1. Lần đầu tiên Phượng nghe đến tên Long, khi đó cô chưa lấy chồng.
Là cơ quan chủ trì đoàn kiểm tra, Phượng gửi giấy mời qua cơ quan Long là sở chủ quản. Đến ngày kiểm tra, Long không tham dự vì nghỉ phép. Long phụ trách kỹ thuật, không ai thay thế. Vậy là trong đoàn kiểm tra thiếu thành phần sở chủ quản. Lần đó đợt kiểm tra có chút trục trặc.
1. Lần đầu tiên Phượng nghe đến tên Long, khi đó cô chưa lấy chồng.
Là cơ quan chủ trì đoàn kiểm tra, Phượng gửi giấy mời qua cơ quan Long là sở chủ quản. Đến ngày kiểm tra, Long không tham dự vì nghỉ phép. Long phụ trách kỹ thuật, không ai thay thế. Vậy là trong đoàn kiểm tra thiếu thành phần sở chủ quản. Lần đó đợt kiểm tra có chút trục trặc.
Một tuần sau, Long điện thoại cho Phượng tỏ ý hối tiếc bởi kết quả làm việc không như mong muốn. Chỉ mới trao đổi qua điện thoại nhưng Phượng cảm giác Long là một người dễ gần, chan hòa.
Tìm hiểu nhanh qua vài kênh thông tin, Phượng biết Long là một kỹ sư rất giỏi, nhưng không gặp thời, hơn Phượng ba tuổi, vẫn còn độc thân. Bao nhiêu năm ra trường chỉ là một nhân viên.
2. Vì phải chuẩn bị cho một đợt kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất, Phượng cần phải gặp và bàn bạc trước với Long những kế hoạch và phương án tốt nhất. Đó là lần đầu tiên Phượng gặp Long. Thật lòng mà nói, lúc ấy Phượng có hơi xem thường Long vì dáng vẻ bề ngoài quá tuềnh toàng: áo kaki bạc màu cộng thêm điệu bộ một con người bi quan yếm thế... Nhưng qua tiếp xúc, trao đổi, Phượng cũng phải thầm công nhận rằng Long giỏi, có trình độ chuyên môn rất tốt.
Lần đó Phượng đã có hôn phu, đám hỏi cách đó một tuần. Phượng và chồng sắp cưới học cùng lớp, quyết định sang năm cưới nhau. Phượng cũng không mong gì hơn một gia đình nhỏ và những đứa trẻ...
Đợt kiểm tra đã để lại trong Phượng và Long nhiều kỷ niệm. Có hôm đoàn không về thành phố kịp, đành phải ở lại một nhà nghỉ, bên cạnh bờ biển rất đẹp. Buổi chiều, cơm nước xong, Long rủ Phượng đi dạo. Long nói với Phượng về những ước mơ. Long khao khát làm được điều gì đó khác hơn. Long chưa nghĩ đến việc lập gia đình vì chưa có sự nghiệp. Long còn nói rằng Phượng dễ thương và Long thích Phượng... Long nói rất nhiều điều mà nếu không phải ở thời điểm đó chắc là Phượng đã xiêu lòng!
Buổi tối, mượn được cây đàn ghi-ta, Long đệm đàn cho Phượng hát. Hai người hát với nhau suốt đêm. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng sóng biển dạt dào, bầu trời đầy sao, đêm không thấy dài... Có lẽ, không bao giờ Phượng quên được kỷ niệm ấy trong kho kỷ niệm của đời mình.
Sáng hôm sau, trên đường về, mọi người trong đoàn trêu Phượng và Long ra trò. Chờ cho mọi người trêu chọc đã đời, sếp của Phượng bỗng buột miệng:
- Phượng sắp lập gia đình rồi, đã làm đám hỏi.
Phượng nhìn thấy mặt Long tái đi, nụ cười và câu chuyện của hai người bỗng trở nên gượng gạo.
