đi xe ôm thêm 15 cây số nữa mới đến phố huyện, ...
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi được phân công lên một trường tiểu học ở nơi tận cùng của huyện miền núi Khánh Sơn. Tuy cách thành phố chỉ hơn trăm cây số, nhưng quãng đường 10km trèo đèo lội suối từ trường đến xã, từ đó, phải đi xe ôm thêm 15 cây số nữa mới đến phố huyện, nơi có thể đón xe đò về nhà, khiến đứa con gái ẻo lả là tôi sợ đến độ dù rất nhớ nhà cũng chỉ mỗi năm về 2 lần vào dịp Tết và hè.
Ảnh Internet |
Suốt những ngày đầu đặt chân lên vùng cao heo hút này, tôi ở lì trong phòng và khóc. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè; nhớ những con sóng lăn tăn trên bãi biển những buổi bình minh ngập nắng… Một thời gian sau, nhờ sự động viên, an ủi của các anh chị lên trước, tôi quen dần với việc vào rừng hái rau, lên núi bẻ măng; quen với giọng nói lơ lớ của những đứa học trò nhỏ bé, gầy gò nơi này.
Ở đây không chỉ chưa có điện, mà cũng chưa được phủ sóng nên phương tiện liên lạc duy nhất là thư. May mà mẹ tôi rất chăm viết thư cho con gái, kể tỉ mỉ những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình nên tôi cũng vơi bớt nỗi buồn.
Vào giữa tháng Chạp, mẹ gởi thư, nhắc lại những cái Tết xưa, khi 2 mẹ con đi chọn mua mai ở “phố mai”. Nhưng Tết này chưa chắc nhà sẽ có mai. Phần vì không có con gái cùng dạo phố hoa. Phần khác, nghe nói năm nay mai sẽ hiếm vì các vườn mai bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua. Trong thư hồi âm, tôi hứa sẽ cố mang về nhà một cành mai chưng Tết. Vì đã thành lệ, năm nào nhà tôi cũng có mai. Nơi tôi đang ở là rừng núi. Các anh chị trong trường nói, ở đây cái gì cũng thiếu, chứ mai thì không thiếu.
Sáng 26 Tết, tôi vác ba lô về nhà. Với tâm trạng vừa háo hức vừa chộn rộn khi sắp về nhà, tôi đi qua quãng đường 10 cây số ấy, rồi ngồi sau xe ôm thêm 15km nữa, thấy không đến nỗi khổ cực như mấy lần trước. Tôi định về đến huyện sẽ mua mai. Chắc chắn sẽ rẻ hơn ở thành phố.
Cả phố huyện tưng bừng không khí Tết. Đó là đủ sắc màu của các loại hoa xuân và đặc biệt là màu vàng ươm của những đóa mai. Tuy là quê hương của mai, nhưng như mẹ tôi nói, năm nay mất mùa mai nên những cành mai dọc theo con phố chính được ra giá cao ngất ngưởng so với đồng lương của tôi. Mai tăng giá cũng một phần do khách dưới xuôi lên mua nhiều.
