Mải lo làm ăn, đến năm 35 tuổi, tôi vẫn chưa lập gia đình. Thế rồi, trong một lớp học nghiệp vụ chuyên ngành, tôi gặp em. Tôi bị cuốn hút bởi đôi mắt to long lanh nhưng luôn trĩu nặng một nỗi buồn câm lặng nào đó của em. ...
Mải lo làm ăn, đến năm 35 tuổi, tôi vẫn chưa lập gia đình. Thế rồi, trong một lớp học nghiệp vụ chuyên ngành, tôi gặp em. Tôi bị cuốn hút bởi đôi mắt to long lanh nhưng luôn trĩu nặng một nỗi buồn câm lặng nào đó của em. Suốt mấy ngày đầu, dù tôi tìm cách gợi chuyện, em chỉ đáp lại rất dè dặt. Vào giờ giải lao những ngày sau đó, chúng tôi dần thân nhau hơn. Em trở nên cởi mở hơn, cười nhiều hơn trước những câu chuyện, lời nói đùa…của tôi. Nhờ vậy, tôi đã biết được nguyên nhân gây ra nỗi buồn thăm thẳm trong mắt em; biết được vì sao em luôn tất bật, luôn là người đến trễ nhất lớp… Như sau này em nói, em thổ lộ với tôi về cuộc đời mình bởi tôi có vẻ là người chân thực và biết cách nói chuyện khiến người khác muốn được chia sẻ và an ủi.
Lớp học kết thúc cũng là lúc tôi bắt đầu một tình yêu đơn phương với em, bởi em đã có gia đình và không thể tiếp nhận tình yêu ấy. Dù trong suy nghĩ của tôi, đó không thể gọi là một gia đình, vì chồng em là thương binh nặng. Do di chứng của vết thương, anh ấy đang phải sống đời thực vật.
Thỉnh thoảng, không nén được nỗi nhớ, tôi bật điện thoại, nói chuyện vu vơ với em. Đôi khi, nếu em đồng ý, chúng tôi sẽ gặp nhau, thường vào những buổi chiều, địa điểm là chiếc ghế đá ở công viên bờ biển. Bởi em muốn vậy. Chỉ là ngoài biển chứ không phải quán ăn, quán cà phê hay bất cứ nơi hẹn hò nào khác.
Mỗi khi tôi hẹn gặp em, câu trả lời của em thường không thay đổi: “Có chuyện gì không anh?”. “Có. Em ra nhé!”. Nếu em không thể đi thì thôi; nếu thu xếp được, em sẽ nói: “Vâng! Đợi em vài phút. Em đang dở tay chút xíu!”.
Tôi biết, em luôn trong tình trạng “dở tay”. Ngoài giờ đến công ty, khoảng thời gian còn lại của em luôn bận rộn với công việc của một “điều dưỡng”: vệ sinh thân thể cho chồng, cho anh ấy ăn cháo, uống thuốc, rồi xoa bóp tay chân, trở mình cho người bệnh… Em cũng dành nhiều thời gian để đọc sách, trò chuyện cùng chồng, dẫu biết rằng anh ấy không nghe thấy gì. Nhưng em tâm sự, em vẫn hy vọng, biết đâu đấy…
Dù vậy, tôi vẫn cố tìm cách kéo em ra khỏi những công việc nhàm chán ấy. Tôi muốn em có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, có những khoảnh khắc, dù hiếm hoi, sống cho riêng mình. Và, quan trọng hơn, tôi muốn gặp em, muốn ở bên em, dù chỉ trong vài phút ít ỏi.
Em kia rồi. Những bước chân gấp gáp đang sải vội. Khuôn mặt thân thương với đôi mắt long lanh nước như sắp khóc, cái miệng chúm chím hơi hé mở như một lời chào. Tôi lao tới, dang hai tay ra trước. Song, giọng nói điềm tĩnh của em chặn tôi lại: “Có chuyện gì thế anh?”. Tôi đứng sững, hai tay buông thõng xuống. Em hỏi có chuyện gì ư? Chẳng có chuyện gì cả. Đơn giản là tôi nhớ em. Mà đúng hơn, đó là niềm khao khát cháy bỏng. Tôi khao khát được gần em, được nghe giọng nói ấm áp của em, cùng em chia sẻ những vất vả nhọc nhằn của một người vợ thương binh. Nhưng tôi biết, chẳng bao giờ em cho tôi cơ hội ấy. Cuộc sống của em là mảnh đất thiêng liêng của riêng em, không ai có thể chạm vào.
Những tia sáng nhỏ nhoi đầy tin cậy trong mắt em khiến nỗi khao khát trong tôi dịu lại. Tôi mỉm cười thú nhận: “Không có chuyện gì cả, chỉ là anh muốn gặp em. Không sao chứ?”. Em gật đầu, lơ đãng: “Vâng! Không sao ạ. Gặp nhau là vui rồi!”. Có thể em nói thật, cũng có thể em chỉ muốn an ủi tôi, nhưng câu nói ấy cho tôi dũng khí để lần sau tôi lại đòi gặp em.
Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế đá. Em nhìn làn nước xanh thẳm ngoài xa, nhìn những con sóng trắng xóa đang mơn man bờ cát, vui vẻ và háo hức như lần đầu tiên được nhìn thấy biển… Tuy chỉ ngồi bên nhau trong im lặng, nhưng với tôi, đó vẫn là quãng thời gian quý báu. Tôi chỉ cần được thấy em, ngồi bên em như thế này là mãn nguyện. Tôi sợ một ngày nào đó khi tôi rủ, em sẽ từ chối: “Em xin lỗi. Em bận lắm!”. Nếu không còn được nhìn thấy em, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa. Chắc chắn là thế.
Một lúc sau, em quay sang, khỏa lấp khoảng lặng bằng một nụ cười: “À! Chuyện của anh với Anh Thư đến đâu rồi?”.
Anh Thư là người theo tôi suốt hai năm nay, nhưng mặc kệ những ánh mắt đong đưa, những lời mời đầy ngụ ý của cô ta, tôi không mảy may rung động. Tuy vậy, đôi khi nhớ em và cô đơn, lại không muốn mang tiếng bất lịch sự, tôi vẫn đồng ý đưa Anh Thư đi vòng vèo trên phố, vào một quán cà phê nào đó... Anh Thư như cái miếng xốp đầy đặn để tôi lấp vào khoảng trống thiếu vắng em.
Thay vì trả lời câu hỏi ấy, tôi lắc đầu, rụt rè nắm tay em, thì thầm: “Hãy cho phép anh đợi em, bao lâu anh cũng đợi”. Em hơi bất ngờ nên phản xạ bằng cách khẽ khàng rút tay, nhích ra xa. Giọng em buồn như một tiếng thở dài: “Anh đừng làm thế. Dù có thế nào thì anh ấy vẫn là chồng em và em yêu anh ấy. Vì vậy, anh đừng chờ em!”.
Dù biết trước câu trả lời, tim tôi vẫn đau nhói. Tôi nói khẽ sau vài giây im lặng: “Nhưng anh ấy không thể mang hạnh phúc cho em”.
Em đứng bật dậy, nhìn tôi bằng ánh mắt bực bội: “Chồng em đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc nên em sẽ ở bên anh ấy đến cuối đời. Với em, hạnh phúc là được chăm sóc anh ấy”. Có lẽ thấy mình giận dữ vô lý, em hạ giọng: “Em rất cảm ơn tình bạn của anh, nhưng, hãy hứa với em, đừng bao giờ nhắc lại điều này. Nếu không, em sẽ không gặp anh nữa”.
Tôi khẽ rùng mình, chợt thấy lạnh tê tái. Em không cho tôi một cơ hội nào, dẫu là rất hiếm hoi sao?
Như để xóa đi nỗi thất vọng đang dâng đầy trong mắt tôi, em nhỏ nhẹ: “Thế nhé! Lần sau chúng mình lại gặp nhau. Giờ em phải về đây”.
Em bước đi, vội vã như luôn vẫn vậy, bỏ tôi một mình trên ghế đá, trong biển chiều xao xác gió…
Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy