06:11, 22/11/2014

Về với đảo xa

Tàu hướng mũi ra khơi, bỏ lại tiếng ồn ào nơi bến cảng. Bến cảng không có cầu tàu, thay vào đó là thuyền thúng, sà lan làm phương tiện trung chuyển. Tự bao đời rồi bến cảng vẫn như thế, nhưng chưa có ai có ý định bỏ làng, bỏ bến để ra đi. Tên của bến là Nại.

Tàu hướng mũi ra khơi, bỏ lại tiếng ồn ào nơi bến cảng. Bến cảng không có cầu tàu, thay vào đó là thuyền thúng, sà lan làm phương tiện trung chuyển. Tự bao đời rồi bến cảng vẫn như thế, nhưng chưa có ai có ý định bỏ làng, bỏ bến để ra đi. Tên của bến là Nại.


Ra khỏi cái vịnh con con nơi có làng biển và cái bến cảng tự phát ấy là chạm vào bao la biển cả, nắng gió và mây trời. Chị thấy lòng mình se lại, tuy không phải lần đầu xa quê nhưng chuyến đi này rất đặc biệt với chị.


Ra trường ba năm trước với tấm bằng đại học Sư phạm loại giỏi, chị có điều kiện để được giảng dạy tại quê nhà. Nhưng, với cá tính mạnh mẽ, tự lập nên chị thích dấn thân đến những miền đất mà cuộc sống còn gian lao, vất vả hơn cái làng biển vừa mới thoát nghèo này. Bỏ lại công việc nhàn nhã ở thị thành, chị làm người của sương, nắng, của bão tố phong ba khi đem cái chữ về đảo xa chăm chút ươm gieo. Ở đó, chị không thấy những giọt nước mắt yếu đuối của những người sống vì nhu cầu, thay vào đó là tính cương quyết sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách để sống và trưởng thành. Sân trường nơi chị dạy là một khoảnh sân bé nhỏ nhưng tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Cây bàng, cây phong ba đã thành biểu tượng của đảo, ở đó chị có thể thấy được bốn mùa, nhất là mùa thu lá bàng lung linh sắc lửa. Hoa bàng vuông nở vào ban đêm, nơi cánh cửa trái tim luôn mở, luôn hướng về đất liền nên hoa có một vị trí đặc biệt trong tâm tình của người dân trên đảo... của biển cả.


Thương sao những vùng khát chữ như thế nên chị hết lòng dạy dỗ, truyền đạt cho các em những phương pháp tốt nhất để giải toán, lồng ghép những câu từ vui vui để các em nhớ lâu. Tỉ như: “I tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm tờ dài có ngang” hoặc “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ già thêm râu. O a hai chữ khác nhau, chữ a thì có móc câu bên mình...”. Vừa viết, giảng, vừa diễn đạt bằng những học cụ thô sơ tự làm nhưng kết quả thì vô cùng ấn tượng, các em thích thú cười đến tít mắt.


Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một  nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng. Trường chỉ có chị và bà cai trường kiêm luôn dịch vụ lau dọn nên được bố trí ở chung phòng và luôn được mọi người chăm nom, giúp đỡ. Trường lớp tuy bé nhưng rất sạch đẹp và chắc chắn, có nhà ở riêng cho giáo viên công tác xa nhà, lại gần doanh trại quân đội nên chị thường được các anh tặng quà là những hải vật ngon và tươi của biển mà các anh đánh bắt được. Ở đó, chị biết thêm nhiều loại cá lạ, nhiều loại ốc chưa từng thấy ở các chợ trong đất liền; biết chế biến thành những món ăn ngon từ những gia vị có sẵn trong vườn như rau quế, rau mùi, lá chanh, lá sả. Ở đó, chị được làm quen và là bạn thân của “phó đảo” độc thân vui tính.


- Mình là Mai Anh, chỉ huy phó, ra đảo gần chục năm nên biết nhiều điều, cô giáo có gì muốn giúp đỡ thì nói thẳng với mình nhé. Đừng ngại.


- Dạ, cảm ơn anh, em là Nại.


- Ồ... cái tên nghe ngồ ngộ nhưng lại rất quen.


- Tên em là tên làng chài quê em, chắc có lý do gì đó nên bố mẹ mới đặt cho em để nhắc nhớ hay sao ấy. Còn anh, giống tên... con gái quá!


- Chắc cũng như em, bố mẹ anh thích con gái.


- Anh có gia đình ở quê rồi chứ?


- Có chứ, ai mà không có gia đình.


- Anh được mấy cháu rồi?


- Trời... có đâu.


Như sợ chị hiểu khác bởi câu nói khá bông đùa của mình, anh đính chính:


- Phải chi em hỏi có vợ chưa thì anh dễ trả lời.


Ba năm, thứ gì mà chẳng chín, nhưng chín mà không rụng thì chắc chỉ có tình yêu. Hơn nữa, đây không phải là mối tình đầu của chị nên sự yếu mềm đã không còn. Với chị thì tình yêu phải đi đến hạnh phúc lứa đôi chứ không thể hạnh phúc nửa vời. Giữa họ có một vách ngăn không tên bởi thâm tâm chị chưa bao giờ có ý định sẽ lập gia đình nơi này. Chị nghĩ về làng chài, về những người thân yêu. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cánh diều tuổi thơ của chị được bay bổng lên cao, được vào đời và đi trên con đường chị đã chọn.


Hôm chị về quê, anh bận công tác nên không thể tiễn. Khoác ba lô lên vai, chị về như khi chị đến, khác chăng là hành trình xuôi nắng, xuôi gió, thuận lòng. Đêm trên biển trời trong và đáng yêu đến lạ.


Mùa hè chậm chạp qua đi, mấy mươi ngày ở quê là khoảng thời gian vừa đủ để chị dùng làm thước đo lòng mình. Có chút hụt hẫng trong tâm tư, chút phân vân trong tình ái bởi đời sống của làng chài giờ đã đổi thay nhiều. Cuộc sống gia đình chị giờ cũng đã ổn định. Em trai chị đã khôn lớn, có vợ con và có thể thay cha mẹ cáng đáng việc nhà, việc xóm.


Sự lo toan cho gia đình đã không còn, chị nhanh chóng quyết định sẽ trở lại đảo. Chị gởi cho Mai Anh một tin nhắn và nhận lại từ anh những lời yêu thương thắm thiết. Đêm như vỡ ra bởi những vì sao khuya nhảy múa qua giọt sương vương mắt...


Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU