11:12, 25/12/2015

Bến đợi

Chị không thể nhớ được mình đã đưa người đàn ông ấy qua lại trên bến sông này bao nhiêu lần rồi. Đó là một người có dáng cao to, khuôn mặt khá đẹp và trông rất phúc hậu nhưng bị cụt mất một chân đến sát vế.

....

Chị không thể nhớ được mình đã đưa người đàn ông ấy qua lại trên bến sông này bao nhiêu lần rồi. Đó là một người có dáng cao to, khuôn mặt khá đẹp và trông rất phúc hậu nhưng bị cụt mất một chân đến sát vế. Hàng năm, đều đặn, cứ vào cuối mùa thu thì anh từ thành phố về và lại nhích từng bước khó nhọc cùng với cây nạng gỗ, bước xuống cái dốc thoai thoải trước khi nhờ chị giúp đỡ để lên thuyền.


Chị nhớ, hình như lần đầu anh chưa quen, mà ngày hôm trước trời lại mưa, con dốc ở bến sông hơi trơn, cây nạng gỗ không chống đỡ nổi và anh đã trượt chân, người lăn dài xuống tận mép nước, làm chiếc áo dính đầy bùn đất. Chị đã giúp anh gột hết bùn trên áo rồi đưa anh sang sông.

 

Minh họa: T.V
Minh họa: T.V


Họ làm quen từ đó và được biết anh vốn là bộ đội hồi chiến tranh, có giai đoạn đã chiến đấu tại quê của chị. Theo anh kể, ngày xưa, anh có yêu một người con gái là một nữ du kích xã. Hai người đã hứa với nhau, ngày hòa bình sẽ tìm đến nhau để thành vợ thành chồng. Tuy bị mất một chân ở chiến trường, nhưng cuối năm 1975, khi đất nước thống nhất mới được vài tháng, anh đã tìm đến chốn xưa. Song, cô gái không còn nữa, trên bàn thờ chị chỉ còn chiếc lược bằng mảnh xác máy bay do anh tự tay làm lấy và tặng chị năm nào. Rồi anh bùi ngùi ra đi, và sau đó, khi có gia đình cũng như việc làm dưới thành phố, thỉnh thoảng vài năm đúng vào mùa thu, anh lại tìm về để thắp hương cho chị. Anh giải thích, theo lời hàng xóm thì người yêu anh ra đi vào độ cuối mùa thu.


Đàn bà đôi lúc bực bội, cho rằng đàn ông thường bội bạc. Người phụ nữ lái đò không tin điều đó. Chị biết có rất nhiều người tốt, và anh là một trong những người như thế. Chị tin chồng chị cũng như thế.


Ngày ngày, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ đưa khách sang sông, chị hay nhìn lên con dốc. Chị ước gì một ngày nào đó chồng chị sẽ xuất hiện, dù anh có cụt tay, cụt chân đi nữa cũng không sao, chỉ cần anh trở về. Chị sẽ chạy vụt tới ôm chầm lấy anh.


Chồng chị vốn là nông dân nhưng cũng có thân hình cao lớn như người khách kia, chỉ tội da đen hơn. Ngày xưa anh cũng là du kích, sau đó được rút lên bộ đội chủ lực của tỉnh. Chị và hai đứa con bị địch bắt vào khu dồn cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Chị và hai con đã chờ, song chung quanh, làng trên, xóm dưới các gia đình có người ra trận đã về, riêng gia đình chị thì không. Ai cũng trả lời chị là anh bị mất tích trong một trận ở tận vùng sâu. Giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công đã được gửi về. Nhưng chị không tin anh chết. Theo chị, mất tích không hẳn là chết, vì nếu đã chết thì thế nào anh cũng báo mộng cho chị hoặc hai con. Với lại, có nhiều trường hợp trong chiến tranh có người tưởng chết, có báo tử hẳn hoi, nhưng  thực ra vẫn còn sống, sau đó bất ngờ tìm về.


Từ ngày gặp anh thương binh, ở chị, niềm tin chồng mình sẽ về càng lớn hơn. Anh ấy đã nói với chị rằng, nếu còn sống, chồng chị nhất định sẽ tìm về. Rồi có lần anh còn lấy bút ra, ghi tên tuổi của chồng chị và hứa về thành phố sẽ nhờ các cơ quan tìm giúp. Chị biết anh nói thật và chờ...


Thời gian trôi đi, hai đứa con của chị đã lớn, đã lấy vợ lấy chồng. Tóc chị đã bạc. Tóc của người thương binh, thỉnh thoảng đi nhờ đò của chị cũng bắt đầu nhuốm bạc. Có người khuyên chị, lớn tuổi rồi, không nên chèo đò nữa, song chị cố làm, tất nhiên sẽ có đồng ra đồng vào, mặt khác, theo chị, biết đâu khi chèo đò mình sẽ dò hỏi được tin tức của chồng.


Nhưng hai năm nay, không rõ vì lý do gì, người thương binh chưa trở lại. Tin về chồng chị, vẫn thế, vẫn chưa có. Mặc dù vậy, chị vẫn cứ trông, vẫn cứ chờ.


Hai đứa con, đôi lúc thương mẹ, khuyên chị rằng ba của chúng chắc chắn đã hy sinh, chị đừng chờ nữa. Chiến tranh đã kết thúc 40 năm rồi còn gì... Nhưng chị để ngoài tai lời khuyên của các con. Nỗi mong chờ đã thành nếp quen, và ngày nối ngày ngồi chờ khách, chị lại nhìn sang bên kia sông...


Chiều nay, trời lại đổ mưa dầm. Thùng thình trong chiếc áo tơi, ngồi ở đầu thuyền chờ khách, lòng chị bỗng rộn lên niềm vui. Vì trên con dốc thoai thoải phía bờ bên kia, có một người đàn ông cao lớn trong chiếc áo mưa màu rêu đang chầm chậm bước xuống. Chị vội vã chèo thuyền sang. Nhưng rồi lòng chị chợt se lại. Người khách xuống bến không phải chồng chị, cũng không phải anh thương binh với chiếc nạng gỗ mà là một chàng trai còn rất trẻ, người của làng chị, vừa hết hạn thi hành nghĩa vụ quân sự, trở về quê.


Đến gần, chàng trai nhìn chị mỉm cười rồi nói với giọng mừng rỡ:


- Cháu chào cô! Mưa thế này mà cô cũng chèo đò hả cô!    

                                                                             
Truyện ngắn của HOÀNG NHẬT TUYÊN