10:04, 04/04/2023

Sách trong tôi: Hồn ta con chữ

"Ta có những chiều quanh thành cổ/Tháng Năm phượng đỏ rực môi người" - không hiểu sao, khi đọc tập thơ "Hồn ta con chữ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, phát hành quý IV/2022) của tác giả Phan Xuân Thiện, Thành Diên Khánh tái hiện rất rõ nét trong tôi thời đi học, cho dù xuyên suốt tập thơ với 166 bài, những bài gọi tên Diên Khánh không nhiều.

“Ta có những chiều quanh thành cổ/Tháng Năm phượng đỏ rực môi người” - không hiểu sao, khi đọc tập thơ “Hồn ta con chữ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, phát hành quý IV/2022) của tác giả Phan Xuân Thiện, Thành Diên Khánh tái hiện rất rõ nét trong tôi thời đi học, cho dù xuyên suốt tập thơ với 166 bài, những bài gọi tên Diên Khánh không nhiều. Con đường đến trường, bước vào cửa Đông là thấy 2 hàng phượng đỏ rực vào hè. Trưa, chiều tan trường, áo trắng học trò, màu phượng vĩ, êm đềm mà lộng lẫy, bình an mà lăn tăn con sóng.

 


Tôi không nhớ ngày xưa 3 trường trung học: Diên Khánh, Dân Trí và Bán công trường nào tan học trước, nhưng chúng tôi học trung học Diên Khánh về ngược chiều với Bán công và gặp nhau ở Dân Trí nằm giữa 2 trường. Có ánh mắt nào trao nhau lời hẹn hò kín đáo không? Tác giả kể: “Ngày xưa vô tình rớt bụi/Vương vào đôi mắt cay cay” để nhớ về những mối tình học trò ngày ấy.


Tác giả Phan Xuân Thiện học trên tôi một lớp. Mấy chục năm sau, chúng tôi gặp lại nhau qua Facebook và tôi thường đọc những bài thơ của anh man mác, buồn buồn, câu chữ trầm tĩnh, nhiều triết lý nhân sinh của người đã trải, đã nghiệm, đi xa rồi lại quay về. Tác giả kể chuyện Thành xưa của riêng anh và của chúng tôi: “Nơi có tuổi thơ/Trôi êm đềm như dòng sông vào hạ/Và thời niên thiếu cuồng mê/căng tràn ước vọng/Nơi xôn xao/tha thướt những tà áo trắng trong/Như tâm hồn tôi thời mới lớn”, lũ học trò 3 trường tan trường về chung lối. Ngay bây giờ, tóc đã điểm bạc, mỗi khi trở về ngồi bên dòng sông Cái, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngày thơ ấu ấy mà tác giả cất lời giùm tôi: “Quên sao được/Dòng sông buổi sáng sương mù/Những trời chiều bàng bạc mây thu”. Tôi ngồi mãi một mình bên dòng sông kỷ niệm, nhớ về một thời xa xưa hay chưa xa lắm: “Một chút người ơi để nhớ về nhau/Cái thời ngày xưa thơ mộng nhiệm màu/Bây giờ tụi mình kẻ còn người mất/Già rồi ngồi đây nhớ quá gì đâu!/Một trăm năm cứ ngỡ là lâu lắm/Ai ngờ đâu thoáng con nước qua cầu”.


Đất Thành thương yêu không giữ được bàn chân tuổi hai mươi. Bốn cổng thành Đông Tây Tiền Hậu lùi dần, xa dần. Tôi, bạn bè cũng rời bỏ khung trời tuổi thơ bước xuống cuộc đời như điều tất yếu của cuộc sống: đi để mà nhớ. “Mười, hai mươi, ba mươi năm.../Thời gian trôi mãi trăm năm cạn rồi/Hôm nay đứng ngó đất trời/Trong ta một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi”.


Làm thơ đã hơn 50 năm, gần tuổi bảy mươi, bạn bè cùng lớp Trung học Diên Khánh xưa đã hỗ trợ in cho anh tập thơ như một cách để mọi người có cái mà nhớ về khung trời cũ giờ chỉ còn trong ký ức. Thành xưa ngày một xa...


“Hồn ta con chữ”, câu chuyện về cuộc đời, từ những ngày chân sáo đến trường với những hẹn hò tuổi học trò đẹp như một bài thơ, rồi cuộc mưu sinh không dễ dàng gì, định mệnh làm nên số phận, để rồi cuối cùng nhận ra, đời đẹp nhưng buồn, nỗi buồn nhẹ như mây trời, bảng lảng chiều hôm. Và cảm ơn cuộc đời đã cho ta những ngày tháng vui - buồn, hạnh phúc - đớn đau để chiêm nghiệm và suy ngẫm: “Thời gian úp ngửa bàn tay/Có - không - còn - mất mây bay thôi mà”; “Mà thôi ta cám ơn tất cả/Chữ nghĩa cùng em với cuộc đời/Không có làm sao ta sống được/Làm sao ta thở hết cuộc chơi!?”.


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN