10:06, 03/06/2016

Nắng hè quê nội...

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra!

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra!


- Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!


- Con muốn ở đây luôn, chơi vui thoải mái, mẹ nói ba chuyển học bạ về đây đi - Lộc vừa mếu máo vừa yêu cầu mẹ.


- Con nói cái gì, người ta muốn lên thành phố học hành còn khó, con được vậy mà lại muốn về quê.? Mẹ Lộc bắt đầu tỏ ra bực bội!


- Nhưng con muốn ở đây với nội!


Mẹ Lộc lại xuống nước: Thôi đi về với mẹ, ba với em đang chờ. Hè tới, mẹ lại cho con về nội chơi nữa.


- Nhưng con muốn ở lại luôn bây giờ - Lộc nói thật to.


- Không được… Con đừng để mẹ nổi nóng nha!


Nãy giờ thấy đứa cháu muốn ở lại quê mà tội nghiệp, bà nội Lộc đành dỗ dành cho nó chịu về thành phố. Bà cũng chuẩn đủ thứ cho cháu… Nào thanh long, xoài, chôm chôm, mớ cá lóc khô mà bác Hai với Lộc hì hục mấy bữa câu ngoài đồng. Mẹ Lộc không chịu mang đi nhưng bà năn nỉ đem về thành phố cho cháu nên chị mới nhận…!


Lộc mếu máo ôm bà nội, không muốn đi. Bà dỗ dành rồi Lộc cũng chịu theo mẹ về thành phố. Mẹ con Lộc lên xe đi đã xa rồi mà bà cứ nhìn theo, vừa thương đứa cháu vừa thấy ấm áp tình thương yêu trong lòng.


***


Hoàng - con trai bà - thi đậu vào Trường Đại học Y Dược thành phố. Đó không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn của cả xóm. Ba mẹ một nắng hai sương quanh năm với ruộng đồng nuôi mấy người con học hành. Người thì làm giáo viên ở địa phương, người ở nhà làm ruộng, chỉ có Hoàng vào được đại học. Hoàng chăm chỉ, chịu khó, ba mẹ gởi tiền lên thành phố, anh đều tiết kiệm chi tiêu, tranh thủ thời gian đi làm thêm kiếm tiền để ba mẹ đỡ khổ. 6 năm đằng đẵng trôi qua. Với tấm bằng bác sĩ loại giỏi, Hoàng được nhận vào công tác tại một bệnh viện ở thành phố. Vậy là ba mẹ anh nở mày nở mặt hơn nữa. Ngoài giờ làm ở bệnh viện, anh đi làm thêm cho phòng tư của vài bác sĩ giỏi, làm công tác từ thiện xã hội. Và trong những chuyến đi đó, Hoàng đã gặp được một người con gái gốc thành phố. Lấy vợ, anh trở thành dân thành phố, lại được gia đình nhà vợ cho đất làm nhà. Rồi cu Lộc, bé Loan ra đời, cuộc sống càng thêm ấm áp. Mỗi năm, Hoàng cùng vợ con về quê thăm ba mẹ vài lần. Ở thành phố chỉ có học, rồi về nhà coi ti vi quanh đi quẩn lại cứ vậy, bận rộn công việc nên anh chị cũng ít khi đi tham quan hay khám phá chỗ này chỗ kia. Nghe về quê thăm nội, lũ nhỏ thích thú vô cùng. Lần nào về, tụi nó cũng đòi ở lại cả tuần, hè là muốn ở lại luôn! Ông nội mất đã mấy năm nay, nhà cũng trống trải, ai cũng có công việc riêng nên bà nội đơn chiếc ra vô… Con cháu về là bà mừng lắm!


