10:01, 07/01/2013

Nhà ba người

Bà mẹ 65 tuổi. Ông bố 75 tuổi. Hai ông bà cụ khá xứng đôi, yêu thương nhau hết lòng, dù tính tình có trái ngược.

Bà mẹ 65 tuổi. Ông bố 75 tuổi. Hai ông bà cụ khá xứng đôi, yêu thương nhau hết lòng, dù tính tình có trái ngược.

Ông bà có duy nhất một thằng con, thằng thừa hưởng những thứ đẹp đẽ nhất từ bố mẹ, cái mũi cao, đôi mắt to có hồn giống ông bố, khuôn miệng xinh xắn và làn da láng mịn của bà mẹ.

Nhà có ba người. Ba người ấy thương nhau hết mực. Ở đâu làm gì cũng thường có nhau. Thằng con đi làm xa, dù thế, mỗi tháng cố gắng về thăm bố mẹ một đến hai lần. Cứ tưởng tượng cảnh, nhất là vào mùa đông, tuyết rơi trắng xóa ngoài ngõ, hai ông bà cụ thân đơn chiếc nằm lạnh lẽo trong phòng khách, xem vài cuốn phim Việt Nam đã cũ mèm để đỡ nhớ quê hương, là thằng con muốn trào nước mắt. Nên, dù bận bịu công việc đến mức nào, cũng gắng về.

Gia đình êm ấm ấy, bỗng một ngày bị xáo trộn, bởi thằng con muốn có vợ. Cô gái thằng con muốn lấy làm vợ không được ông bà cụ chấp nhận, vì vài lý do tế nhị.

Ông bà giải thích, rằng điều ấy cũng không dễ dàng gì đối với bố mẹ. Thằng con hiểu và thông cảm. Cố gắng, bằng những lý luận học được trong trường, thằng con thuyết phục ông bà cụ, để hy vọng, bằng cách này hay cách khác, mình sẽ nhận được sự ủng hộ từ hai cụ.

Ban đầu là sự thông cảm lẫn nhau, giãi bày những ước muốn của nhau. Sự việc kéo dài được vài tháng, vẫn chưa ngã ngũ.

Không khí bắt đầu nặng nề.

Bà mẹ thu vào một góc riêng của mình, mà suy nghĩ, mình đã dùng hết lời khuyên can mà nó vẫn không nghe, nó mê con nhỏ đó quá rồi.

Ông bố hầm hầm đi ra đi vô trong phòng khách, tự nhiên thấy quyền làm cha của mình bị xúc phạm nặng nề.

Sáng, bà mẹ ra vườn, tưới mấy chậu hồng còn đẫm sương đêm, thấy buồn rười rượi. Buồn nhiều hơn giận. Buồn vì nuôi thằng con lớn lên được từng ấy, công thành danh toại được từng ấy, giờ bỗng dưng, vì một đứa con gái "chẳng ra gì" mà cãi lời bố mẹ.

Tối, ông bố hậm hực, giận nhiều hơn buồn, xoay tới xoay lui trên giường, than thở, cái thằng cứng đầu, nói không nghe. Bà mẹ vừa an ủi chồng, vừa tìm kiếm đồng minh cho mình, con nó không nghe lời bố mẹ dạy thì để cuộc đời dạy cho nó biết.

Căn nhà đầm ấm ấy, bỗng chia thành hai góc nhỏ với hai phe phái cùng những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

Thằng con im lặng, như con chim gãy cánh nhưng vẫn muốn tìm kiếm tổ ấm, lặng lẽ đi ra đi vào, nói những câu chuyện nhạt thếch không đầu không đuôi.

Ba con người, lặng lẽ trong những góc riêng của mình. Cả ba đều hy vọng rằng, phe phái đối nghịch sẽ thay đổi quan niệm một ngày nào đó, để hợp với mình hơn. Nhưng điều lạ là, không ai muốn thay đổi quan niệm của mình để phù hợp với phe phái bên kia.

Một cuộc đấu tranh ngầm, không lời, chỉ có những niềm hy vọng mong manh. Và cô gái, dù vô tình hay cố ý, được coi là nguyên nhân của sự chia rẽ này.

