Từ hồi còn tiểu học, mỗi chiều mẹ đón con đi học về luôn có câu hỏi “mẹ thích nghe chuyện vui trước hay chuyện buồn trước?”.
Từ hồi còn tiểu học, mỗi chiều mẹ đón con đi học về luôn có câu hỏi “mẹ thích nghe chuyện vui trước hay chuyện buồn trước?”.
Chuyện buồn là con bị mất cục tẩy mà là loại tẩy không làm mòn giấy, chà, tiếc quá. Chuyện vui là con giơ tay xung phong lên bảng làm bài đúng, được cô giáo cho mười điểm. Ái chà, vậy thì mất cục tẩy chỉ là chuyện buồn nhỏ xíu, người lớn - mẹ ngay lập tức cân đong đo đếm và nói. Con phản ứng, cục tẩy bị mất nghĩa là trong lớp có kẻ xấu tính mà mẹ nói chỉ là chuyện nhỏ thôi sao?
Mấy hôm sau, chuyện vui là bạn hết giận con rồi và bạn cho con cục kẹo, còn chuyện buồn là con hỏi mượn cây thước mà bị cô giáo phê bình là nói chuyện trong lớp. Người lớn - mẹ cân đong đo đếm rồi trả lời rằng được ngậm cục kẹo ngọt là rất ngon lành, còn bị phê bình mà tự mình thấy không có lỗi thì chỉ là chuyện nhỏ thôi. Con cáu kỉnh “bị phê bình xấu hổ lắm”.
Lên cấp II, chuyện vui là con được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, còn chuyện buồn, buồn lắm, là đứa bạn thân đâm ra ham chơi hơn ham học nên hai đứa dần xa cách. Người lớn - mẹ cân đong đo đếm, sợ con vì bạn rồi cũng ham chơi cho nên vội vàng nói con sẽ có những người bạn khác hợp tính hơn. Con dậm chân “mẹ chẳng hiểu bạn thân là thế nào”.
Lên cấp III, chuyện vui chuyện buồn của con trở thành nỗi rắc rối của cả nhà, vì khi ba mẹ cho đó là chuyện nhỏ thì thế nào con cũng trách sao ba mẹ coi thường, và ngược lại. Mẹ tự hỏi có phải vì con đang tuổi ấm ớ?
Càng ngày, chuyện trò giữa mẹ con mình càng khiến mẹ thận trọng hơn để vừa là bạn cho con tâm tình, vừa không tạo cớ cho con phản ứng. Cứ tưởng nuôi dạy con khó nhất là khi con còn thơ dại, ngờ đâu con càng lớn mẹ càng nhức đầu. Mẹ không còn dùng cách cân đong đo đếm dễ hiểu để “cân” những chuyện kể của con mà đánh giá nặng nhẹ được nữa và thật sự thì có lúc mẹ đành lấy cớ đang bận quá để né tránh những vấn đề hóc búa mà con đưa ra.
Con về thành phố học đại học, mẹ đợi con trưởng thành hơn để hiểu cuộc sống này không tách bạch chuyện vui chuyện buồn như con hằng nghĩ, và cái gọi là tính toán cân đong đo đếm chỉ là cách mình chọn lựa để xử sự với vấn đề của mình sao cho tốt đẹp nhiều nhất có thể.
Ngày con đưa người yêu về ra mắt gia đình, mẹ thật sự lo lắng vì hình như con chẳng trưởng thành được là mấy, vẫn lý lẽ vặn vẹo sao cho người yêu phải chịu thua. Ba mẹ nói nhỏ với nhau “chắc hai đứa chia tay sớm”, nhưng rồi là đám cưới. Mẹ mừng là con có người chồng rất yêu con.
Tuần trăng mật trôi qua, điện thoại con gọi về: “Mẹ thích nghe chuyện vui trước hay chuyện buồn trước? Chuyện vui là con được sếp mời làm trợ lý, còn chuyện buồn là cưới xong anh ấy thay đổi hẳn, con nói gì anh ấy cũng cho là ngang bướng và bỏ đi".
May quá, ừ, con nhận ra đó là chuyện buồn thì vẫn còn may. Con thông minh được sếp mời làm trợ lý mà sao lại không đủ thông minh để trở thành “trợ lý không thể thay thế” cho chồng mình?
Lâu lắm rồi mới có cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con mà người chịu im lặng lắng nghe là con. Giỏi lý lẽ trong những cuộc đấu khẩu chỉ là chuyện nhỏ thôi con à, giữ được hòa khí trong gia đình và tạo được không gian bình yên cho người thân yêu của mình mới là điều quan trọng.
Theo (phunu online)