Khánh Hòa là xứ Trầm Hương nên vùng đất, con người nơi đây cũng gieo thương nhớ, vấn vít tình cảm của nhiều người từ nơi khác đến. Điều đó cũng không ngoại lệ đối với Quách Tấn, Võ Hồng - hai nhà văn lớn đã có thời gian dài gắn bó, duyên nợ với xứ Trầm Hương.
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương nên vùng đất, con người nơi đây cũng gieo thương nhớ, vấn vít tình cảm của nhiều người từ nơi khác đến. Điều đó cũng không ngoại lệ đối với Quách Tấn, Võ Hồng - hai nhà văn lớn đã có thời gian dài gắn bó, duyên nợ với xứ Trầm Hương.
Ngát thơm xứ Trầm Hương
Nhà văn Quách Tấn (1910-1992) sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Đến năm 1935, ông đến Nha Trang sinh sống, làm việc. Ngôi nhà của ông ở gần chợ Đầm hiện vẫn được con cháu sử dụng. Cách đây mấy năm, trong buổi giới thiệu tái bản tập sách Xứ Trầm Hương ở Thư viện tỉnh, ông Quách Giao (con trai của thi sĩ Quách Tấn) từng chia sẻ: “Sinh thời, ba tôi đã coi Nha Trang - Khánh Hòa như là quê hương thứ hai của mình. Với tình yêu đó, ông đã dành nhiều tâm huyết để góp phần tô điểm cho Khánh Hòa đẹp hơn”.
Thi sĩ Quách Tấn là một trong những nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới ở đầu thế kỷ XX. Những tập thơ của ông như: Một tấm lòng, Mùa cổ điển… đã được văn nhân, công chúng yêu mến văn chương đón nhận nhiệt tình. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, 2 nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết về thơ của Quách Tấn: “…Tôi lắng lòng tôi để đón một sứ giả đời Đường, đời Tống… Theo gót nhà thơ, tôi đi dần vào một thế giới huyền diệu. Ở đây, người ta nói rất khẽ, bước rất êm…”. Riêng với người dân Khánh Hòa, tấm lòng yêu mến nhà văn Quách Tấn như được nhân đôi, bởi ngoài thơ ông còn để lại cho con người, vùng đất nơi đây một tập sách, một danh xưng lưu truyền đời đời - Xứ Trầm Hương. Trong tập sách giàu tâm huyết của mình, nhà văn Quách Tấn đã bộc bạch: “Khánh Hòa quả đẹp lắm. Nhưng không phải đẹp một cách rực rỡ, khoe khoang, mà đẹp một cách thùy mị, kín đáo. Khánh Hòa đẹp, không phải đẹp nhờ nhân xảo, mà chính đẹp do thiên công… Cho nên những người đã từng sống với Khánh Hòa, hiểu biết rõ Khánh Hòa gọi Khánh Hòa là xứ Trầm Hương”.
Nhà văn Quách Tấn có hơn nửa đời người gắn bó với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa và yêu mến nơi đây với tình cảm mà ông gọi là “kính yêu như bà nghĩa mẫu”. Cũng ở vùng đất này, ông đã trải tình cảm “thiết tha, thành thực” trong rất nhiều sáng tác của mình. Tập sách Xứ Trầm Hương được xuất bản lần đầu năm 1969 và đã nhiều lần tái bản, nhưng đến nay vẫn tỏa hương để được đông đảo độc giả các thế hệ yêu mến, tìm đọc.
Nhớ hoài cố nhân
Trong hồi ký Bóng ngày qua, nhà thơ Quách Tấn khi nói về lý do viết tập sách Xứ Trầm Hương có đoạn: “Võ quân (Võ Hồng) bảo: Cảnh thiên nhiên dù có thay đổi vẫn còn dấu tích, chớ những câu chuyện liên quan hoặc nhiều hoặc ít đến Khánh Hòa hiện nay đã ít người biết rồi, nếu anh không viết lại thì sau anh e không còn ai biết để viết”. Một chi tiết đó cũng đủ cho thấy được phần nào tầm ảnh hưởng của nhà văn Võ Hồng đối với văn nhân ở Khánh Hòa. Đạo đức, nhân cách, tình cảm của ông không chỉ được những người cùng thời yêu mến, mà còn được các thế hệ hậu bối kính trọng và lưu truyền.
Nhà văn Võ Hồng quê gốc ở tỉnh Phú Yên, trong giấy tờ ghi ông sinh năm 1921 và cách đây đúng 10 năm ông đã chia tay người thân, bạn bè, học trò để về thế giới bên kia. Nếu lấy mốc thời gian 1956 nhà văn Võ Hồng về sống ở Nha Trang thì ông cũng có hơn nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất này. Công việc chính của ông là làm giáo viên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1982, nên với nhiều thế hệ học sinh ở Nha Trang, hình ảnh thầy giáo, nhà văn Võ Hồng vẫn luôn khắc ghi sâu đậm. Những học sinh của ông ngày đó, bây giờ cũng đã ngoài thất thập, bát thập, nhưng vẫn luôn dành cho người thầy của mình tình cảm kính trọng. “Vợ chồng tôi đều là học trò của thầy Võ Hồng từ những năm 50, 60. Thầy rất tận tâm, tận tụy với nghề và luôn yêu thương, động viên học sinh phát huy tính sáng tạo. Chính vì thế, những thế hệ học sinh ai cũng nhớ về thầy Võ Hồng. Thầy đã dạy chúng tôi làm thơ, viết văn và dạy cách sống. Nhiều phương pháp giảng dạy của thầy như cách “nối điêu” (cho học sinh viết tiếp câu chuyện của những tác phẩm văn học) vẫn để lại ấn tượng sâu đậm với học sinh”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban cho biết.
Di sản văn học của nhà văn Võ Hồng để lại cho đời với hơn 30 cuốn sách đã được xuất bản, gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, số còn lại là các tập truyện ngắn, thơ, bút ký, tùy bút cùng những bài phê bình, khảo cứu... Độc giả yêu mến văn Võ Hồng chắc hẳn sẽ không quên những tác phẩm như: Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Vết hằn năm tháng, Lá vẫn xanh, Vẫy tay ngậm ngùi, Nửa chữ cũng thầy, Vùng trời thơ ấu, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Nhánh rong phiêu bạt, Trầm mặc cây rừng, Thương mái trường xưa, Hồn nhiên tuổi ngọc... Trong đó, Hoài cố nhân là tác phẩm đầu tiên được xuất bản và đây như tấm giấy thông hành đưa ông vào con đường văn chương. Võ Hồng được đánh giá là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người... Văn của ông thường trầm tĩnh, thận trọng và khiêm nhường.
Vùng đất, con người Khánh Hòa đậm tình đã níu bước tình cảm của những nhà văn lớn trên văn đàn Việt Nam như Quách Tấn, Võ Hồng. Và chính hai nhà văn đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quê hương Khánh Hòa với bạn bè gần xa.
Giang Đình