10:08, 15/08/2014

Bức tranh thôn nữ

Ba mươi tám tuổi, Nhã vẫn sống trong cảnh phòng không. Ngoài bộ bàn ghế salon và hai chiếc tủ gỗ, một đựng rượu trà, một chứa đầy sách, trong nhà chỉ có thêm vài vật dụng sinh hoạt bình thường như ti vi, tủ lạnh, giường nệm, bếp ga. Thế là đủ.

Ba mươi tám tuổi, Nhã vẫn sống trong cảnh phòng không. Ngoài bộ bàn ghế salon và hai chiếc tủ gỗ, một đựng rượu trà, một chứa đầy sách, trong nhà chỉ có thêm vài vật dụng sinh hoạt bình thường như ti vi, tủ lạnh, giường nệm, bếp ga. Thế là đủ. Nhiều hôm về muộn, Nhã chỉ lót dạ mì tôm. Bữa nào bạn bè rủ nhau bù khú bên bàn rượu đến khuya, về tới nhà trong trạng thái chếnh choáng, Nhã lăn ra ngủ. Quá nửa đêm, bụng cồn cào mới gượng dậy vớ lấy chai nước lọc trong tủ lạnh, tu một hơi cho quên cái đói.


Căn nhà của Nhã nằm trên con phố nhỏ. Bên trong là khoảng không gian nhỏ với những giò phong lan nở hoa đủ màu trông thích mắt. Người đến chơi một vài hôm, ai cũng khen khu phố này yên tĩnh. Nhất là tầm mờ sáng mùa hạ, tiếng chuông chùa ngân lên, nửa như vọng vào cõi xa xăm nào đó, nửa như đánh thức cõi tâm con người hướng về nẻo thiện. Phải. Những tiếng chuông chùa đã giúp cho Nhã dằn lòng, kiềm chế cơn giận dữ khi chuyện đời của mình rơi vào nghiệt ngã, trớ trêu. Cũng từ bữa đó Diễm bỏ đi biệt dạng không một lời nhắn gửi. Anh cất công dò hỏi, tìm kiếm nhiều nơi, rồi chờ đợi bằng lòng vị tha nhưng vô ích. Hơn nửa năm sau, thằng bạn thân từ thời còn học phổ thông gửi email báo tin “Diễm của ông đã đặt chân đến Texas với gã nhiếp ảnh gia”. Nhã tự nhủ “Ừ. Vậy cũng được. Khỏi phải trông chờ”.


Sống một mình riết cũng quen. Thường thì tầm bốn giờ sáng, Nhã thức giấc. Đi bộ tập thể dục hơn một tiếng, Nhã về nhà tắm giặt, tự nấu bát mì, ăn vội rồi phóng xe đến công sở. Khi Nhã dắt xe ra lề phố cũng là lúc cô gái gánh hàng rong đến ngõ, rặc món đồng quê. Lúc thì mớ cá rô, cá lóc, tép đồng. Khi thì bó rau xanh mướt, trái mướp thơm lừng, quả cà tím rịm. Mua nhiều lần thành mối thân quen. Vậy nhưng, hơn nửa năm mà Nhã chưa nhận diện rõ nét gương mặt người bán hàng rong. Dường như lúc nào chiếc nón lá cũng dính chặt trên đầu cô gái, cái khẩu trang che kín hai phần ba khuôn mặt, chỉ còn lại vầng trán và đôi mắt đen tròn, lấp lánh; giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn, hiền lành và vóc dáng gọn gàng. Thịt, cá, rau, dưa ở đâu chẳng có. Vậy mà cô gái bán hàng rong vắng bóng mấy bữa liền, bỗng dưng Nhã thấy nao lòng. Trưa về, anh dò hỏi hàng xóm. Nhìn cái lắc đầu của cụ Bân, Nhã như người chưng hửng.


Rồi cô ấy trở lại như mọi chuyện thường ngày. Mấy lần Nhã định cất tiếng dò hỏi nhưng khi nhìn vào đôi mắt lấp lánh của cô gái, bỗng dưng Nhã cảm thấy ái ngại, đành lảng tránh. Khi cô gái đưa cánh tay áo lên trán lau mồ hôi, chiếc khẩu trang vô tình bung ra, hiện rõ một gương mặt đầy gợi cảm khiến cho trái tim của Nhã tưởng chừng khô cứng sau cú sốc tình cảm từ chuyện Diễm ngoại tình, giờ lại rung động trước cô gái nhà quê. Kể từ đó, trong tâm trí của Nhã luôn hiện hữu hình bóng cô gái bán hàng rong.


Sáng Chủ nhật, Nhã lóng ngóng chờ trước ngõ, rồi cất tiếng:


- Ngày cuối tuần gánh hàng của em chắc có thêm món ngon?


- Anh có đùa em không? Hàng rong nông quê chỉ là rau dưa, tìm đâu ra cao lương mỹ vị.


- Với tôi bây giờ chỉ có gạo quê, rau sạch, cá đồng mới là món ngon thật sự.


Đằng sau câu nói chân tình của Nhã ẩn chứa khát vọng riêng anh, trong khi cô gái vẫn hồn nhiên chào:


- Bữa nay có cua đồng, mồng tơi. Anh mua nấu bát canh cho ngon miệng.


- Muốn ăn cũng chẳng được. Em thấy đó, trong nhà tôi không có bàn tay phụ nữ thì kiếm đâu ra bữa ăn ngon...


Lúc đó, cô gái mới sực nhớ chưa bao giờ nhìn thấy người phụ nữ nào trong căn nhà này.


- Quen nhau đã lâu nhưng tôi chưa biết gì về em - Nhã hỏi.


- Em tên Trang, hăm bốn tuổi, nhà ở xóm Bầu Súng.


Thấy cô gái là người hiền lành, dễ mến, Nhã bảo:


- Hôm nào Trang tìm người giúp tôi thu dọn, sắp xếp lại một số vật dụng trong nhà.


- Nếu anh không chê thì em sẽ dành thời gian giúp anh.


- Chê sao được, chỉ sợ Trang không giúp...


Tưởng nói chơi, nào ngờ chiều cuối tuần Trang đến thật.


Nghe tiếng chuông, Nhã bước vội ra cổng. Lòng anh thổn thức niềm vui khi bắt gặp đôi mắt đen tròn lấp lánh của Trang với nét nhìn đầy thiện cảm.


Trang bước xuống căn phòng phía sau theo lối đi trên hành lang bên trái ngôi nhà. Ngạc nhiên trước những khung tranh, giá vẽ, sơn dầu và hàng loạt bức tranh lớn, nhỏ... chất bề bộn trong căn phòng, Trang cất tiếng hỏi:


- Anh là họa sĩ à?


- Đúng. Nhưng tôi bỏ nghề gần hai năm rồi.


- Sao thế anh?


- Chuyện dài lắm. Mê vẽ từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi dự thi đại học mỹ thuật và bám đuổi nghề hội họa bằng niềm đam mê thật sự. Nhưng rồi... chính cái nghề này đã gieo bất hạnh cho tôi...


Biết đã chạm vào chuyện riêng tư của người khác, cô gái lặng lẽ thu dọn. Khi lật những tấm tranh sơn dầu ở góc phòng, Trang thảng thốt giật mình trước bức tranh nghệ thuật khỏa thân. Trong tranh, một cô gái tràn đầy sinh lực với tư thế nửa nằm, nửa ngồi, gương mặt khả ái, vẻ đẹp thật lãng mạn và quyến rũ. Nét vẽ lột tả những đường cong giàu sức gợi cảm của người con gái...


Giữa lúc Trang đang ngẩn ngơ trước câu hỏi cô gái nào đã làm người mẫu cho bức tranh thì Nhã xuất hiện. Sau vài giây lúng túng, Trang thật thà cất tiếng:


- Anh vẽ bức tranh sơn dầu này đẹp quá. Cô gái trong tranh cũng đẹp mê hồn.


- Em nhầm rồi. Đó là chuyện của hôm qua, còn bây giờ thì bức tranh này và người trong tranh không còn như ngày cũ nữa đâu.


Dứt lời, Nhã cầm lấy bức tranh mang vào gian phòng kế bên. Khi trở ra, nhìn thấy ánh mắt nghi ngại của cô gái, anh im lặng hồi lâu rồi lý giải:


- Biết vậy, nhưng tôi vẫn phải giữ bức tranh đó như giữ lấy bằng chứng về một kẻ bội bạc trong tình yêu.
- Rồi sao nữa anh? - Trang như bị cuốn hút bởi câu nói ẩn chứa một chuyện tình trắc trở nào đó.


Nhã trầm tư hồi lâu rồi bảo:


- Chưa bao giờ tôi nhắc lại nỗi đau quá khứ với người thứ ba, nhưng hôm nay tôi sẽ kể cho Trang nghe một sự thật... đúng hơn là một đớn đau, bất hạnh. Cô gái trong bức tranh đó là Diễm, vợ tôi. Chúng tôi yêu nhau khi Diễm còn là sinh viên đại học sân khấu điện ảnh. Cô ấy là hoa khôi của trường, từng đoạt quán quân cuộc thi sinh viên thanh lịch thành phố. Mối tình đầu thật đẹp và thơ mộng đến mức nhiều bạn bè của tôi cũng phải phát ghen. Diễm là con út chủ hiệu kim hoàn nổi tiếng nên được cha mẹ nuông chiều mọi thứ. Tôi là con đầu trong gia đình công chức. Rồi chúng tôi kết duyên chồng vợ. Lễ cưới đông vui lắm. Nhiều người trầm trồ khen Diễm đẹp như người mẫu, tôi phổng mũi, nói đùa với mấy đứa bạn thân: “Cưới vợ phải cưới liền tay. Chớ để lâu ngày đứa khác nó ôm”.


Ngừng một lát Nhã kể tiếp:


- Tôi không ngờ chẳng bao lâu sau câu nói đùa của mình biến thành sự thật nghiệt ngã trớ trêu. Bức tranh nghệ thuật khỏa thân do chính tôi vẽ Diễm khi cô thuận tình làm mẫu từ hồi còn học năm cuối đại học sân khấu điện ảnh đã được tôi mang từ phòng tranh về nhà sau ngày cưới. Không ngờ trong những lần đến phòng tranh của tôi trước đó, một gã nhiếp ảnh gia sỏi nghề chân dung nghệ thuật đã mê mẩn bức tranh, lén lút sao chép bằng một cú bấm máy. Sau này tôi mới biết gã đã phóng bức ảnh chụp được đặt trong phòng riêng để ngắm nhìn say mê, dần dà thành kẻ si tình, lang thang dò tìm người trong tranh suốt nhiều tháng trời và tình cờ bắt gặp Diễm trong ngày cô lên xe hoa. Rồi gã mải mê bám đuổi Diễm dù biết cô đã có chồng. Cho tới giờ tôi vẫn chưa lý giải được thứ ma thuật nào đã cuốn hút Diễm ngã vào vòng tay hắn. Khi tôi biết được sự thật thì đã quá muộn... À, mà Trang nghe chuyện buồn của tôi làm gì cho nặng đầu. Trang kể chuyện của mình đi...


Trang ngồi im lặng, đầu ngổn ngang suy nghĩ về bức tranh nghệ thuật khỏa thân và chuyện tình của Nhã. Mãi đến khi Nhã giục, Trang mới thảng thốt giật mình.


 * * *


Trang rời phố trở về nhà sau một buổi rong ruổi mưu sinh. Chặng đường từ phố về xóm Bầu Súng chừng ba cây số. Mờ sáng mỗi ngày, cô cọc cạch xe đạp chở thực phẩm vào cửa ngõ nội thành. Gửi xe nhà người quen, Trang xếp thực phẩm vào rổ, gánh bộ trên những lề phố thân quen, đến trưa lầm lũi trở về khi lưng áo thấm đẫm mồ hôi. Những vòng xe đạp đều đều đưa Trang qua đường làng rợp mát cây xanh, cô không hề biết Nhã đang bám đuổi từ phía sau. Anh muốn tìm hiểu cuộc đời cô thôn nữ có vẻ đẹp thánh thiện, duyên dáng.


Khi Trang dừng lại trước căn nhà mái ngói, vách xây, mặt tiền hướng ra phía ao đang mùa sen nở rực hồng, Nhã tấp xe vô quán nước bình dân bên đường. Bà cụ trạc gần bảy mươi tuổi nhìn Nhã bằng đôi mắt tò mò hồi lâu mới cất tiếng hỏi:


- Cậu là bạn cô Trang hả? Cô ấy là con nhà tử tế, hiền lành lắm, cậu đừng có đùa cợt mua vui rồi biến mất, sẽ mang tội đó nghe.


- Dạ thưa bác, cháu chỉ là khách hàng thường mua rau dưa của cô ấy thôi - Nhã chống chế.


- Cậu không giấu được đâu. Nhìn ánh mắt tôi biết cậu có cảm tình với cô Trang rồi. Cậu mà nên duyên với cô ấy là phúc đức lắm đó. Thời buổi bây giờ kiếm được một người nết na, hiền thục như cô Trang không phải dễ.


Đặt chai nước trước mặt Nhã, bà cụ kể tiếp: Học xong cấp ba, cô Trang thi đậu trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh nhưng má lâm bệnh nặng phải lo chữa trị nên phải gác lại việc học. Từ hồi đó cô Trang thay mẹ gánh hàng rong ra phố bán. Nửa năm sau, mẹ mất, cô phải chăm lo chuyện chợ búa, cơm nước vì người cha đã quá già yếu. Cách đây non năm, đã có người bám đuổi nhưng cô từ chối vì không muốn xa quê sang Mỹ làm dâu...


Uống xong ly nước, Nhã từ tốn chào bà cụ rồi lên xe về nhà. Vắt tay lên trán suy tư hồi lâu, anh bật dậy cầm cọ vẽ. Không có người thật ngồi phía trước làm mẫu. Không phải bức tranh khỏa thân. Lần đầu tiên anh vẽ chân dung thôn nữ với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen tròn lấp lánh, cánh mũi thẳng và cao, đôi môi không son phấn nhưng chín mọng và thấp thoáng nét cười. Vẻ đẹp thánh thiện, duyên dáng của Trang cứ hiện hữu trước mắt, tạo cho nét vẽ của Nhã thêm tài hoa, sống động. Bất chợt một khát vọng trỗi dậy khiến Nhã ôm lấy bức tranh và thầm gọi hai tiếng: Trang yêu!


. Truyện ngắn: PHAN THẾ HỮU TOÀN