Hè này xong, Lộc vào lớp 9 nên Hoàng bàn với vợ cho con về nội chơi cả tháng để nó thỏa nguyện ước sống với đồng quê. Về nội có mấy ngày mà Lộc hòa nhập ngay với anh em họ hàng của nó ở đây. Sáng chạy bộ, rồi ra đồng theo bác nhổ cỏ lúa, bỏ phân bắp, đi câu cá…; chiều đá banh với mấy đứa trong xóm. Càng ở Lộc càng thích, bà nội, bác Hai, mấy cô thương nên nó chẳng nhớ gì đến thành phố nữa! Đồng lúa phía sau xóm rộng mênh mông, xa ngoài kia là con suối uốn lượn theo mấy hàng cây tràm to tướng. Mấy bữa sau mưa, bác Hai với anh Tí lại dẫn Lộc đi câu cá. Nhìn cá đớp mồi, giật lên bỏ vô giỏ nhảy đạch đạch mà sướng cả mắt. Có bữa câu được cá lớn cá nhỏ vài ký, nào cá rô, cá trê, cá lóc, trắm…, vậy là cả nhà có những bữa cá đồng ngon lành, con to thì bà nội lại xẻ đem phơi. Phải nói rằng những bữa cơm tối ở nhà nội dù đơn giản, các món ăn quê thật bình thường, không cầu kỳ, bắt mắt như mẹ nấu nhưng Lộc cảm thấy ngon vô cùng… Thấy Lộc ăn ngon lành, bà nội cười:


- Con thấy cơm của nội có bằng cơm của ba mẹ con không?


- Ngon lắm nội ơi, nhà con ngày nào cũng thịt, cá, bơ sữa… đủ thứ hết nhưng sao ngán ghê.


- Vậy vài bữa mẹ con xuống đón, con có về không? Bà nội lại hỏi.


- Chắc con năn nỉ ba cho con học ở đây luôn. Lên thành phố không vui bằng ở đây, cái gì cũng thoải mái, cũng thích, không khí lại mát mẻ nữa!


- Cha bay… Bà nội nhìn đứa cháu mà thấy tội. Lộc giống y Hoàng hồi nhỏ, cũng hoạt bát lanh lợi và đầy tình cảm. Bà nội thương tất cả con cháu trong nhà nhưng Lộc ít gần quê nội, bà không có điều kiện chăm cháu nên thương nó nhiều lắm…


Chiều nay, chơi bóng đá với mấy đứa trong xóm xong, Lộc chạy về phụ quét dọn nhà cửa, cơm nước với mấy anh chị con bác Hai. Thấy mẹ về, Lộc mừng lắm nhưng nhìn bà nội xếp quần áo của nó ngay ngắn, chuẩn bị cây trái gì đó… Lộc hơi buồn mà không dám nói ra.


Bữa cơm tối, nó im lặng và không vui như mọi ngày. Mẹ Lộc nhìn con cười:


- Hơn tháng ở đây thoải mái


chưa con?!


Lộc vẫn cứ làm thinh. Bác Hai nói với mấy đứa con:


- Mai em về thành phố rồi, mấy đứa có gì muốn nói với em không?


- Chúc em về thành phố học giỏi, sang năm lại về chơi tiếp nha, nhớ tụi anh đó… - Mấy người con của bác Hai nói.


- Không, con không về đâu, con xin ba về đây học luôn - Lộc nói như mếu…


- Thôi, con cứ về thành phố với mẹ, rảnh lại về thăm nội - Bà nội an ủi Lộc…


Mọi người nói chuyện vui vẻ còn Lộc im lặng vô võng nằm coi ti vi… Hôm nay nó mắc mùng ngủ sớm mà không cần nội làm giúp… Nhìn đứa cháu ngủ ngon lành mà bà nội thương nó quá, gần 14 tuổi đầu mới được sống thoải mái với đồng quê, với thiên nhiên một chút…


* * *


Buổi chiều, đang quét sân, điện thoại trong nhà reo lên, bà nội vừa bắt máy thì nghe đầu dây bên kia có tiếng Lộc:


- Nội hả, con nè, con về tới nhà rồi, con nhớ nội lắm!


- Ừ, đi đường không sao chớ con?


- Dạ, không sao hết, vài bữa nữa con lại về thăm nội, nội nhớ giữ gìn sức khỏe.


- Nội biết rồi, cha bay… Nội nghe tiếng Lộc thút thít… Bà lại an ủi: Thôi nín đi, con cố gắng học hành, vài bữa nội gởi trái cây lên cho, hè tới lại về nữa mà…


Nắng chiều hè ở quê nghe nóng rát nhưng vài cơn gió nhẹ cũng nhanh chóng xua đi cái nóng rát khó chịu kia. Vừa quét mớ lá khô bay ào ào trên sân, bà nội lại nhìn ra cổng như nhớ thằng cháu nội thành phố mà mới sáng nay nó cứ bịn rịn chia tay bà…


. Truyện ngắn của Nguyễn Văn Kỷ