Những lần gặp nhau sau đó, trong các vấn đề trao đổi, Long luôn nói đến hai tiếng muộn màng. Phượng không biết Long có nói thật lòng hay không và cô cũng không để ý nhiều đến những điều Long nói. Trước mắt cô có quá nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho một cuộc sống lứa đôi.
Rồi Phượng lập gia đình, có con, tất bật với những bận bịu đời thường cộng thêm một chút lam lũ, tuềnh toàng. Một ngày Phượng gặp lại Long. Lúc này Long có vẻ chững chạc, tự tin, là phó giám đốc một công ty, đã lập gia đình và có con. Long nói với Phượng: “Mối tình xưa, anh nối lại”.
Phượng lại nhìn Long có chút ngậm ngùi!
3. Năm năm sau, Phượng có thêm một thông tin về Long là giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài, làm ăn giàu có. Mọi người khen Long rất giỏi, chỉ với hai bàn tay và cái đầu mà có được cơ ngơi nên hình, nên dáng như bây giờ.
Một buổi chiều, đón con từ nhà trẻ về, Phượng tất bật nào giỏ xách đi làm, nào giỏ đi chợ thì bất ngờ trông thấy Long bước xuống từ một chiếc xe hơi bóng lộn. Có lẽ Long không thấy Phượng. Tự nhiên, Phượng mong cho Long đừng thấy cô!
Thời gian qua đi, cuộc sống ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn lên. Chồng Phượng đã làm được những gì anh mong muốn. Phượng vẫn ngày hai buổi với công việc của nhân viên văn phòng, cộng thêm những bận bịu gia đình với số thành viên tăng thêm. Phượng không mong gì hơn cuộc sống vật chất tuy không thoải mái lắm nhưng tinh thần thanh thản, bình yên.
Bây giờ Phượng lại thường có những suy nghĩ về quá khứ. vui có, buồn có. Suy nghĩ của cô đã chín chắn nhiều và nhìn đời sống bằng một cái nhìn khoan dung hơn, đánh giá và suy xét một vấn đề thực tế, rõ ràng và rành mạch hơn. Cô không quá tin tưởng vào một điều gì hay cũng không quá nghi ngờ về những điều người ta nói.
4. Phượng ngồi đối diện với Long trong phòng làm việc. Căn phòng tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài nắng vàng rực rỡ, bên trong êm êm một màu buồn tẻ. Long pha nước mời Phượng. Cô nhìn mái tóc đã bạc hơi nhiều của Long và chợt nhớ Long chỉ vừa qua tuổi bốn mươi nhưng sao lại có dáng vẻ mệt mỏi quá!
- Em uống nước đi - Long nói.
Phượng nhìn Long:
- Chắc là công việc tất bật?
Phượng thấy rõ sự mệt mỏi của Long.
- Cũng thường, anh thấy em không thay đổi gì.
- Thay đổi nhiều chớ, lần gặp nhau cuối cùng giữa em và anh cách đây đã hơn 12 năm rồi còn gì.
- Anh thấy em vẫn trẻ, thậm chí còn đẹp hơn xưa... Anh nghĩ em rất hạnh phúc.
Phượng im lặng. Cô tránh bàn luận đến một vấn đề đã quá cũ, như người này đang tán tỉnh người kia, chẳng hạn. Tiếng máy điều hòa nhiệt độ rì rì, êm êm, căn phòng làm việc với những chồng hồ sơ cao ngất, Phượng chợt hiểu lý do tại sao thấy Long có vẻ mệt mỏi.
Phượng cầm lấy tập tài liệu mà Long đưa cho mượn. Long tiễn Phượng ra cửa. Buổi chiều sắp hết. Giờ làm việc buổi chiều đã hết. Ra khỏi căn phòng làm việc của Long, Phượng thấy cuộc sống bên ngoài nhộn nhịp biết bao. Cô liếc nhìn đồng hồ rồi nghĩ đến bao việc phải làm. Phượng nhớ câu nói muộn màng của Long ngày xưa... Và, cô chợt ngộ ra một điều rất cũ, làm sao người ta có thể bình yên được nếu cứ đứng núi này trông núi khác?
Truyện ngắn của Duy kim