Con gọi điện nhắc lại kế hoạch làm nhà mồ bằng gạch men cho ba trong tiết Thanh minh. Con định xây sẵn kim tĩnh kề sát mộ ba để mẹ sẽ yên nghỉ sau này. Có cả tấm bia to, khắc chữ nổi, treo chuông gió để phát ra tiếng nhạc leng keng. Con bảo như vậy con mới an dạ. Hôm về quê ăn Tết, con đã nói chuyện này, vậy mà suốt đêm mẹ trăn trở.
Con gọi điện nhắc lại kế hoạch làm nhà mồ bằng gạch men cho ba trong tiết Thanh minh. Con định xây sẵn kim tĩnh kề sát mộ ba để mẹ sẽ yên nghỉ sau này. Có cả tấm bia to, khắc chữ nổi, treo chuông gió để phát ra tiếng nhạc leng keng. Con bảo như vậy con mới an dạ. Hôm về quê ăn Tết, con đã nói chuyện này, vậy mà suốt đêm mẹ trăn trở.
***
Mẹ vui mừng vì con trai biết nghĩ đến cha mẹ. Nhưng không hiểu sao gần đến ngày Thanh minh, lòng mẹ lại lấn cấn. Sáng sớm, mẹ ra mộ ba đứng tần ngần như để hỏi ý nguyện của ba. Thú thật, mẹ chỉ muốn sau này được nằm trong một ngôi mộ đơn sơ, được chan hòa với những người thân cùng sống thời đói lạnh. Mẹ chẳng cần xa xỉ, phô trương. Nhiều bà con còn thiếu áo thiếu cơm, không có tiền chữa bệnh, mẹ chưa san sẻ được.
Ba cũng như mẹ, cả đời sống giản dị. Nhà chỉ trồng lúa, nuôi gà trên khoảnh đất nhỏ, nhưng nhờ ba mẹ tiết kiệm, góp nhặt, chắt chiu nên vẫn đủ nuôi các con. Thật may mắn khi các con đều ngoan hiền. Chị Hai của con dù lu bu công việc bên chồng nhưng vẫn túc trực suốt khi ba bệnh nặng phải chuyển lên TP.HCM. Con thì vừa đi học, vừa dạy kèm, vừa nấu nướng bới xách cho ba. Mẹ nhớ có lần con vào bệnh viện thăm trễ, song cửa sắt của khoa đã sập lại. Con nằm vất vưởng ở ghế đá bệnh viện đợi tới giờ cửa mở. Ba trào nước mắt khi thấy hai cánh tay con có nhiều vết muỗi chích.
Mẹ hiểu tấm lòng con muốn báo đáp nhưng với ba mẹ, như thế đã quá đủ. Mộ của ba đã được xây bằng gạch chứ không phải mộ đất như trước kia.
Điều mẹ mong mỏi nhất là vào ngày Thanh minh, các con cháu dắt nhau về. Tục lệ ông bà trong ngày này là tảo mộ. Các con cháu xắn tay dọn cỏ, lau vết phân chim chuột, phết lại những chỗ tróc sơn trên mộ. Trước Tết đã quét mộ rồi nên công việc này cũng không quá vất vả. Quan trọng là sau khi xong việc, cả nhà cùng ngồi lại với nhau.
Không phải mẹ ích kỷ hoặc đòi hỏi con trăm công ngàn việc mà phải bỏ dở để về quê tảo mộ. Nhưng đây thực sự là cơ hội để giáo dục các con cháu yêu kính tổ tiên, quý trọng nguồn cội và không bị mất gốc. Đặc biệt, đây là dịp để chị em trong nhà thắt chặt tình thâm. Sợ nhất là sau khi mẹ về với ba, căn nhà này trống hoang, quạnh quẽ. Con không bán cũng chẳng ở. Mẹ sợ các con mạnh ai nấy sống, việc ai nấy làm, có cần thì chỉ gọi điện thoại, chuyển khoản, rảnh thì đi du lịch chứ chẳng thiết thăm nhau. Mẹ sợ các cháu xa mặt cách lòng, máu thịt mà lạt lẽo.
Mẹ mong các con cháu luôn đùm bọc, yêu thương, dù sau này nằm trong ngôi mộ đơn giản, bình thường, mẹ cũng vui.
Theo (phunu online)