"Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi/Mây ngàn hóa bóng cây che…".
“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi/Mây ngàn hóa bóng cây che…”.
Cả hội trường lặng phắt. Giọng người ca sĩ trầm và ấm, đang thì thầm câu chuyện về những người con của Tổ quốc đã nằm lại ở một góc trời biên giới... Nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Bao giờ cũng vậy, bất cứ khi nào, ở đâu, khi bài hát “Màu hoa đỏ” cất lên, tôi lại không cầm được nước mắt. Bởi vì anh, người yêu đầu tiên của tôi cũng đã ra đi và mãi mãi không trở về...
Năm ấy, khi tôi đang học lớp 12, có đoàn sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang về trường tôi thực tập. Hôm đó, tôi đi học trễ. Trong khi cắm cúi chạy lên cầu thang, tôi va phải một người, làm cái cặp trên tay anh rơi xuống đất. Biết mình có lỗi, nhưng vì vội quá nên tôi vẫn chạy tiếp, chỉ kịp nói với lại một câu: “Nhặt giùm lên đi! Bữa khác sẽ xin lỗi sau!”. Người đó mỉm cười hiền lành: “Nhớ bữa khác đó nghen!”.
Mấy phút sau, tôi tròn mắt khi cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp cùng với anh, người mà tôi va phải trên cầu thang. Cô giới thiệu: “Đây là thầy Hoàng, sẽ chủ nhiệm lớp chúng ta trong thời gian tới!”. Ánh mắt của anh lướt qua cả lớp, hình như dừng lại hơi lâu trên gương mặt tôi.
Anh dạy Văn, môn học mà tôi ghét nhất. Song, thật kỳ lạ, chỉ ngay trong buổi đầu tiên, bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, anh đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho cả lớp. Những bài thơ được anh đọc bằng chất giọng ngân nga, đầy biểu cảm, gieo vào lòng tôi một cảm xúc khác lạ, êm dịu và da diết, khác với cách giảng khô khan của thầy Toàn. Anh thường đưa ra nhiều ví dụ trích dẫn từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Nhờ vậy, tôi có thể hình dung ngay vẻ đẹp của những câu thơ, bài văn mà trước đó, dù đọc đi đọc lại cả chục lần tôi cũng chẳng thể thuộc. Anh còn biết cách đưa thêm những tình tiết mới mẻ về cuộc đời tác giả. Tôi còn nhớ, dạo ấy tôi học mãi mà không thuộc được bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Thế mà, chỉ cần vài phút anh “lạc đề” với bài thơ “Lá diêu bông” của cùng tác giả, ngày hôm sau, tôi đã có thể đọc làu làu bài thơ ấy.
Anh đã biến những giờ học buồn tẻ thành những buổi bình văn sôi động và hấp dẫn. Từ đó, tôi luôn ngóng chờ tiết văn. Lần đầu tiên trong nhiều năm học, tôi được điểm 7, rồi điểm 8 môn tập làm văn, với lời phê nắn nót của anh: “Bài viết giàu cảm xúc!”, “Có sáng tạo, súc tích. Chú ý tránh lan man”... Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ đỏ mềm mại, rồi nhìn hai chữ “lan man”, mơ màng: Làm sao mà tôi không lan man được khi trong bài văn ấy của tôi luôn thấp thoáng nụ cười hiền lành và giọng nói ấm áp của anh...
Một buổi chiều Chủ nhật, tôi tranh thủ đến nhà khách thăm anh. Anh có vẻ rất vui khi mở cửa:
- A! Cô bé hay đi trễ!
- Em... Em muốn xin lỗi... thầy, chuyện bữa trước... - Tôi lúng túng.
- Sao cứ thầy hoài! Em chỉ bằng tuổi em gái tôi ở quê!
- Vậy, em gọi thầy là anh, nghen - Tôi mạnh dạn.
Anh gật đầu, mỉm cười.
Chúng tôi đã có nhiều buổi chiều thú vị sau đó. Anh hỏi thăm tôi về gia đình, ba má. Anh nói, thật ra, ngay hôm đầu tiên anh đã chú ý đến tôi vì tôi rất giống cô em của anh, cũng trắng trẻo, xinh xắn và... hay đi học trễ... Anh cười cười, nhìn tôi láu lỉnh.
Song, anh chỉ say sưa với những bài giảng của chúng tôi một thời gian ngắn nữa. Chiến tranh biên giới nổ ra. Nhóm sinh viên của anh được lệnh quay trở lại trường. Ít lâu sau tôi nghe tin, các anh, dù chưa kịp tốt nghiệp, cùng viết đơn tình nguyện xin ra chiến trường. Tôi đã bỏ một buổi học, đạp xe hơn 10 cây số dưới trời mưa lạnh để đến nơi tập kết. Anh nhận ra tôi ngay trong số hàng trăm khuôn mặt chen chúc nhau ở đó. Ánh mắt anh nhìn tôi đăm đắm: “Ráng học giỏi nghen! Và nhớ là đừng đi trễ nữa đó!”. Tôi gật đầu, cả khuôn mặt nhạt nhòa trong mưa và nước mắt...
Tôi hay nhận được thư anh, những lá thư dạt dào tình cảm của một người đi xa. Thư nào anh cũng nhắc: “Chờ anh nhé! Nhất định anh sẽ trở về!”. Tôi đọc đến thuộc lòng mà lần nào mắt cũng nhòe nước vì hạnh phúc...
...Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tôi biết điều đó qua những bản tin thời sự mà chiều nào đài phát thanh cũng truyền đi. Trong nỗi chờ mong khắc khoải, tôi vẫn lao đầu vào ôn tập ngày đêm để thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Tôi muốn trở thành đồng nghiệp của anh...
Song, anh đã không trở về như đã hứa. Đồng đội báo tin anh hy sinh trong một đợt pháo kích. Dòng tên anh, bạn bè đã khắc vào đá núi. Ở nơi đó, những buổi chiều, ánh hoàng hôn thường cháy đỏ, loang mãi một khoảng trời bao la của biên giới...
T.T.G.T