Tôi có một người anh trai. Anh lớn hơn tôi cả giáp. Chúng tôi cứ như những người đi ngược chiều trong cuộc sống của nhau, kể cả trong cách suy nghĩ, lối sống mà đôi khi tôi cho rằng có lẽ bởi tuổi tác quá cách biệt nên chúng tôi khó hiểu và cảm thông cho nhau.
Tôi có một người anh trai. Anh lớn hơn tôi cả giáp. Chúng tôi cứ như những người đi ngược chiều trong cuộc sống của nhau, kể cả trong cách suy nghĩ, lối sống mà đôi khi tôi cho rằng có lẽ bởi tuổi tác quá cách biệt nên chúng tôi khó hiểu và cảm thông cho nhau.
Khi tôi hãy còn bé thơ, anh đã là một người đàn ông trưởng thành. Trong khi tôi là một cô bé thích vui đùa và rất tự nhiên thì anh lại kỹ tính và rất nghiêm khắc trong hầu hết mọi việc. Cũng bởi quá chỉn chu nên vai trò người trụ cột trong gia đình anh hoàn thành rất tốt. Gia đình tôi nghèo, mẹ hay bệnh nên cuộc sống mỗi ngày đều do anh và ba vất vả lo toan. Cho tới khi biến cố xảy ra, ba không đi làm được nữa, mẹ vốn sức khỏe yếu chỉ đủ bươn chải bằng những gánh rau ngoài chợ, lúc ấy, một mình anh gánh vác tất cả. Anh không thể học đại học, dẫu ước mơ của anh là mong ước trở thành thầy giáo. Bởi thế, anh truyền ước mơ đó cho tôi, và tôi trở thành cô học trò duy nhất của anh. Khi những chàng trai khác bắt đầu vào giảng đường, anh vào làm công nhân trong công ty gỗ. Đôi lúc tôi hỏi anh:
- Anh muốn làm thầy, sao không học tiếp?
Câu trả lời của chàng trai chớm tuổi hai mươi, với bao ước mơ và hoài bão lại làm tôi rớm nước mắt: “Nếu học tiếp, anh có thể thực hiện giấc mơ của mình, nhưng anh sẽ không thể cho gia đình mình đủ đầy và ấm áp như hiện giờ em ạ”.
Tôi còn nhớ, thi thoảng tôi hay thức đợi anh đi làm về với những bịch kem mà ngày ấy đứa trẻ nào cũng thích. Và khi đợi được anh rồi, chưa kịp ăn kem, tôi đã ngủ vùi trong vòng tay anh, dẫu mùi mồ hôi còn vương đầy trên áo anh. Tôi nghĩ đó là quãng thời gian anh rất tự hào và hạnh phúc. Anh hay đưa tôi lên nhà máy chơi những khi công ty có tiệc, ở đó mọi người dành cho anh cái nhìn trìu mến. Trong mắt tôi khi ấy, anh bỗng chốc thành một thần tượng.
Cho tới khi anh khoác lên mình một màu áo khác cũng là lúc cuộc đời anh đổi khác. Ngày anh cầm xấp vải có màu trắng sữa về nhà, tôi đã hỏi ngay.
- Gì thế này hả anh?
- Vải may áo đó út.
- Nhưng áo anh màu xanh cơ mà.
- Nay anh mặc áo màu này, lên chức hẳn hoi đấy nhé.
Anh cười tít mắt. Thì ra anh đã được lên làm tổ trưởng tổ lao động. Chỉ là một chức vụ nhỏ nhưng nó thể hiện sự tín nhiệm mà mọi người dành cho anh. Khi “lên chức”, anh vẫn gắn bó với những người ngày xưa, nên bạn anh vẫn luôn lui tới nhà tôi. Còn tôi, cứ mân mê màu áo ấy và bảo:
- Trông anh oai ghê, thế là có bao nhiêu người phải đứng sau lưng anh đấy.
Thế là anh nghiêm mặt:
- Út, dẹp ngay ý nghĩ đó nghe chưa? Mình được như thế này thì phải sống sao cho người ta phục chứ không phải sống cho người ta ghét.
Anh luôn nghiêm khắc như thế mỗi khi tôi làm sai hay đôi lúc buột miệng nói những câu đùa.
Màu áo mới đi tiếp cùng anh một quãng thời gian dài, đủ cho gia đình tôi từ những bữa cơm đạm bạc trở nên đầy đủ hơn, căn nhà mái lá ngày nào được xây lại thành căn nhà cấp bốn, dẫu nhỏ thôi nhưng ấm áp, che được nắng mưa. Chỉ có anh tôi là vất vả hơn và màu áo ấy cũng bị mồ hôi và nước mắt nhuộm sang màu khác.
Tôi vào cấp ba. Công việc của anh thường đi sớm về khuya. Và rồi một biến cố xảy ra, anh phải nghỉ làm. Tất cả đánh gục anh thật nhanh chóng. Gia đình tôi lúc ấy khó khăn vô cùng, bao nhiêu tiền dành dụm cố trang trải gia đình và chữa bệnh cho ba dần cũng hết. Đã nhiều lần tôi muốn nghỉ học nhưng anh ngăn tôi ngay.
Phải mấy tháng sau, anh mới xin làm bảo vệ của chung cư. Anh được khoác một chiếc áo xanh có bảng tên hẳn hoi. Anh khoe áo mới với tôi cứ như một đứa trẻ ngày đầu nhập học. Tôi khi ấy cũng đã lớn, đã biết sẻ chia niềm vui và đỡ đần những nhọc nhằn của anh. Tôi bắt đầu đi làm, anh cũng đạt được sự tin yêu của mọi người. Anh vẫn hay đem về nhà khi thì bát phở, khi thì ổ bánh mì người ta mua cho anh. Điều đó cho tôi hiểu sự thương yêu mà những người ở đó dành cho anh. Tôi học được ở anh rằng, hãy cứ sống hết mình, cố gắng vượt qua tất cả những thử thách, chông gai, rồi hạnh phúc cũng sẽ đến dẫu muộn màng.
Hôm nay, nhìn anh xúng xính trong màu áo cưới, nụ cười rạng ngời hạnh phúc, tôi thấy mừng cho anh. Ngày cưới của anh cũng là ngày tôi tốt nghiệp ngành sư phạm. Ước mơ của anh và của tôi chỉ mới bắt đầu.
Truyện ngắn của Lê Hứa Huyền Trân