11:04, 01/04/2016

Mùa táo

Năm nào cũng vậy, vào mùa táo, tôi lại ra chợ, chọn mua những quả táo tươi và ngon nhất. Đem về, tôi rửa sạch sẽ, xếp vào đĩa, đặt lên bàn làm việc, cạnh bức ảnh chụp cả lớp học năm cuối phổ thông của tôi.

Năm nào cũng vậy, vào mùa táo, tôi lại ra chợ, chọn mua những quả táo tươi và ngon nhất. Đem về, tôi rửa sạch sẽ, xếp vào đĩa, đặt lên bàn làm việc, cạnh bức ảnh chụp cả lớp học năm cuối phổ thông của tôi.


Các con tôi thấy vậy nhăn mặt: “Mẹ mua chi thứ quả dở ẹc này?”. Tôi chỉ im lặng. So với ngày xưa, những quả táo bây giờ to hơn, ngọt hơn, cùi dày hơn, nhưng cái vị chua chua ngọt ngọt, đôi khi hơi chát thì vẫn không thay đổi. Bọn trẻ không thể hiểu được vì sao tôi thích những quá táo dở ẹc ấy đến vậy? Sẽ đến một ngày, khi bọn trẻ lớn hơn, tôi sẽ kể cho chúng nghe câu chuyện về những quá táo và những mùa táo đã mãi mãi gắn tôi với những kỷ niệm không thể nào quên, gắn với hình ảnh một người mà bao năm qua vẫn sâu thẳm trong ký ức tôi.


Hồi ấy, trong vườn nhà tôi có mấy cây táo. Những năm ấy, cuộc sống rất khó khăn và thiếu thốn nên táo là một thứ quả được ưa chuộng. Đến mùa, những quả táo nhỏ như những hạt nút áo màu xanh nõn, đeo bám trên cành. Đi học về, đói bụng, chúng tôi leo lên cây, hái những quả táo non bé tí, nhạt thèo cho vào miệng, nhai rau ráu. Mẹ bảo: “Các con đừng vội. Để từ từ, táo chín sẽ ngon hơn nhiều!”. Khi bằng những ngón tay cái, táo bắt đầu chín bói. Từ màu xanh thẫm, những quả táo biến thành màu vàng chanh, trắng ngà, lấp ló trong vòm lá xanh. Cả ngày, hầu như lúc nào trên cây táo cũng có đứa nào đó đang leo trèo, căng mắt tìm những trái vàng. Đôi khi, những cơn gió thoảng qua, táo rụng lộp độp. Chúng tôi nhặt cả rổ, vừa ăn vừa chia cho trẻ con trong xóm.


Năm cuối phổ thông, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc. Năm chàng trai ưu tú nhất trong lớp tôi nhận được lệnh lên đường. Một buổi chiều Chủ nhật, cả lớp tập trung dưới gốc táo trong vườn nhà tôi để liên hoan chia tay. Bên cạnh những cái kẹo lạc, kẹo vừng, quả ổi, quả chuối là những quả táo vàng ươm, tươi rói. Ai cũng cố vui vẻ, nói nói cười cười nhưng trong mắt ai cũng có những nỗi buồn thăm thẳm. Trước khi nói lời tạm biệt, tôi tặng mỗi chàng lính mới một quả táo ngon nhất mà tôi để dành từ trước. Họ mỉm cười, nói lời cảm ơn rồi bỏ ngay vào miệng, nhai rôm rốp. Duy chỉ có Thắng cầm quả táo trong tay, mân mê mãi. Hình như anh muốn nói gì với tôi nhưng rồi im lặng. Ánh mắt anh nhìn tôi đăm đắm. Tôi lúng túng cúi đầu: “Kìa, Thắng! Ăn đi chứ!”. Lúc đó, Thắng mới mỉm cười: “Mình… Mình để dành…”.


Chúng tôi tiếp tục đến trường trong tiếng còi báo động và chiếc mũ rơm. Nỗi buồn và những khoảng trống của người ra đi dần dần tạm lắng trong bộn bề lo toan và bận rộn của cuộc sống những ngày chiến tranh.


Một hôm, tôi có thư. Một lá thư từ chiến trường, nhàu nát và lem luốc do đã qua bao nhiêu miền đất và bàn tay người. Thư của Thắng. Anh hỏi thăm tất cả mọi người, nhắc về những kỹ niệm cũ, kể lại những trận đánh mà anh đã tham gia, những miền đất anh đã đi qua... Cuối thư, anh viết: “Hà biết không? Quả táo của bạn, mình cứ giữ mãi. Giá như nó không bị thối, chắc chắn mình sẽ giữ được lâu lắm. Nhưng mà nắng và nóng quá, chỉ đến ngày thứ 2, nó bắt đầu bị thâm lại. Tuy vậy, mình vẫn ăn hết, gặm sạch sẽ cái hạt. Mình có cảm tưởng chưa bao giờ ăn một quả táo ngon như thế. Vừa ăn, mình vừa nhớ người đã cho mình quả táo. Hà biết không, mình rất quý bạn, quý từ lâu rồi. Mình thích vẻ trầm tĩnh, ít nói và chín chắn của bạn. Trước khi đi, mình rất muốn xin bạn một bức ảnh nhưng lại không dám. Hôm đó, khi bạn đưa quả táo cho mình, mình đã cố hết sức để không cầm tay bạn. Mình sợ bạn sẽ hất tay mình ra và nghĩ không tốt về mình… Hà ơi! Hãy viết thư cho mình nhé! Mình sẽ giữ cái hạt táo này, coi như đó là một kỷ niệm về bạn. Bạn thấy có buồn cười không? Người khác thì được tặng sổ hay một cây bút, một cái khăn thêu... Còn mình thì lại giữ một hạt táo”.


Tôi viết thư trả lời cho Thắng ngay đêm đó. Tôi kể chuyện bạn bè, trường lớp, chuyện xóm làng... Cuối cùng, tôi nói, tôi rất bất ngờ trước tình cảm của anh. Nhưng anh hãy yên tâm. Nhất định tôi sẽ chờ anh đến ngày chiến thắng...


Hai tháng sau, tôi lại nhận được thư của Thắng. Anh đang ở Quảng Trị. Anh vui đến không ngủ được khi nhận được thư của tôi. Anh nói, anh vẫn để hạt táo bên túi trái. Giữa các đợt hành quân hoặc trong những phút yên tĩnh giữa hai trận đánh, anh lại giở ra ngắm nghía. Giờ đây, hạt táo đã khô, nhẵn bóng và chuyển sang màu trắng đục. Anh sẽ cố giữ thật cẩn thận để khi chiến tranh kết thúc, anh sẽ mang về trồng trong vườn nhà. Một cây táo sẽ lớn lên, ra hoa và kết quả...


Song, chỉ ít lâu sau, cũng vào mùa táo, tôi nhận được tin Thắng đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trong một cánh rừng Trường Sơn… Tôi vừa lau nước mắt, vừa chọn những trái táo ngon nhất đến nhà thắp hương cho anh. Trong ảnh, anh đang nhìn tôi đăm đắm với đôi mắt đen thật ấm áp và nụ cười dè dặt…


Dù rất cố gắng nhưng mãi đến 5 năm sau ngày đất nước giải phóng, nhờ sự chỉ dẫn tận tình của đồng đội, gia đình mới tìm được mộ Thắng. Mọi người kể lại, trên mộ anh, thật kỳ lạ, không biết vì sao lại có một cây táo xanh tốt đang sai quả...


. Truyện ngắn của Lê Phương Nga