11:05, 12/05/2013

Tuổi thơ bên kia rào

Bà ngoại mất, các cậu đi làm ăn xa, mình dì Bảy coi sóc nhà thờ họ và cả khu vườn rộng. Vào thời điểm con đường trước ngõ sắp được mở rộng và trải nhựa, đất đai bên đường lên giá vùn vụt, gia tộc quyết định bán một phần khu vườn để lấy tiền tu sửa nhà thờ.

Bà ngoại mất, các cậu đi làm ăn xa, mình dì Bảy coi sóc nhà thờ họ và cả khu vườn rộng. Vào thời điểm con đường trước ngõ sắp được mở rộng và trải nhựa, đất đai bên đường lên giá vùn vụt, gia tộc quyết định bán một phần khu vườn để lấy tiền tu sửa nhà thờ.

Người chủ mới mua được mảnh đất gần bờ rào cũng sở hữu luôn cái giếng nước ở góc vườn nhà ngoại. Cả xóm này đều biết, cái giếng vườn ngoại có nguồn nước tốt nhất. Mùa khô, các giếng trong xóm đều cạn, riêng nước ở đây vẫn đủ dùng cho mấy gia đình. Những người đi làm đồng trở về thường ghé qua, lật nón xin miếng nước uống cho mát bụng trước khi rửa mặt, rửa tay chân. Những buổi trưa hè, ai mà không thích ra giếng xối lên người vài gàu nước mát cho trôi hết bụi đất mồ hôi, trôi hết cả những mệt nhọc, âu lo.

Cũng như phần lớn các giếng làng xưa, thành giếng được xây cao bằng đá ong để phòng trẻ con bị ngã và mùa lụt nước lũ không tràn vào được. Đám bạn ngày nhỏ thường rủ tôi vo viên quần áo bịt kín lổ thoát nước của con lươn bao quanh, đổ nước đầy rồi cùng bơi trên nền giếng tráng xi-măng láng, đập nước tung tóe vào nhau mà tưởng tượng như mình đang bơi ngoài biển lớn. Những khi nhà có khách, tôi vẫn hay ra ngồi học bài bên thềm giếng. Lúc gặp chuyện buồn, đây cũng là nơi tôi tìm nguôi quên trong tiếng xào xạc của những tàu lá dừa nghịch gió trên cao.

Sau này, bà ngoại khá giả mới xây thêm cái buồng tắm, chứ hồi trước mỗi khi ra giếng tắm trẻ con cứ ở truồng, đàn ông chỉ mặc quần xà lỏn, còn phụ nữ để nguyên áo quần hay phải chờ đêm xuống. Tuổi thiếu niên ai chẳng ngượng ngùng khi vô tình chạm ánh mắt vào cơ thể dậy thì của người bạn gái láng giềng thấp thoáng dưới ánh trăng, sau những lùm chuối và hàng rào dâm bụt. Lúc trời còn chạng vạng, quanh giếng rộn tiếng nói cười sau một ngày vất vả với đồng ruộng. Rồi ai về nhà nấy, giấc ngủ chập chờn bên miệng hầm thường bị ngắt quảng bởi tiếng súng trên đồn giặc bắn tỉa vào xóm để dè chừng những người du kích trở về. Thành giếng bị nhiều vết đạn mà dấu trám xi-măng nay rêu xanh đã phủ dày…

Giờ giếng nước đã đổi chủ, từng lô đất có rào giậu riêng rẽ. Người chủ mới tốt bụng vẫn cho dùng nước chung, nhưng phải bắc ống để dẫn nước về nhà. Dì Bảy định khoan giếng để khỏi làm phiền hàng xóm. Khoan giếng thì dễ thôi, nhưng lại lo không biết có tìm được nguồn nước mát trong như cái giếng đã là mạch sống của gia đình và xóm giềng mấy chục năm qua…

Mùa hè tôi về thăm. Một buổi trưa oi bức không ngủ được, tôi ra ngồi trên bậc thềm hè sau nhìn ra vườn. Trời lặng gió, không một chiếc lá lay động, mấy tàu dừa bụi chuối cũng đứng im mệt mỏi như say nắng. Ở sau vườn nhà bên kia nghe có tiếng nô đùa, tiếng nước xối ào ạt. Hai đứa bé trần truồng đen nhẻm, tóc cháy vàng như râu bắp, đang nghịch nước rồi cười như nắc nẻ. Người mẹ ngồi giặt áo trên tảng đá lớn gần đó, thỉnh thoảng bị nước vung vãi vào người lại ngẩng lên la rầy các con… Tôi chợt thoáng buồn. Tuổi thơ của tôi giờ đã ở bên kia hàng rào, nơi ngày xưa là góc vườn và cái giếng nước nhà ngoại… Cái “tình làng nghĩa xóm” giờ đây như đã bị ngăn cách bởi những phân định quá rạch ròi…

Theo (phunu online)