Bác Há từ bên Mỹ sang thăm gia đình, bay một đường thật dài, bác than thở, giờ già rồi, đi đâu cũng khó khăn. Bác Há là người hoạt bát, cởi mở, nên hay kể chuyện. Bác kể chuyện này chuyện kia, nhà này nhà kia, dễ hấp dẫn người đối diện.

Hôm nọ, vui miệng, và vì không biết chuyện của gia đình này, nên bác kể một lèo rằng, thằng con của bà hàng xóm vừa lấy vợ, thằng vừa đẹp trai vừa thành danh như thế lại lấy phải đứa con gái đã có một đời chồng. Xóm giềng cứ nói ra nói vào. Thằng con trơ ra, kệ xã hội, kệ dư luận.

Thằng con ngọ nguậy, tự nhiên thấy miệng bác Há vừa rộng vừa dài, thấy chán oặt người, chỉ muốn đứng lên, đi vào phòng, trùm chăn ngủ, để được bình yên.

Bà mẹ nghe xong chuyện cũng ngọ ngoậy, nghĩ, cái ý kiến phản đối đến cùng của mình càng nên kiên cố hơn.

Ông bố mặt xụ xuống, nghĩ, một ngày nào đó, bác Há sẽ kể lại cho người khác nghe một câu chuyện y chang, nhưng danh tánh nhân vật sẽ được thay đổi. Ông bắt đầu khó chịu.

Và bác Há, vì vô tình, tiếp tục kể những câu chuyện tương tự.

Bố bảo, sĩ diện rất quan trọng. Sống trong cộng đồng xã hội, phải theo cộng đồng xã hội, không thể tác rời ra được. Mẹ bảo, con gái thì phải có hạnh trinh tiết.

Thằng con thất vọng, sống trong cộng đồng, tức là hòa nhập với cộng đồng và giúp đỡ cộng đồng, chứ không phải nghe những gì cộng đồng nói để ảnh hưởng đến mình. Trinh tiết là gì, nếu không mang lại hạnh phúc.

Đó là cao trào.

Ông bố mắt long lên, điên tiết, vì bây giờ nó dám lý luận với bố mẹ nó, những người đã cực khổ nuôi nó lớn lên, pha cho nó từng bình sữa, nâng niu nó, dạy dỗ nó, thương yêu nó, chắt góp từng đồng bạc cho nó đến trường. Cái thằng bất hiếu! Bà mẹ ngồi im lặng, vì thấy rằng, những lời ông bố nói là đủ.

Đám cưới vẫn diễn ra.

Đó là một ngày mùa đông lạnh lẽo, bạn bè đến không nhiều, nhưng ấm cúng. Cô dâu chú rể cười khoe hết hàm răng, chụp những tấm hình đám cưới lãng mạn.

Ông bà cụ ngồi lặng lẽ trong phòng, nhìn ra ngoài ngõ, đường vào nhà tuyết rơi trắng xóa, nghĩ, mai lại phải ra hốt tuyết.

Bà mẹ thi thoảng nhìn lên đồng hồ, đoán chừng, giờ này có lẽ tiệc sắp tàn. Vậy là từ đây, chính xác là từ ngày hôm nay, mình mất con vĩnh viễn. Nghĩ đến đây, bà chán oặt người, thấy buồn rã rượi, nỗi buồn trống rỗng đến vô hồn.

Ông cụ lần này lại đi ra đi vào, mường tượng ra cảnh, tiệc tùng trong nhà hàng ấm cúng, nếu mình có ở đó, sẽ lên phát biểu vài câu, hát vài bài góp vui, uống vài ly rượu đỏ cho người lâng lâng, mặc kệ đứa con gái đó là ai.

Tuyết vẫn rơi không ngừng, mặt đường phủ một màu trắng xóa. Cửa nhà ông bà cụ vẫn để mở. Cô dâu chú rể, dù lạnh lẽo, vẫn ra đứng trước cửa nhà hàng, ngóng tới ngóng lui, để hy vọng, dù mơ hồ, rằng những thứ gọi là "dư luận, thành kiến xã hội, sĩ diện hay gì gì đi nữa" vẫn không ngăn cản được cái tình con người giữa con người dành cho nhau.

Theo Vnexpress