Từ ngày 12 đến 14-4, không gian Quảng trường 18-10 (TP. Cam Ranh) trở nên sôi động, náo nhiệt với các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những nghệ nhân, diễn viên, vận động viên không chuyên đại diện cho đồng bào 36 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đã cùng tụ hội để làm đẹp thêm bức tranh đại đoàn kết ở xứ Trầm hương.
Tiết mục văn nghệ mở màn chương trình lễ khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. |
Rộn ràng ngày hội
Khu vực Quảng trường 18-10 mấy ngày qua đã trở thành điểm hẹn của người dân Cam Ranh và các địa phương trong tỉnh. Ở đó, tất cả hòa vào bầu không khí rộn ràng của những cuộc tranh tài thể thao dân tộc sôi nổi, như: Bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co. Không gian trưng bày các bức ảnh thời sự nghệ thuật giúp người xem biết rõ hơn về đời sống, sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, di tích, di sản… của 36 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hoạt động trang trí và diễu hành xe tuyên truyền lưu động cùng sự tham gia của các nghệ nhân trong trang phục dân tộc đi qua những tuyến phố cũng thu hút nhiều người theo dõi. “Lâu rồi, ở khu vực này mới diễn ra một sự kiện thu hút đông đảo mọi người tham gia như thế. Đến đây, tôi có dịp xem, cổ vũ, thưởng thức những nét đẹp văn hóa, thể thao, ẩm thực của các dân tộc”, ông Nguyễn Đức Thuận (Tổ dân phố Lộc An, phường Cam Lộc, Cam Ranh) cho biết.
Các bạn trẻ đến từ huyện Khánh Vĩnh trong những bộ trang phục mang màu sắc dân tộc. |
Tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc, khán giả còn được tìm mua, thưởng thức các món ăn mang đặc trưng vùng miền, sản vật địa phương, như: Mật ong, chuối hột, măng lồ ô, gà nướng, cơm lam, cá suối, bánh canh, bún riêu, khoai lang - khoai mì hấp, chả cá, nem chua…; những loại nông sản nổi tiếng với xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, táo Cam Ranh, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, gạo lứt Ninh Hòa… Không gian các gian hàng của từng địa phương cũng giới thiệu, trưng bày về nhiều loại nhạc cụ dân tộc, công cụ lao động của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đàn đá Khánh Sơn, mã la, kèn bầu, đàn chapi, gùi, nỏ, trang phục truyền thống…
Khi màn đêm buông xuống, khu vực sân khấu chính ở giữa Quảng trường 18-10 lại thu hút mọi người đến với phần thi diễn văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc. Ở đó, khán giả được hòa mình trong bầu không khí biển đảo ân tình, tha thiết với những tiết mục: Màu xanh Vạn Ninh, Gần lắm Trường Sa của đoàn huyện Vạn Ninh. Đoàn huyện Khánh Vĩnh lại đưa khán giả đến với không gian núi rừng trầm hùng qua màn múa Âm vang Raglai, hòa tấu mã la và kèn bầu Vui trong ngày hội, cùng màn trình diễn trang phục Raglai, Ê đê đẹp mắt. Đoàn thị xã Ninh Hòa mang đến nét đẹp Dáng quê dịu dàng, thuần hậu, cùng với phần giới thiệu trang phục các dân tộc Ê đê, H’mông, Chăm, Thái, Hoa, Kinh… Đoàn chủ nhà Cam Ranh giới thiệu đến bạn bè hình ảnh khung cảnh vịnh biển Cam Ranh lấp lánh, biêng biếc. Nơi thành phố trẻ này, các dân tộc cùng sinh sống bên nhau và từng ngày góp phần xây dựng, phát triển quê hương thêm tươi đẹp.
Màn trình diễn trang phục các dân tộc của đoàn thị xã Ninh Hòa. |
Tiết mục văn nghệ của đoàn huyện Khánh Vĩnh. |
Thắt chặt tình đoàn kết
Từng nhiều lần tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh, nhưng mỗi lần chuẩn bị đến ngày hội, nghệ nhân Cao Văn Nghiệp (xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh) đều cảm thấy háo hức. Ông chia sẻ: “Tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc lần này, tôi được cử làm đội trưởng đội mã la để biểu diễn phục vụ khán giả. Đội mã la có 5 thành viên, đã tập hợp tập luyện gần 1 tháng nay. Đến với ngày hội, tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người ở các địa phương khác”. Với ông Bo Bo Thụ - thành viên đội văn nghệ huyện Khánh Sơn, được tham gia các hoạt động của ngày văn hóa thực sự là một trải nghiệm quý báu, ông có cơ hội được giao lưu, tìm hiểu nhiều hơn về sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh nói riêng và các dân tộc khác nói chung.
Ông Nguyễn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, những ngày qua, địa phương đã nỗ lực để góp phần tổ chức thành công sự kiện này. Thành phố cũng cố gắng hỗ trợ một cách tốt nhất cho các đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên từ các địa phương khác về tham dự.
Các nghệ nhân người Raglai đến từ huyện Khánh Vĩnh trình diễn đánh mã la. |
Phần trình diễn trang phục dân tộc Raglai, Ê đê của đoàn huyện Khánh Vĩnh. |
Ông LÊ VĂN HOA - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm nay có hơn 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên trong toàn tỉnh tham gia. Đây là dịp để góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của các dân tộc trong tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó thắt chặt và ngày càng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin