Tôi yêu dòng sông ấy. Không phải bởi nó đẹp hơn những dòng sông trên những nẻo đường đất nước tôi đã đi qua, mà bởi nơi đó có những đồng đội của tôi đã ngã xuống vĩnh viễn không trở về. Đó là Hằng với gương mặt lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn, vì trên cuộc đời này không còn ai là người thân.
Tôi yêu dòng sông ấy. Không phải bởi nó đẹp hơn những dòng sông trên những nẻo đường đất nước tôi đã đi qua, mà bởi nơi đó có những đồng đội của tôi đã ngã xuống vĩnh viễn không trở về. Đó là Hằng với gương mặt lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn, vì trên cuộc đời này không còn ai là người thân. Hằng đã bỏ anh em mà đi trong một buổi chiều trời có nhiều mây dông. Đó là Xuân, Tuấn hay Dũng, Hùng… Tất cả đều dừng lại ở tuổi 20, 30. Còn tôi thì tiếp tục đi mãi trong cuộc đời này, sau khi tiếng súng đã dứt hơn 30 năm nay.
Hơn 30 năm, những người lính ngày xưa đã rời quân ngũ, bỏ lại sau lưng mình những đêm chong mắt đợi thù, những ngày đói cơm vì không kịp rời tay súng. Lúc ấy, chúng tôi chia nhau từng viên thuốc đắng, từng tàn thuốc cháy đến sợi thuốc cuối cùng. Những người nằm im trong lòng đất, bên dòng sông này chắc sẽ vui khi biết rằng cuộc sống của bạn bè mình giờ này đã có nhiều thay đổi.
Tôi không hiểu rằng giữa đám cỏ xanh biếc đến độ đáng kinh ngạc kia có phải là hậu thân của những đám cỏ ngày xưa mà chúng tôi từng nằm lăn trong đêm. Không phải để đếm sao trời, mà để nghe trong đó mùi của đất, mùi của nhớ thương và mùi của tình yêu.
Tình yêu? Tôi nhớ lúc ấy Hằng chỉ ao ước được hôn lên môi một người con gái nào đó. Nhưng mãi đến bây giờ Hằng cũng không có nụ hôn đầu. Chúng tôi trở về với hoa và những nụ hôn, nhưng không có nụ hôn nào dành cho Hằng.
Cũ hay mới? Quên hay nhớ? Với tôi điều đó không đo đếm trong cuộc trở về hôm nay. Tôi trở về với dòng sông này một mình hay nhiều người cũng không phải là điều cần nói đến. Chỉ biết rằng tôi lại vừa chạm mặt với dòng sông.
Nơi này, xưa kia chỉ là con đường nhỏ. Tôi nhận ra cây me cổ thụ với những vết đạn găm thành sẹo. Con đường hôm nay dẫu vẫn là con đường đất đỏ, nhưng đã đổi thay khá nhiều. Dưới gốc me già năm xưa là một quán nước nhỏ. Tôi bước vào quán nước kêu một chai bia.
Người chủ quán đem chai bia ra để trên bàn, rồi gợi chuyện:
- Ông đi kiếm việc làm?
- Làm gì?
- Thì tôi thấy dạo này những người như ông tìm tới kiếm việc làm. Hồi xưa nơi đây chỉ là đạn bom, còn bây giờ nó trở thành khu du lịch.
- Tôi là người dân của vùng đất này - Tôi nói.
- Thế nhà? Nhiều người làm lớn rồi, hết chiến tranh rồi, họ đã bỏ quê mà ra đi.
Ly bia có mùi đắng. Người chủ quán nói: “Cuộc chiến đã qua rồi”. Nhưng với tôi, tất cả cũng chỉ mới là hôm qua. Hôm qua, một mảnh pháo đã cắt lìa ngón tay út của tôi, ngón tay đó đã ở lại trong lòng dòng sông và có lẽ giờ đây nó đã tan thành muôn ngàn giọt nước.
