09:12, 06/12/2014

Tình chị phương xa

Chị Hai, con cậu tôi, qua Mỹ đã hơn 20 năm. Mấy năm đầu chị đi biền biệt, không thư từ gì. Vài năm sau, làm ăn khấm khá, chị mới gửi thư về, kể vắn tắt rằng: Chị ở Mỹ, có việc làm ổn định, cuộc sống của chị bây giờ sung túc, có nhà lầu, xe hơi... Gia đình nhận được thư chị thì mừng rỡ vô cùng.

Chị Hai, con cậu tôi, qua Mỹ đã hơn 20 năm. Mấy năm đầu chị đi biền biệt, không thư từ gì. Vài năm sau, làm ăn khấm khá, chị mới gửi thư về, kể vắn tắt rằng: Chị ở Mỹ, có việc làm ổn định, cuộc sống của chị bây giờ sung túc, có nhà lầu, xe hơi... Gia đình nhận được thư chị thì mừng rỡ vô cùng.


Ngày ấy, gia đình chị còn nghèo lắm. Nghèo đến độ bữa ăn toàn độn khoai sắn, anh chị em trong nhà cũng nhường qua nhường lại. Nghèo đến độ đôi dép đã rách, khâu lại nhiều lần, anh chị em phải mang chung. Tuy không được học hành nhiều, song tình cảm họ luôn dạt dào. Nghe chị kể giờ đã được sung sướng nên ai cũng mừng.


Sau thời gian liên lạc, chị Hai bắt đầu gửi tiền về quê xây nhà cho cha mẹ. Căn nhà tranh vách lá, đông con nghèo nhất xóm, bỗng dưng thành ngôi nhà lầu với đầy đủ tiện nghi... Trong nhà, chị sắm điện thoại để khi nào cần thì gọi về. Anh em trong nhà, người nào nghèo thì chị cho tiền xây, người nào khá hơn thì cho vài nghìn đô la. Nhờ tiền chị gửi, cuộc sống của các anh chị em đều trở nên khá giả. Nhưng cũng từ đó trở đi, họ ỷ lại có chị Hai, không để ý hay lo lắng nhiều về kinh tế. Chị còn lo cho các cháu. Một lần chị điện thoại bảo: “Đời mình đã không biết chữ, đừng để cho mấy cháu đi theo vết chân của mình. Nhớ cho mấy cháu đi học nghề, học chữ đầy đủ. Bao nhiêu tiền, chị gửi!...”. Thế là, hàng tháng chị đều đặn gửi tiền về cho các cháu.


Chị Hai về nước được hai lần. Lần đầu, sau khi đưa chị thăm bà con nội ngoại, anh chị em bàn nhau đóng góp tiền thuê xe đưa chị đi chơi ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt... bởi thấy thương chị Hai chỉ biết làm việc quần quật để gửi tiền về chăm lo cho gia đình. Song, chị nhất quyết không cho ai góp tiền, một mình chi hết cho các chuyến du lịch. Chị bảo: “Mấy em biết đoàn kết, thương yêu nhau là chị vui rồi...”.


Thương chị Hai, mấy đứa em đưa chị đến nhà hàng sang trọng, thế nhưng chị thấp thỏm không dám vào, nói: “Hay là mình đến quán nào nhỏ thôi, để dành tiền cho mấy cháu đi học?...”. Mấy anh chị em cảm động vô cùng: “Chị lâu ngày về Việt Nam, cứ chơi thỏa sức, cứ tằn tiện cho người khác làm gì...”. Nghe vậy chị miễn cưỡng vào...


Buổi tối, sau khi đi chơi về ở khách sạn, mấy đứa cháu lấy chiếc thẻ nhớ trong máy hình ra, cắm vào máy tính để xem hình chụp chuyến đi chơi. Đây là 2 vật dụng chị gửi tặng cháu nhân ngày sinh vào mấy tháng trước. Mấy đứa cháu gọi chị lại xem hình, chị lúng túng, không biết dùng, thành thật nói: “Ở bên đó, dì chỉ biết làm móng tay, móng chân cho người ta, chứ có đụng đến máy móc đâu!...”. Mấy đứa cháu ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi gì...


Lần thứ hai chị Hai về nước, mấy anh chị em cũng đưa nhau đi chơi giống như lần đầu. Lần này, chị mang về hết số tiền tích cóp trong mấy chục năm. Chị gọi mấy anh chị em lại, bàn tính kinh doanh, để sau đó chị về Việt Nam định cư luôn. Người bàn làm việc này, người bàn công việc kia, cuối cùng, chị Hai nghe lời chị Bảy mua mấy mẫu đìa nuôi tôm, giao cho chị Bảy trông coi, lấy tiền lời để dành cho chị về quê. Song, mấy năm liền, việc nuôi tôm thua lỗ, thế là bao công sức của chị Hai như đổ sông đổ biển...   


* * *


Mấy tuần trước, bé Thùy, con gái chị Hai điện thoại về khóc lóc bảo rằng tiệm làm móng gia đình thuê của người ta đã bị đòi lại, cuộc sống khó khăn, chị lại đang bệnh nặng. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ ra rằng bao năm qua chị Hai luôn hy sinh mọi thứ để lo cho gia đình. Ai cũng cảm động, nghẹn ngào và quyết định cùng nhau góp tiền giúp chị Hai vượt qua khó khăn, chữa bệnh...


Tình cảm chị em vẫn dạt dào như ngày nào.

Truyện ngắn LÊ ĐỨC QUANG