Dạo một vòng quanh những cành mai với những bông hoa vàng ươm màu nắng, tôi bỗng như bị chôn chân trước một cành mai lạ. Đó là một gốc mai sần sùi với những đám địa y lốm đốm xanh. Từ những nhánh cây khẳng khiu vươn ra những chùm nụ chi chít. Trong đám nụ ấy, vài bông hoa đã nở. Những cánh hoa nhỏ bé, mỏng mảnh, xếp thành nhiều lớp, rực lên một màu vàng chói lọi, đẹp kỳ ảo dưới ánh nắng xuân. Đẹp quá! Thấy tôi ngẩn ngơ, người bán mai da ngăm đen, khuôn mặt vuông vức, nở một nụ cười tươi rói: “Cô mua đi! Mai núi đấy. Là mai chủy. Tôi phải vào sâu trong núi mấy ngày mới kiếm được”. Tôi ngạc nhiên: “Anh nói mai gì?”. Anh ta nhắc lại: “Mai chủy, tức là mai có hoa mọc thành chùm. Chủy có nghĩa là chùm, là quây quần. Mai núi năm nay hiếm lắm, không có cành thứ hai đâu”. Tôi gật đầu, tự nhủ hiếm như thế thì chắc là rất đắt. Làm sao mua nổi? Người đàn ông nài nỉ: “Cô mua đi. Tôi bán rẻ cho”. “Bao nhiêu?”. Anh mỉm cười thân thiện: “Người khác thì phải 500.000. Với cô, tôi chỉ lấy 400.000”. Tôi lắc đầu, thành thực: “Tôi không đủ tiền” rồi tiếc rẻ quay đi. Người đàn ông lưỡng lự: “Thôi! 300.000 vậy”. Tôi vẫn lắc đầu. Ngần ngừ vài giây, tôi nói: “Vâng! Biết là rẻ nhưng… tôi chỉ có một trăm ngàn”. Cành mai đẹp thật, nhưng chỉ chưng ngày Tết! Tôi tự an ủi mình khi bước sang chỗ khác.
“Cô ơi! Đợi đã”. Tôi quay lại. Người đàn ông bán mai đang len lỏi giữa đám người đông đúc, vừa chạy về phía tôi vừa gọi. Anh nâng cành mai núi bằng hai tay, chìa ra trước mặt tôi: “Tôi bán cho cô, 100.000 đồng”. Trong một thoáng, tôi ngần ngừ. 100.000 đồng không đủ trả công anh lặn lội vào tận trong núi. Dù cành mai rất đẹp. Dù tôi rất thích, nhưng mua với cái giá rẻ như vậy, thật không công bằng. Hình như người đàn ông nhận ra sự phân vân của tôi nên cười: “Tôi đoán cô là cô giáo dưới xuôi lên dạy chữ trên này nên tôi bán rẻ”. Ra vậy!
Không chỉ bán rẻ, anh còn giúp tôi đưa cành mai lên xe đò sau khi bao bọc cẩn thận. Thay lời cảm ơn, tôi tự giới thiệu tên tuổi và địa chỉ của mình, mời anh khi nào rảnh ghé chơi.
Tết năm đó, ai đến nhà cũng tấm tắc khen cành mai đẹp và lạ. Tôi ngắm mai và hay nhớ đến anh, tự hỏi, liệu anh có còn nhớ lời mời của tôi?
Thật bất ngờ, khi trở lại phố huyện vào đầu tháng Giêng, tôi thấy anh đứng ở bến xe chờ tôi. Anh mỉm một nụ cười hiền hậu, nói sẽ tình nguyện làm xe ôm đưa tôi về tận trường.
Gởi xe lại xã, anh cùng tôi vượt 10km đèo dốc. Có anh, quãng đường ngắn lại rất nhiều bởi hành lý của tôi, anh giành mang hết. Chúng tôi vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện… Anh kể, anh sinh ra và lớn lên tại nơi này. Học xong Trung cấp Y tế Nha Trang, anh về làm việc ở Trạm Y tế huyện.
Từ hôm đó, cách 1 - 2 tuần, anh lại vượt 25 cây số đến trường thăm tôi, mang cho tôi khi thì mớ rau củ, lúc ký thịt rừng hay cân cá tươi mới vớt dưới suối... Anh dẫn tôi đi thăm các thôn bản gần đó, kể cho tôi nghe phong tục, lối sống của những người dân tộc. Thỉnh thoảng, anh tranh thủ dạy tôi tiếng dân tộc với nụ cười tươi rói: “Tôi muốn cô giáo ở lại mãi mãi với dân bản, và… với tôi, được không?”. Tôi bẽn lẽn cúi đầu, im lặng. Tôi muốn có thêm thời gian suy nghĩ.
Nhưng đó là chuyện của năm trước. Tết Đinh Dậu này, tôi không phải đi tìm mua mai, cũng không phải về nhà một mình nữa vì đã có anh làm bạn đồng hành…
. Truyện ngắn của Giao Thủy