Hôm nay tôi trở về. Tôi chỉ muốn thắp một nén nhang cho những người vĩnh viễn ra đi. Tôi muốn lắng nghe dòng sông kể về một quá khứ anh hùng. Dòng sông nhỏ ấy có một thời gian dài tượng trưng cho sự ngăn cách và chia ly.
Tôi trả tiền, đứng dậy:
- Đường đến nghĩa trang liệt sĩ có xa không ông?
Người chủ quán nói:
- Nghe nói hôm nay ở đó có tổ chức lễ lớn lắm. Nhờ thế mà mấy ngày nay quán tôi bán đắt.
* * *
Con thuyền nhỏ neo bên bờ cỏ. Người lái thuyền đang tựa lưng ngủ như trong cuộc đời này chẳng có điều gì to lớn.
- Anh ơi, anh có thể chở tôi dọc theo dòng sông này không?
Người lái thuyền chồm dậy:
- Ở bên kia có lễ hội lớn lắm. Sao ông không qua?
- Lễ gì?
- Họ đang tổ chức tưởng niệm những người đã ngã xuống trên chiến trường năm xưa.
- Ờ há. Ông đưa tôi sang đó đi.
Dòng sông thời bình như hiền hòa hơn. Một màu xanh đến lạ lùng. Thuyền dừng lại, anh nhảy xuống và cảm thấy lạc lõng giữa đám đông người ăn mặc trang trọng và lịch sự. Anh không nhìn thấy một ai quen. Hay có lẽ những người anh quen đang nằm trong những nấm mộ kia. Anh nhìn lại bộ đồ mình mặc trong người. Bộ đồ nhàu nát và dơ bẩn chưa kịp thay. Anh len vào đám đông và chợt thấy mình xa lạ quá.
Anh rời đám đông, xuôi dọc theo những ngôi mộ, một mình. Những ngôi mộ nhỏ nằm im trong nắng mai với những cái tên phía trước. Mỗi cái tên khiến anh nhớ một điều. Anh sẽ nhớ suốt những hàng bia ấy có những bàn tay không nắm lại, những đôi mắt chưa khép và cả những đôi môi còn tinh khôi chưa biết nụ hôn đầu.
- Cảm ơn. Tụi mày có một chỗ nằm yên lành. Cảm ơn những đêm mưa, những bữa đói, những cơn đau.
Đó là những người bạn như đang quây quanh anh. Họ đang nheo mắt nhìn anh cười: “Mày thăm tụi tao đó à? Đến đây, đến đây…”.
Anh đi hết những ngôi mộ lúc nào không hay. Trên kia, buổi lễ tổ chức xong lúc nào anh cũng không hay. Mọi người đã làm xong bổn phận của mình và trở về. Chỉ còn lại những nén nhang đang cháy dở dang và một bầu trời mênh mông.
Người lái đò vẫn đợi anh. Anh ta hỏi khi thấy anh trở lại:
- Chắc ông là bộ đội ngày xưa?
Anh cười.
- Vậy sao thấy ông khác với những người khác. Ông chắc không phải ở nơi này?
Anh chỉ dòng sông:
- Tôi đã uống không biết bao nhiêu nước của dòng sông này.
Anh chỉ những ngôi mộ:
- Bạn bè tôi ở đó.
Không kịp đợi người lái đò trả lời, anh leo xuống đò:
- Chợ ở đâu? Xa không?
* * *
Anh chỉ có thể làm được một việc, đó là mua hết hoa của phiên chợ. Anh nhờ người lái đò chở anh ngược lại dòng sông, thả những đóa hoa xuống. Dòng sông tràn ngập hoa cứ trôi. Những đóa hoa sẽ theo dòng sông trôi ra biển. Cánh hoa cuối cùng cũng đã xuống dòng sông rồi.
- Ông ơi, mình về thôi. Ngày hết rồi.
Không đợi anh trả lời, người lái đò chở anh vào bờ. Anh đứng nhìn những đóa hoa trôi.
Bạn bè anh có nhận được những cánh hoa ấy không? Anh không biết. Nhưng anh hứa với lòng mỗi năm anh sẽ trở về thả cho họ những cánh hoa như thế đó.
. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường