Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng.
Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, xu hào, kiệu, bí, gừng. Chợ quê chỉ bán hàng quê, là những sản phẩm nông nghiệp hay gia súc, gia cầm mà họ nuôi trồng được. Cha tôi cũng là một trong số đó. Cha còn nhận bán giúp cho những gia đình neo đơn, già cả.
Cha tôi ngày nào cũng có mặt ở chợ bởi cái nghề thả lưới, giăng câu phải thức khuya, dậy sớm, phải có người mua. Con cá, con lươn là tài sản quý giá nhất mà gia đình tôi có bởi thu nhập từ chúng cũng chỉ đủ ăn; còn khi mưa bão thì phải trông chờ vào đất, vào luống mía, vồng khoai.
Ngày nào cũng thế, sau buổi chợ về là cha nhanh chóng ra vườn. Vườn nhà tôi nằm cạnh dòng sông, nơi hàng ngày cha giăng câu, thả lưới nên hành trang theo cha chỉ là ống mồi và gói cơm lá sen mà tôi đã chuẩn bị từ trước.
Lọt thỏm giữa không gian tấp nập tiếng nói cười là dăm rổ cá bé tẹo của cha tôi. Này cá diếc, cá rô đang mùa nước lên trông mập ú, béo ngậy. Này chìa vôi, trê, lóc… Loại nào để riêng loại đó nên gần như quanh cha là rổ với rổ và cái cân xách tay luôn bận rộn với những gói hàng. Nếu không có tiếng nói cười rộn rã kia thì người ta sẽ chẳng thích thú gì khi phải nghe tiếng cân khua lát chát. Ấy thế mà nó có tuổi nghề hơn mười năm ở cái chợ quê này. Nó cân còn rất chuẩn nên thường được chọn cân giúp khi người bán chỉ với vỏn vẹn dăm bó rau vườn hay vài quả bí, bầu đang độ tinh tươi. Với bản tính hiền lành và chất phác nên cha tôi được nhiều người yêu mến, tin tưởng.
Thế rồi, tôi nghe nhiều về người đàn bà ấy, về tình yêu của bà và cha tôi. Không biết đơn phương hay song phương nhưng ở một góc độ nào đó tình yêu ấy vừa đáng thương và cũng vừa đáng trách. Thương vì họ cô đơn và còn khá trẻ cùng với biết bao ước mơ, dự định phía trước. Tôi thương cha cả đời gian lao vất vả, chỉ biết lấy công việc làm vui. Cha giao tiếp rộng nhưng không có mấy bạn bè tâm đầu ý hợp, có lẽ vì cha không thích và cũng không có thời gian bù khú rượu chè. Thời gian nếu có thì cha dành cho tôi, cho ao cá, chuồng nuôi. Trách vì họ đều có con cái đàng hoàng. Hẳn là họ đến với nhau bằng trái tim nóng bỏng và tình yêu vô cùng mãnh liệt nên quyết vượt qua mọi rào cản hay chăng? Chấp nhận lời ra tiếng vào, người đàn bà ấy thường đến chỗ cha tôi làm đồng hoặc giữa buổi chợ chỉ để phụ ông gói hàng hay giúp những công việc lặt vặt.
Tôi cũng nghe là khi chưa gặp cha tôi, bà ấy mới ly thân chồng, rồi sau khi phải lòng cha tôi, bà dứt khoát ly dị. Rồi họ đã có với nhau một đứa con và đang ở với ngoại. Nghe đâu, ngoại cũng không đồng tình với việc bà ấy mang thai và nằng nặc giữ lại đứa bé. Tôi cũng phận đàn bà nên hiểu và thông cảm tánh khí đàn bà là khi đã yêu thì họ sẵn sàng sống chết với tình yêu. Còn với thai nhi trong bụng thì đó là kết quả tuyệt vời của tình yêu; của vất vả, gian nan khi muốn vượt qua bức tường lễ giáo. Sẽ chẳng bao giờ họ từ bỏ nó một khi tình yêu đó còn đẹp. Họ sẽ làm mọi công việc có thể để có tiền nuôi dạy nó cho dù phải lam lũ đến đâu. Tôi hiểu khi người đàn bà đã yêu thì mọi lời khuyên nhủ hay chê bai đều chẳng có tác dụng gì. Họ chỉ nghe tiếng nói của trái tim mình.
Tôi không thấy cha có gì thay đổi. Vẫn về tối đi khuya bởi công việc của cha không thể làm khác được. Sau buổi chợ về là cha ra đồng. Sau buổi đồng thì trời cũng mon men tối. Thả lưới, giăng câu rồi về tới nhà thì cũng đã ngốn mất một canh. Khuya lại phải ra sông kéo lưới, nhặt lờ. Cái vòng tròn tưởng chừng luẩn quẩn ấy không dễ dàng tháo bỏ khi nó là chỗ dựa, là kế sinh nhai. Cũng bởi nơi đây không nhiều người có nghề sông nước, có ghe chài nên việc đặt lờ, đặt rớ cũng giúp cha tôi có kha khá thu nhập.
Tôi muốn cha bước đi bước nữa nhưng linh cảm bảo tôi rằng cha sẽ không bao giờ bỏ rơi đứa con gái tật nguyền và nhiều thiếu thốn như tôi. Mẹ tôi mất sớm. Tôi thành đứa trẻ mồ côi mẹ, lại thêm tật nguyền. Đời tôi là một chuỗi dài bất hạnh. Cha cũng bất hạnh. Cha thương tôi mà sao cha không chịu thương mình. Đời người ngắn ngủi lắm cha ơi. Tạo hóa đã cho cha cuộc sống và tình yêu thì cha đừng phụ công của họ. Đừng để hạnh phúc có được vuột khỏi tầm tay. Không ai một mình làm nên hạnh phúc. Trái tim cha đã không trao lầm dẫu tôi chưa được gặp người đàn bà ấy bao giờ. Không biết bà xấu hay đẹp, dữ dằn hay thùy mị, nết na nhưng tôi thích và mến mộ. Thích và mến bởi bà yêu và đến với cha tôi bằng trái tim chứ không vì một lý do nào khác. Nhà tôi nghèo, cha tôi cũng đầu tắt mặt tối mới có đủ cái mặc, cái ăn.
Tôi muốn một lần được gặp bà để nói với bà rằng tôi rất cần tình thương yêu của một người mẹ. Tôi không ích kỷ như bà tưởng. Tôi muốn bà đến thắp cho mẹ tôi một nén nhang và xây dựng hạnh phúc với cha tôi ngay tại căn nhà này. Và tôi quyết định nói với cha ý nghĩ của mình.
- Cha à, hôm nay con sẽ nấu vài món thật ngon nhưng cha nhớ là phải mời dì tới nhé. Con muốn được bàn tay dì thương yêu, vuốt ve.
Cha tôi không nói gì, nhìn sâu hoắm vào mắt tôi rồi lại nhìn về xa xăm. Tôi hơi run một chút nhưng nghĩ mình không làm gì sai mà cha phải la rầy. Hạnh phúc không đến nhiều lần đâu cha ơi…
. Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU