Năm 20 tuổi, tôi yêu, một mối tình đơn phương. 2 giờ chiều ngày 30 tết năm ấy, tôi đột ngột lên xe máy đi về V - một thị trấn nhỏ cách Nha Trang hơn 60km.
Năm 20 tuổi, tôi yêu, một mối tình đơn phương. 2 giờ chiều ngày 30 tết năm ấy, tôi đột ngột lên xe máy đi về V - một thị trấn nhỏ cách Nha Trang hơn 60km.
Không ai chờ tôi nơi đó cả. Đơn giản là tôi muốn đón giao thừa bên bờ con sông chảy qua thị trấn, sẽ gọi điện thoại cho người tôi yêu. Nàng cùng gia đình lên thành phố đã lâu nhưng tôi biết trong nàng dòng sông tuổi thơ vẫn đẹp lung linh và huyền diệu.
Hơn 4 giờ chiều thì tôi đến V. Trước mặt tôi hiện lên con sông rộng, trắng xóa. Gió mát lạnh từ sông ào ào thổi qua những hàng dừa và những vạt đước rậm rạp. Ghé vào một quán vắng, một nhà sàn nhỏ, mái lợp tranh dựng bên mé sông. Những bộ bàn ghế mây cũ, lộn xộn, liêu xiêu, những cửa sổ lớn mở toang ra phía mặt sông mênh mang. Một cô bé lối 13, 14 tuổi bước ra vòng tay lễ phép hỏi:
- Thưa ông dùng gì?
Trông tôi như vừa được lôi ra từ bụi đất chăng? Cái giọng trọ trẹ, vẻ trang nghiêm của cô bé khiến tôi suýt bật cười. Trong đôi mắt mở to kia như có dòng sông chảy qua. Tôi hơi lúng túng, chợt đưa ra một đề nghị bất ngờ:
- Một xị rượu ngon.
- Ông muốn dùng thức nhắm gì ạ?
- A... A... - tôi gãi đầu.
- Hay ông dùng mực nướng?
- Ồ tất nhiên... một con mực nướng.
Loáng thoáng cuối quán là người chủ quán đang lúi húi sửa soạn cái gì đó. Một người đàn ông cao lớn, tóc muối tiêu dài tận vai. Những bước chân khập khễnh không giảm đi ở ông dáng quắc thước của một lão tướng.
Cô bé lễ mễ bê ra một xị rượu, một đĩa mực nướng. Những miếng mực dày cui, vàng xuộm, cong vênh và thơm lựng.
- Thưa ông, ông là vị khách cuối cùng trong năm, lại là người ở xa đến, ba con bảo không tính tiền.
- Sao em dám bảo tôi là người ở xa đến?
- Dạ thị trấn này nhỏ, mọi người đều quen mặt nhau.
Từ phía bên kia bờ sông, một cơn mưa nhỏ bất chợt kéo về. Mây như khói giăng kín mặt sông. Những giề lục bình lững lờ trôi xuôi như chìm dần vào cõi hư vô. Tôi nhấp ly rượu, rưng rưng một cảm giác kỳ lạ. Cái quạnh vắng của quán nhỏ chiều ba mươi tết, màu trời xám xịt bên kia sông và cả cái cung cách vừa gần gũi vừa bình dị của cha con người chủ quán khiến dâng lên trong tôi một cảm giác lạ lùng đến nghẹt thở.
Tôi đứng dậy, dợm bước ra cửa:
- Chào bác chủ.
Ông chủ quán ngẩng đầu nhìn tôi:
- Chú chê rượu quán tôi nhạt à?
- Cháu không đến xin rượu... cũng không có ý định ngồi độc ẩm...
- À... chú em cứ ngồi xuống, tôi ra ngay bây giờ.
Cô bé an ủi tôi:
- Để em bê cành đào ra cho ông ngắm đỡ.
Một cành đào xum xuê, rực hồng, ấm áp. Cô bé giải thích:
- Đào Nhật Tân vào đó ông.
- Sao nó... lưu lạc cả ngàn cây số vào đây?
