Sau hơn 1 tháng phát động và thực hiện, cuộc thi về kỹ năng thuyết trình, hùng biện với tên gọi Tôi yêu biển do Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (KTV) tổ chức đã khép lại sau đêm chung kết diễn ra vào tối 20-4, nhưng hành trình lan tỏa tình yêu biển đến mỗi người, nhất là giới trẻ vẫn tiếp tục để viết nên những câu chuyện mới về biển.
Kể những câu chuyện về biển
Đêm chung kết cuộc thi Tôi yêu biển được phát trực tiếp trên các kênh sóng của KTV đã nhận được sự quan tâm theo dõi, cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. Vượt qua 45 thí sinh khác từ vòng sơ loại, 5 thí sinh xuất sắc nhất đến với đêm chung kết đã tiếp tục gửi tới khán giả, cổ động viên những câu chuyện ý nghĩa về tình yêu biển qua 3 phần thi: Thuyết trình theo những chủ đề về biển đảo; giới thiệu những sản vật, sản phẩm, hình ảnh gắn liền với người dân miền biển; thi ứng xử.
Trong phần thi thuyết trình, mỗi thí sinh được xem những đoạn phim ngắn hoặc những tiết mục văn nghệ liên quan đến đề bài, rồi nói lên những suy nghĩ, quan điểm, giải pháp… của cá nhân về những vấn đề đó. Nhìn chung, ở độ tuổi từ 18 đến 35, nhưng các thí sinh đã cơ bản trình bày được chủ kiến của mình về những vấn đề như: Giá trị của lễ hội Cầu ngư; Nha Trang - lung linh vịnh ngọc; bảo tồn đa dạng sinh học biển; giá trị của biển, đảo từ Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; Trường Sa - trái tim Tổ quốc. Chủ đề có nội dung đa dạng, nhưng bằng vốn hiểu biết của mình, các thí sinh đã chuyển tải đi những thông điệp ý nghĩa và lan tỏa tình yêu biển. Ở đó, thí sinh Hoàng Ngọc Thủy Tiên (sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa) nói lên được nét đẹp của lễ hội Cầu ngư trong đời sống tinh thần của những cư dân miền biển. Thí sinh Lê Thị Kim Ngân (nhân viên Công ty Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) lại cho mọi người thấy vẻ đẹp của vịnh biển Nha Trang, những việc làm cần thiết để bảo vệ vịnh ngọc. Thí sinh Lâm Quang Trường (sinh viên Trường Đại học Nha Trang) đã nêu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học của biển trước những tác động hiện nay. Nói về một chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm, thí sinh Lê Đức Bảo (giáo viên Trường THCS Bùi Thị Xuân, TP. Nha Trang) đã chuyển tải một cách ngắn gọn nhất những điểm nhấn về phát triển biển, đảo Khánh Hòa trong tương lai. Thí sinh Nguyễn Ngọc Thái (Bí thư Đoàn xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) lại chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình về quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Ông Đinh Văn Thiệu trao giải nhất cho thí sinh Lâm Quang Trường. |
Ở phần thi giới thiệu những sản phẩm, sản vật liên quan đến biển, khán giả bất ngờ trước những món quà của biển do các thí sinh mang tới. Đó là gánh muối trắng kết tinh từ nước biển do những diêm dân làm ra; những chai nước mắm cá cơm đặc sản của Nha Trang; hạt ngọc trai - một sản vật giá trị của Biển Đông; hoặc đơn giản là món đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ vỏ ốc biển... Qua lời giới thiệu của mỗi thí sinh, những sản phẩm, sản vật từ biển hoặc liên quan đến biển đã thêm một lần được nâng niu, trân trọng. Trong phần thi ứng xử, các thành viên Ban giám khảo đã đưa ra những câu hỏi hàm chứa yêu cầu về tư duy, kiến thức, kỹ năng trình bày tương đối cao với mỗi thí sinh. Nhưng trong khoảng thời gian 2 phút, mỗi thí sinh đã cơ bản thể hiện được suy nghĩ và mong muốn hành động để góp phần làm cho biển, đảo Tổ quốc thêm giàu đẹp hơn.
Tôn vinh giá trị biển, đảo
Thể hiện được vốn kiến thức, khả năng thuyết trình, hùng biện của bản thân qua từng phần thi, thí sinh Lâm Quang Trường đã giành vị trí cao nhất đêm thi chung kết. Cuộc thi đã khép lại, nhưng hành trình hiện thực hóa tình yêu biển của mỗi thí sinh bước ra từ cuộc thi lại mới bắt đầu. “Khi biết tới cuộc thi, tôi đã đăng ký tham gia ngay. Qua cuộc thi, tôi muốn truyền tải đi thông điệp bảo vệ sự đa dạng sinh học của biển từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất như: Không xả rác bừa bãi, nói không với rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường”, thí sinh Lâm Quang Trường cho biết.
Giang Đình
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin