09:06, 13/06/2013

Hương cau

Ở quê tôi, nhà nào cũng trồng ít nhất một hàng cau. Cau vừa làm hàng rào, vừa che bóng mát và lấy quả cho các cụ ăn trầu môi đỏ thắm! Cau cũng góp phần cải thiện đời sống của người dân quê tôi.

Ở quê tôi, nhà nào cũng trồng ít nhất một hàng cau. Cau vừa làm hàng rào, vừa che bóng mát và lấy quả cho các cụ ăn trầu môi đỏ thắm! Cau cũng góp phần cải thiện đời sống của người dân quê tôi.

Từ bé tôi đã thấy hai hàng cau thẳng tắp trước ngõ. Những tán lá xòe tỏa bóng mát, những buồng cau đầy trái lúc lỉu. Đến quê tôi, nếu không cẩn thận sẽ bị lạc vì ngõ nhà nào cũng giống nhau. Đặc biệt, tất cả các xóm trong xã đều lấy những con số để đặt tên, chỉ riêng xóm tôi được gọi đơn giản là xóm Cau.

Tôi yêu lắm những cây cau trước ngõ! Mùa hè, khi việc học gác lại, những trò chơi được bày ra. Nào là ô ăn quan, đánh đáo, nhảy dây, đánh kiện…Chúng tôi chơi vô tư mà không sợ nắng vì đã có những tán lá tạo thành những cái những chiếc ô khổng lồ che bóng mát! Những hôm mất điện, ngoại tôi lại lấy những mo cau làm thành những chiếc quạt bé xíu! Quạt làm từ mo cau vừa bền vừa dai, khi khô cầm lại nhẹ. Mo cau còn được lũ trẻ làng tôi chế ra đủ trò. Khi thì ra đồi cát sau nương ngồi lên mo cau mà thả cho nó trượt. Thích không kém trượt trong công viên nước! Mỗi tội trượt mo cau nhiều quá đâm ra bao nhiêu chiếc quần của lũ trẻ đều thủng hết. Bị bố mẹ la mà vẫn không chừa.

Mùa đông, ngoại tôi gom những chiếc mo cau và lá khô chất vào kho củi để dành đun dần. Lửa cháy đượm, tí tách như những bản nhạc.

Đời cau cũng giống như cuộc đời những người dân quê tôi. Cau vượt qua thời tiết khắc nghiệt của miền Trung vẫn hiên ngang vươn thẳng, làm gương cho bao người hèn nhát cứ thấy khó khăn đã vội chùn bước. Người dân quê tôi mỗi khi gặp khó khăn, thường bảo ban nhau vươn lên: “Như cau bao đời vẫn sống ở quê mình, tại sao mình lại không…?!”.

 

 

Cau là một trong ít loài cây cho quả quanh năm. Dù xuân, hạ, thu hay mùa đông lạnh buốt cau vẫn cho ra quả đều đều. Tôi thích ngắm những lúc tàu cau già bắt đầu rụng xuống, phía trên cao lộ một màu trắng nõn nà, phình to ra. Đó là lúc hoa cau bắt đầu trổ. Hương cau cứ thoang thoảng, dìu dịu dễ chịu. Mỗi khi căng thẳng vì học tập, tôi lại ra những gốc cau ngồi nghe ngan ngát hương đưa.

Chị em tôi có cùng một sở thích là để tóc dài. Hương cau cứ thoảng thoảng lẫn vào từng sợi tóc. Chợt bối rối, ngượng ngùng khi đi đâu đó có ai buột miệng khen “Ai mà có mùi thơm dễ chịu quá!”. Giờ chị đã lấy chồng xa, tôi nhớ chị vô cùng và thật thấm thía câu thành ngữ: “Chị em gái như trái cau non”. Đã là dân xóm cau thì hầu như thằng con trai nào cũng leo trèo giỏi. Nhớ lắm nhưng hôm ba mẹ bảo trèo lên những thân cau cao tít tắp mà bẻ lấy những buồng cau lúc lỉu. Có khi gặp được tổ chim sẻ trên ngọn cây. Nhìn chúng lim dim mắt mà yêu quá đỗi. Mới thấy quê mình thanh bình đến nhường nào!

 

Tôi còn nhớ ánh mắt ba mẹ thường đượm buồn khi cau được mùa. Sao lại vậy? Ba giải thích: “Được mùa cau, đau mùa lúa”. Trong khi ở xóm mình cau được mùa thì ngoài kia bao người dân lại mất mùa lúa. Ba mẹ tôi là vậy, người quê tôi là vậy. Không chỉ lo nghĩ cho bản thân mình thôi mà còn lo nghĩ cho bao người khác!

Giờ giữa phố thị phồn hoa tôi thèm lắm được trở về quê hít hà hương cau dân dã…

Theo (phunu online)