08:02, 07/02/2015

Vị khách cuối năm

Cuối năm, dòng người trở nên đông đúc. Ai cũng hối hả lo mua sắm bánh mứt, cây cảnh, trang trí nhà cửa thật đẹp để đón năm mới. Riêng bác xích lô vẫn như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì rồi đạp xe đến gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, đón mời khách...

Cuối năm, dòng người trở nên đông đúc. Ai cũng hối hả lo mua sắm bánh mứt, cây cảnh, trang trí nhà cửa thật đẹp để đón năm mới. Riêng bác xích lô vẫn như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì rồi đạp xe đến gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, đón mời khách...


Đã mấy ngày nay, bác không chạy được cuốc xe nào. Mấy năm trước, cuối năm, những người làm ăn tha hương hoặc các cô cậu sinh viên về quê đông lắm, sân ga trở nên nhộn nhịp. Năm nay, khách đi đâu hết trơn, hoặc có lẽ mấy tài xế taxi, xe thồ ở bến giành hết khách rồi. Cái nghề đạp xích lô thô sơ, chậm chạp của bác, ai mà thèm đi nữa. Thôi, xong vụ Tết, sang năm, bác kiếm việc khác làm có lẽ hay hơn! Song, đúng vào lúc chán nản nhất, bác gặp được một vị khách hào phóng. Cuộc sống có những điều bất ngờ, thật thú vị biết bao!


Vị khách tuổi chừng ba mươi, mặc quần áo đã bạc màu. Anh ta đến gần bác, lịch sự hỏi: “Anh có thể chở em đến nhà nghỉ nào gần đây được không?”. Qua cử chỉ và lời nói, bác đoán vị khách này thuộc người có học thức. Đến nhà nghỉ, người khách bước xuống xe, hỏi: “Anh lấy bao nhiêu tiền công”? Tuy có thiện cảm với khách, song đang lúc khó khăn, bác đành “chém”: “50 nghìn đồng!”. Vị khách không nói gì, vẫn vui vẻ, tươi cười, còn lịch sự đưa tiền cho bác bằng hai tay. Đã vậy, anh ta còn nói: “Chiều nay, anh chở giúp em tham quan cảnh đẹp nơi đây được không?”. Như vớ được mánh, bác nói như reo lên: “Được chứ, được chứ!...”.


Bình thường trưa nào bác xích lô cũng ngủ nửa tiếng để có sức chạy tới khuya. Hôm nay, bác không ngủ, ăn xong đĩa cơm bụi là đạp xe tới nhà nghỉ. Đến nơi, bác thấy khách đã ngồi đợi sẵn. Có lẽ anh ta nóng lòng muốn tham quan hết cảnh đẹp nơi đây. Thấy bác đến, anh đứng dậy, mừng rỡ, bắt tay rồi leo lên xích lô, không cần hỏi giá cả. Đầu tiên, bác chở khách đi một vòng quanh thành phố. Đi đến chỗ nào, khách cũng tỏ ra thích thú. Lúc chở đến mấy địa điểm khác, bỗng dưng khách nhảy xuống đất, nói:
- Anh mệt rồi, để em chở cho!


Bác xích lô ái ngại:


- Không được, em là khách mà không thể để em chở anh được.


Thế nhưng người khách vẫn nhất quyết đổi chỗ với bác xích lô. Từ lúc đó trở đi, vị khách du lịch chở bác đi ngắm cảnh, lúc nào mệt thì thay nhau chở, nói cười vui vẻ, giống như hai người bạn. Ngày nào bác xích lô cũng gắn bó với chiếc xe nhưng chỉ ngồi đằng sau, gồng hết sức mình để chở khách. Hôm nay là lần đầu tiên trong đời bác vinh dự được ngồi đằng trước cho khách chở mình nên cảm động lắm. Đến chiều, sau khi đi hết các điểm du lịch và quay về nhà nghỉ, người khách hỏi:


- Anh lấy bao nhiêu tiền công?


Bác xích lô lúng túng:


- Anh chở em một đoạn, em chở anh một đoạn, thật lòng không biết lấy bao nhiêu cho phải. Thôi thì em đưa anh bao nhiêu cũng được!


Người khách lấy 500.000 đồng nhét vào túi bác, lại còn mời: “Tối nay, anh em mình đi nhậu nhé!”.


Buổi tối, bác và vị khách ngồi nhậu bên cái quán ở vỉa hè, tỉ tê tâm tình, giống như bạn thân xa lâu ngày gặp nhau. Lúc này, bác mạnh dạn hỏi:


- Qua cách ăn nói lịch sự, tế nhị, anh đoán chắc em là người có học thức cao?


- Dạ không, em học hành dở dang...


- Em xài tiền hào phóng, không tính toán với anh, hẳn em phải khá thành đạt?


- Dạ không...


- Vậy em làm gì?


- Dạ... ở Sài Gòn, em cũng đạp xích lô!


Bác xích lô ngạc nhiên:


- Em đạp xích lô, sao hào phóng với anh như thế?


Đến đây, người khách thành thật tâm sự:


- Mình cùng nghề, nên em hiểu nỗi khổ của nhau! Vừa rồi, em may mắn chở một bà Việt kiều tốt bụng, bà ấy cho em mấy trăm đô la. Nhân lúc gần Tết ế ẩm, em tranh thủ thời gian đi chơi Tết sớm, chứ đầu năm, người ta vui vẻ đi chơi, mình phải gồng lưng đi làm, rảnh đâu mà đi...


Bác xích lô đứng dậy, móc bóp:


- Cũng cảnh nghèo khó như nhau, anh không lấy tiền em đâu!


Vị khách chặn tay lại:


- Em còn trẻ, có nhiều cơ hội. Anh cứ cầm tiền, mùng một Tết anh đừng đi làm, hãy chở chị đi chùa một lần giống như người ta!...


Bác xích lô ngậm ngùi, xúc động nói:


- Cảm ơn em, cho anh mượn tạm! Sau này có duyên, có dịp, anh sẽ gửi lại em!...


Nói vậy, nhưng trong lòng bác lo lắng, không biết về sau mình có tiền để vào Sài Gòn gửi lại món nợ này không!?...


Truyện ngắn của LÊ ĐỨC QUANG