- Có một người lính của ba em, giờ làm giám đốc một công ty ở Hà Nội. Mấy năm nay, tết nào chú ấy cũng gửi vào đây một cành đào Nhật Tân...
Người chủ quán khập khễnh bước ra ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Ông tự tay rót cho mình một ly rượu, ngửa cổ uống cạn rồi lặng lẽ vấn điếu thuốc rê to sụ. Trong giây phút đó, hình như toàn bộ tâm trí của ông dồn vào cái công việc đơn điệu quen thuộc này. Tôi lên tiếng:
- Chắc bác là người Hà Nội?
- Hà Nội gốc. Nhưng hơn nửa đời tôi sống trên kia.
Đó là những dãy núi sẫm bóng chiều, đang chìm trong màn mưa.
- 16 tuổi thì vào lính, bao nhiêu năm bom đạn nó ngán mình, đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, một mảnh đạn pháo tiện đứt cả khúc chân. Ý chừng quả đạn pháo muốn nhắc nhở tôi: này con ngựa già, ngang dọc nhiều rồi, về vườn cũ gặm cỏ đi thôi.
- Và đây là vườn cũ của bác?
- Tôi về đây để mỗi chiều ngồi đối ẩm với những người bạn lính đang nằm trên dãy núi kia.
Thịt mực nướng chín vẫn giữ màu trắng như thịt gà luộc. Tôi xé những mảnh nhỏ, chấm vào đĩa tương ớt, hít hà vì cay. Người chủ quán nói:
- Hễ có việc đi đâu xa là tôi phải cắp theo một bầu rượu, mấy con mực khô và một nắm ớt, dọc đường cứ khư khư mà ôm quý như đồ gia bảo. Chú ở xa đến có biết truyền thuyết về ớt cay vùng này?
- Lại có cả truyền thuyết?
- Truyền thuyết như mạch nước ngầm chảy trong nhân gian. Đó cũng là một thứ rượu quý.
Dưới ánh sáng của đốm lửa đầu môi, đôi mắt người chủ quán ánh lên vừa ranh mãnh vừa hồn nhiên:
- Xưa có anh chàng bạch diện thư sinh từ miệt ngoài lãng du qua miền này. Ngồi trên con đò qua khúc sông kia, gã hỏi cô lái đò về các món ăn đặc sản. Cô lái đò kể một thôi một hồi, xong lại nhắc thêm: món ăn xứ này đều dùng nhiều ớt, phải cẩn thận kẻo ớt cay đứt lưỡi như chơi. Gã cười ha ha: Cô gái ơi: ngoài quê tôi người ta ăn ớt như ăn rau mà. Đò vừa cập bến, gã xốc áo đứng lên than thầm: phải chi sông rộng như dải Ngân hà, để gã suốt đời ngồi ngắm nhìn cô lái xinh đẹp. Cô lái dặn nếu ăn ớt nóng quá thì quay lại cô chữa cho.
Ở quán trọ, trong bữa ăn gã nhón lấy một quả ớt đỏ, điềm nhiên cắn ngang nhai rau ráu. Chẳng ngờ hơi cay xông lên, nước mắt nước mũi giàn giụa, lưỡi phồng rộp, bỏng rát. Gã vục đầu vào bể nước nhưng vòm miệng cứ như có một cục than đỏ. Gã cuống cuồng chạy ra bờ sông. Cô gái bảo gã thè lưỡi ra để cô bôi thuốc. Gã nhắm mắt, hé miệng. Đột ngột, cô gái cúi xuống áp mặt mình vào mặt gã rồi ngậm chặt cái lưỡi bỏng rát của gã. Trong khoảnh khắc gã miên man chìm vào một cảm giác ngọt ngào, mát rượi...
Người chủ quán bật cười kha kha, khập khễnh đi ra sau quán. Tiếng cười giòn vang và sảng khoái khiến những cánh đào dường như cũng rung lên nhè nhẹ.
Tôi ra khỏi quán, dắt xe dọc bờ sông loang loáng ánh sao đêm. Tôi cứ đi, đi mãi...
Theo (tuoitre)