Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.
Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.
- Ngày mai đoàn tham quan đảo Nhơn Châu, có tàu của Bộ đội Biên phòng đưa đón ở Cảng Quy Nhơn. Các anh chị chuẩn bị các tiết mục hay nhất để giao lưu cùng các chiến sĩ đóng quân ở đó - anh trưởng đoàn thông báo hành trình.
Không thể diễn đạt hết nỗi bồn chồn trong tôi, tàu có to không, sóng có lớn không... Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đăng ký tham gia bởi quanh tôi còn nhiều người chưa từng thấy biển bao giờ. Đó là các chàng trai đến từ Điện Biên hay các cô gái đến từ những buôn làng xa xôi giáp Lào.
... Đảo cách bờ khoảng hai mươi hải lý nhưng tàu phải lênh đênh gần hai tiếng đồng hồ. Nắng gió hầm hập, lo âu tan biến vào biển nước mênh mông, vào đàn hải âu đẹp như thiên thần nghiêng nghiêng đôi cánh song hành với con tàu. Rời khỏi buồng trực chiến kín đáo, an toàn trên tàu, tôi mon men lên bong để đón nhận cái bồng bềnh phiêu lãng theo nhịp đập của trùng dương. Tôi thỏa thích reo hò, bấm máy khi phát hiện chú cá chuồn bay la đà trên sóng nước hay cánh nhạn biển vù bay qua mũi tàu.
- Trời biển mênh mông thế này chắc chim bay mỏi lắm.
- Mỏi thì chúng ngồi trên nước... làm thơ - Một anh lính đùa vui.
- Em không phải là thi sĩ.
- Vậy cô là nhà văn hay nhà báo?
- Cả hai.
- Giỏi thế. Nhưng cô đừng viết về chúng tôi nhé. Hãy viết về sự vất vả, gian lao của các chiến sĩ giữ đảo ngoài xa kia kìa - anh chỉ về phía chân trời.
- Mỗi người có một nhiệm vụ, sóng gió bão bùng, tiếp lương tải đạn không vất vả ư?
- Khó nói lắm nhà báo à - Hùng - tên anh lính - thân thiện. Rồi cô sẽ hiểu khi ra đến đó.
Nhơn Châu hiện ra như một nàng tiên xanh nằm trên bãi cát vàng. Bao quanh đảo là những vườn cây xanh mướt, bàng vuông, dứa dại, phong ba đan xen nhau thành mái lợp che cho đảo khỏi cái nắng như đốt như thiêu. Làng biển là những ngôi nhà xây gạch nung tuy nhỏ nhưng chắc chắn, san sát nhau như sẵn sàng vì nhau mà tương thân tương ái, vì nhau mà đấu cật chung lưng chống chọi với bão tố, phong ba. Đảo xanh. Cù lao xanh. Biển xanh và lòng người cũng xanh.
Len lỏi dưới những vòm cây là những luống rau cũng xanh ngăn ngắt. Rau cải rổ, rau muống, rau mùi, hành tỏi cùng nhiều loại rau khác đã được người lính và cư dân ở đây di thực, thuần dưỡng từ bao đời nay nên đã thích nghi với khí hậu khắc nghiệt nơi này. Chúng sống được qua mùa nắng nhờ mạch nước ngầm, nhờ công sức mồ hôi của người lính và cư dân trên đảo.
Bữa cơm chiều thật thân mật “có gì dùng nấy”. “Biển cho gì dùng nấy” là những món ăn bình thường của cư dân nơi này nhưng với chúng tôi thật lạ lẫm. Đầu tiên phải kể đến món hạt bàng rang muối. Đó là sản phẩm từ một công việc nhọc nhằn, thu nhặt quả bàng rồi phơi khô, chẻ ra lấy hạt rồi rang muối hay ngào đường. Hùng nói với tôi:
- Thứ này nhắm rượu hải sâm thì ngon hết biết.
Lần đầu tiên tôi uống loại rượu này, rồi nhai ngấu nghiến cả bụm hạt bàng rang. Ngon. Ngoài hạt bàng rang còn có món gỏi mực một nắng nướng trộn đọt bàng non cũng rất lạ lẫm bởi hương vị của nó không hề có trong các hàng quán ở đất liền.
Cơm ăn với cá kho, lòng heo luộc và món rau xào tép biển cũng hay hay. Cánh lính ăn nhanh lắm, dăm phút là họ buông đũa, chỉ còn Hùng ngồi lại cùng tôi nói chuyện gẫu. Giờ tôi mới biết anh là tiểu đoàn trưởng. Giản dị, hòa đồng, cùng cỗ cùng mâm với lính. Tôi tặng anh gói trà ướp sen mang từ quê nhà.
- Cô nhà báo này, đi đây đi đó nhiều, có gì vui không, kể tôi nghe với.
- Có gì lạ đâu anh. Em chuyên viết về lính mà.
- Nhưng cuộc sống nơi này khác nơi kia chứ.
- Gian nan, vất vả như nhau.
- Nhưng tình yêu thì lính biển phải thiệt thòi hơn chứ.
Hùng nói có phần đúng nhưng nghiệm lại cũng không đúng. Lính đóng chốt biên cương heo hút thì tình yêu đủ đầy gì. Vất vả, gian lao do mưa cuồng thác lũ và sóng dữ bão bùng thì hy sinh, mất mát có kém gì nhau. Tôi đặt bàn tay mình lên bàn tay anh an ủi, anh thoáng giật mình:
- Chẳng lẽ trong tim anh chưa có một bóng hồng nào ư?
- Có thì có đấy nhưng họ chỉ thoáng qua mà chưa hề dừng lại.
- Do đâu?
- Chắc tại họ không chịu nổi cảnh có chồng mà cứ gối chiếc chăn đơn.
Tôi nhìn về xa xôi. Hùng nói đâu đâu nhưng tôi nghe như anh nói với tôi vậy. Tôi cũng muốn có một tổ ấm hạnh phúc nhưng lại không muốn xa nghề. Nghề của tôi nay đây mai đó, ba mươi tuổi vẫn ở vậy, đi không, về không. Sống thoải mái thì có nhưng cũng đôi khi còn khắc khoải yêu thương thì luôn canh cánh.
- Em lạnh không? - Hùng bất ngờ vuốt mái tóc bay bay lòa xòa của tôi.
- Không, rất dễ chịu anh à - Tôi mở lòng.
Tôi quay lại, bắt gặp ánh mắt thẳm sâu, trìu mến của anh. Tôi thấy mình như tan đi trong ánh mắt ấy.
Đêm ấy, tôi chẳng thể nào chợp mắt bên cánh đồng nghiệp nữ của mình, chắc vì tôi và anh chưa hứa hẹn gì với nhau.
Chia tay Nhơn Châu, con tàu nặng trĩu buồn, uể oải hú còi tạm biệt. Mặt biển sớm lặng như gương, tàu rẽ sóng, bọt nước trắng xòa rồi vỡ tan ra hai bên mạn tàu vẽ nên bó hoa sóng thật đẹp. Hoa biển.
Nhơn Châu yên bình mà lòng tôi đang dậy sóng ngầm.
Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU