06:10, 10/10/2015

Bến phà xưa

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ....

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.


Bến phà tuy nhỏ bé nhưng luôn tấp nập, đặc biệt là mỗi khi phà cập bến. Tôi bưng cái khay nhựa trên đó có đủ thứ: thuốc lá, bánh, kẹo... chạy thật nhanh, băng băng lội qua mép nước, luồn lách qua những đám người chen chúc để lên phà, mong bán được ít hàng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Bến phà rất đông vào những ngày cuối tuần, khi nhiều đoàn khách đi theo các tour du lịch, tham quan miệt vườn sông nước. Tôi thích quang cảnh khi đó: những dòng người nườm nượp đổ xuống bến. Họ ăn mặc thật đẹp, nhất là những cô gái trẻ. Giá như tôi được như họ. Khi đó, tôi cũng sẽ bước những bước thong thả, nhàn tản, chứ không tất bật, cuống cuồng như thế này. Nhưng biết đến bao giờ tôi mới có đủ tiền để được như họ, trong khi mỗi ngày tôi chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, đủ giúp mẹ nuôi em và trang trải cho cuộc sống hàng ngày?


- Nghĩ gì mà ngẩn người ra thế, cô bé?


Đó là tiếng anh trưởng bến. Anh đưa đôi mắt to nhìn tôi, mỉm cười. Tôi bối rối cúi đầu. Mỗi khi bắt gặp ánh nhìn của anh, tôi như thấy có một khoảng sáng lung linh bao quanh. Từ khi anh về thay bác Sơn, trưởng bến cũ nghỉ hưu, bến phà như sôi động hẳn lên, bởi anh cho phép chúng tôi ra vào bến thoải mái, miễn là phải giữ vệ sinh. Anh dặn chúng tôi đừng bán đồ hư cho khách, phải chọn những loại hàng còn hạn sử dụng; các loại trái cây, bánh tráng, khoai lang chiên... phải bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Anh nói, làm sao để khách dù chỉ dừng lại hơn nửa giờ đồng hồ nhưng vẫn nhớ hoài về bến phà này.


Những khi chờ cho đủ người qua phà, rảnh rỗi, anh tập hợp chúng tôi lại, đọc báo, kể chuyện thời sự... Thỉnh thoảng, anh tổ chức liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn”: Anh đệm đàn ghi-ta và bảo tôi hát. Anh khen tôi có giọng hát hay. Trong khi tôi đắm mình vào bài hát thì chân anh gõ gõ theo nhịp trên nền nhà, mái đầu nghiêng nghiêng, gật gù theo tiếng nhạc. Ánh mắt anh khi đó thật lạ...


Khi câu kết của bài hát chấm dứt, những người khách đợi phà, mấy anh nhân viên và lũ bạn bán hàng rong vỗ tay: “Trời ơi! Hay quá!”. Tôi ngượng nghịu ngước nhìn lên. Anh mỉm cười: “Tuyệt lắm! Rồi em sẽ thành một ca sĩ đấy!”. Tôi cười buồn: “Em cũng muốn lắm, nhưng em có bao giờ ra khỏi cái bến này đâu!”. Anh nhìn thẳng vào mắt tôi: “Phải có niềm tin. Anh hứa sẽ cố hết sức để giúp em!”.


Tưởng anh chỉ nói chơi cho vui, nào ngờ, một tháng sau, khi đi họp ở tỉnh về, anh dẫn theo một người đàn ông cao lớn: “Đây là chú Hải, trưởng đoàn ca nhạc “Hương Rừng” của tỉnh! Chú Hải sẽ giúp em thực hiện điều mình mơ ước!”. Tối hôm đó, khi chiếc phà đã neo vào bến, chỉ còn dòng sông lặng lẽ trôi dưới ánh trăng vằng vặc, tôi đã hát cho chú Hải nghe, trong tiếng đàn dìu dặt của anh. Cũng như anh, chú Hải khen tôi có chất giọng tốt.


Mọi chuyện sau đó đến với tôi rất nhanh chóng: Chú Hải đến nói với mẹ, đề nghị cho tôi vào đoàn ca nhạc “Hương Rừng”.


Chỉ sau một thời gian học nhạc lý cấp tốc, luyện giọng, chỉnh âm, tập phong cách... thời khóa biểu của tôi kín các lời mời biểu diễn. Bận rộn với công việc và lâng lâng trong cảm giác bay bổng của một ngôi sao mới nổi, tôi chẳng có thời gian về lại bến phà thăm anh, dẫu chỉ một lần. Vả lại, tôi đã mua được nhà, đưa mẹ và các em cùng lên tỉnh ở. Làng quê nghèo khó ấy chỉ còn là kỷ niệm mờ nhạt trong tâm trí tôi.


Mấy năm sau, khi trở thành một ca sĩ nổi tiếng, tôi mới có dịp trở lại chốn cũ khi đoàn ca nhạc “Hương Rừng” thực hiện một hợp đồng biểu diễn với xã. Bến phà xưa không còn nữa, thay vào đó là một cây cầu bằng bê tông chắc chắn.


Tôi vội vã đi tìm anh, nhưng anh không còn ở đây nữa. Lũ bạn trách tôi: “Sao mày tệ thế! Bao nhiêu năm rồi chẳng chịu về. Anh trưởng bến buồn lắm, cứ trông hoài. Chiều nào, anh ấy cũng ra bến ngồi đàn rất lâu, một mình...”.


Tôi thấy mình thật có lỗi. Nếu không có anh giúp đỡ, chắc chắn tôi vẫn chỉ là một người bán hàng rong trên bến phà... Nhưng tôi biết tìm anh ở đâu bây giờ?


. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy