Mẹ tôi là một người phụ nữ tội nghiệp. Thật ra bi kịch chỉ bắt đầu từ năm em gái tôi ra đời. Em gái tôi bị dị tật đôi chân bẩm sinh, một chân dài, to; một chân ngắn, nhỏ.
Mẹ tôi là một người phụ nữ tội nghiệp. Thật ra bi kịch chỉ bắt đầu từ năm em gái tôi ra đời. Em gái tôi bị dị tật đôi chân bẩm sinh, một chân dài, to; một chân ngắn, nhỏ.
Ba và bà nội trút hết mọi giận hờn lên mẹ tôi. Em gái trở thành cái gai trong mắt nhà nội, chỉ cần một chuyện nhỏ là em cũng lãnh đủ đòn roi của ba. Em là trung tâm cho bọn trẻ trong xóm trêu chọc. Bọn trẻ không bao giờ cho em chơi chung nhưng lại cứ lấy em ra làm trò đùa. Mắt em nhìn đăm đăm vào bọn trẻ đang chơi đùa phía trước nhà với sự khao khát đến cháy bỏng. Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện ra, ba đã bỏ ba mẹ con tôi đi lấy vợ mới. Khi em đến tuổi đi học thì bị các bạn học gọi là “con què”. Nghe mấy từ đó tôi cảm thấy ấm ức đến cùng cực, lòng tràn đầy căm ghét, khó chịu.
Mẹ tôi là thợ may, hàng ngày nhìn thấy những mảnh vải vụn còn mới bị bỏ đi mà tiếc rẻ. Em gái tôi gom góp, nhặt nhạnh từng miếng vải nhỏ rồi khâu vá quần áo cho búp bê. Thời đó, chưa có nhiều đồ chơi trẻ con phổ biến như bây giờ. Khách hàng của mẹ thấy em gái tôi may những bộ quần áo búp bê xinh xắn thì đặt hàng em tôi may áo quần cho búp bê của con gái họ. Có lẽ cũng một phần nhờ vậy mà khách hàng của mẹ mỗi ngày một nhiều hơn.
Vốn mê vẽ và được mẹ cho đi học vẽ từ nhỏ, đến tuổi dậy thì, em gái tôi đã tự thiết kế trang phục cho mình và cho cả tôi nữa. Những bộ quần áo của tôi gây ấn tượng đến mức nhiều bạn bè dẫn mẹ họ đến hiệu may của mẹ tôi yêu cầu may những bộ quần áo giống tôi. Không những em gái tôi tự thiết kế trang phục cho mình mà em còn thiết kế áo quần cho cả những khách hàng của mẹ. Những hôm rảnh rỗi, em thường phụ mẹ làm khuy áo và đã mạnh miệng xin tư vấn kiểu quần áo cho một số khách hàng đến may. Những bộ quần áo em tư vấn đều được khách hàng khen ngợi và họ trở thành khách hàng thường xuyên của hiệu may.
Người đời nói không sai: “Có tật, có tài”. Ông trời thật công bằng. Với niềm đam mê thiết kế, may vá em gái tôi theo học ngành thiết kế thời trang. Khi còn là sinh viên, em đã bàn với mẹ mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Em may mắn được cả gia đình tôi ủng hộ để khởi nghiệp. Tận dụng mặt bằng là hiệu may của mẹ, em bắt tay vào việc thiết kế, vẽ mẫu, mua vải còn mẹ tôi phụ trách công việc cắt may. Mỗi kiểu thiết kế em chỉ cho may vài bộ làm mẫu, may xong bộ nào vừa treo lên đã có khách hàng đến mua ngay. Khách hàng mỗi ngày một đông, em và mẹ làm không xuể phải thuê thêm thợ.
Hiệu may của mẹ giờ được nâng cấp lên thành một shop thời trang chuyên nghiệp. Em phải thuê thêm một xưởng nhỏ cho thợ cắt may làm việc. Nhiều khách hàng thượng lưu đã tìm đến em đặt hàng vì họ hoàn toàn có thể yên tâm khi em chỉ thiết kế và may cho họ một bộ duy nhất theo phong cách không đụng hàng.
Bằng đôi bàn tay tài hoa, em gái tôi còn sáng tạo nhiều mẫu mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ. Giờ thì em đã tốt nghiệp khoa thiết kế thời trang và đang có dự định đi nước ngoài để học thêm về cắt may. Càng ngày em càng hăng say trong công việc thiết kế và kinh doanh của mình. Ngoài việc tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, em đang có mục tiêu hướng tới những sản phẩm thời trang theo chuẩn mực quốc tế để tìm cơ hội mở rộng việc kinh doanh ra nước ngoài…
Theo (phunu online)