Nhìn giỏ đồ sơ sinh xếp gọn phía cuối giường, mẹ tôi giật mình thảng thốt: “Thế mày sắp ở cữ à? Thế mấy hôm nữa? Thế bố nó đâu?”. Tôi biết sau những câu hỏi liên tục ấy, thế nào mẹ cũng khóc, thế nào cũng “ối giời ôi con ơi là con sao mà dại dột thế này…”. Tôi gắng nhịn cơn đau, ngồi lên nói với mẹ: “Con chửa hoang đấy, bố thằng bé đi xa rồi. Mẹ đừng hỏi nữa, giúp con nằm một chỗ một thời gian, mọi thứ con đã chuẩn bị đầy đủ cả…”
Nhìn giỏ đồ sơ sinh xếp gọn phía cuối giường, mẹ tôi giật mình thảng thốt: “Thế mày sắp ở cữ à? Thế mấy hôm nữa? Thế bố nó đâu?”. Tôi biết sau những câu hỏi liên tục ấy, thế nào mẹ cũng khóc, thế nào cũng “ối giời ôi con ơi là con sao mà dại dột thế này…”. Tôi gắng nhịn cơn đau, ngồi lên nói với mẹ: “Con chửa hoang đấy, bố thằng bé đi xa rồi. Mẹ đừng hỏi nữa, giúp con nằm một chỗ một thời gian, mọi thứ con đã chuẩn bị đầy đủ cả…”
Đấy là hai ngày trước khi tôi sinh con.
Đã cứng rắn, đã bản lĩnh, đã dự định một mình bước đi trong đời này không cần dựa vào ai, nhưng cuối cùng, gần ngày sinh dự kiến, nỗi lo lắng bất an vẫn khiến tôi gặp ác mộng từng đêm, tôi quyết định phải gọi mẹ vào. Mẹ từ quê ngoài Bắc, nghe con gái ốm, vội vã vào ngay. Đến nơi, cả nỗi lo, cả nỗi buồn, cả những thương thân trách phận “nuôi nó lớn ngần này tuổi” trong lòng mẹ vỡ ra thành nước mắt. Mẹ khóc suốt cho đến ngày tôi đi sinh. Mãi cho đến khi bồng cháu trên tay, bà mới thôi khóc.
Tôi trở thành người mẹ đơn thân. Sau hơn tháng chăm cháu, mẹ tôi về quê. Gặng hỏi mãi về “thằng bố” không được, mẹ ngậm ngùi dặn dò tôi: “Cố chăm thằng bé, mai kia biết đâu nó lại về tìm nhận con trai đấy!”. Ôi mẹ tôi, người đàn bà suốt đời chỉ biết chồng con là tối thượng. Mẹ đâu biết tôi đã thề với lòng mình, dù có cạp đất mà ăn tôi cũng không giao con cho nhà họ. Mà nói vậy thôi, tôi có nghề nghiệp, có công việc, có chút ít tiền dành dụm khi phải nghỉ làm, còn lâu mới phải cạp đất! Tôi sẽ nuôi con trai tôi khôn lớn, không thách đố gì đâu, nhưng cũng để rồi xem cô vợ con nhà giàu đỏng đảnh kia liệu có sinh cho anh được một thằng bé đẹp đẽ như con tôi không.
Và điều đó xảy ra thật.
Cưới vợ được hơn năm thì anh tìm tôi. Nhìn bộ dạng chán nản rã rời của anh, tôi hiểu chất lượng của cuộc hôn nhân không tới. Đối diện nhau bên bàn quán nước, anh hỏi tôi sống ra sao, sắp lập gia đình chưa… Tôi cười tươi tắn khoe mình đã lập gia đình, đã có một con trai hai tuổi và sắp phải về vì đến giờ đón bé. Nhìn ảnh thằng bé trong điện thoại của tôi, mắt anh cháy lên khát khao mong mỏi. Có chút gì bâng khuâng, lưu luyến trước cái miệng cười chúm chím của thằng bé, mà tôi biết giống anh đến lạ lùng. Chẳng biết anh có nhận ra máu thịt của mình nơi đôi môi hồng thơ trẻ ấy, nơi hai chiếc răng sữa nhỏ xinh vừa nhú lên cách đây hơn tháng, mẹ con tôi ôm nhau trong cơn sốt mọc răng hầm hập, quýnh quáng chạy từ nhà vào bệnh viện giữa đêm?
Cuộc gặp gỡ làm tôi suy nghĩ đến hơn cả tuần sau đó. Nói dại, nếu anh không có con trai, tôi có dám giấu con mình cho đến hết đời. Nếu vì bất kỳ một lý do gì, anh biết - giữa cha con họ là máu mủ huyết thống thiêng liêng mà - và anh hỏi, tôi có dám lắc đầu nói rằng đó không phải là con anh? Tôi ôm riết con trai vào lòng, chợt nhớ lại lời mẹ “Cố chăm thằng bé, mai kia biết đâu…”. Thì ra mẹ tôi, quê mùa, lạc hậu, cổ hủ mà hiểu đời hơn tôi tưởng. Tôi thì thầm với con: chỉ có con mới hiểu mẹ yêu con đến chừng nào, mẹ sẽ không giao con cho ai hết… Rồi tôi lại nghĩ về mẹ của mình: mẹ cũng đã từng yêu tôi, đã từng chăm bẵm tôi như máu thịt của mình. Rồi tôi lớn, rồi tôi đem máu thịt ấy dâng cho người khác, mà nào có hỏi mẹ một câu. Đến khi mọi chuyện vỡ ra rồi, mẹ nào có một lời oán trách người đời tệ bạc gì đâu, vẫn chỉ xót thương con gái mình, vẫn chỉ thầm mong con gái mình tìm được chốn bình yên mà trao thân gửi phận.
Mỗi đứa con là một con người, với con đường số phận của riêng mình. Dù tôi yêu con, dù tôi không muốn có bất kỳ liên hệ nào với gia đình bên ấy, nhưng tôi biết một ngày nào đó con tôi sẽ vẫn phải tìm về nguồn cội. Tôi - một người mẹ đơn thân, sống sao cho phải giữa những mối dây liên hệ mỏng manh nhưng bền chắc vô cùng ấy, để con biết rằng dù khoảnh khắc đón con chào đời, tình yêu của mẹ dành cho cha con hầu như đã chết, nhưng con không sinh ra trong thù hận, mà sinh ra trong tình yêu.
Nghịch lý ấy, chỉ có một mình con hiểu, qua những tháng ngày mẹ con mình cùng lớn với nhau.
Theo (phunu online)