Thập niên 1980 - 1990, những người yêu thích đọc truyện cảm thấy choáng ngợp trước sự xuất hiện một loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ - La tinh. Một cuộc sống muôn màu của các nước Nam Mỹ, một thế giới hiện thực nhưng được diễn giải bằng những hình tượng, văn phong khác lạ làm mê hoặc lòng người. Các nhà phê bình văn học gọi đó là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Thập niên 1980 - 1990, những người yêu thích đọc truyện cảm thấy choáng ngợp trước sự xuất hiện một loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ - La tinh. Một cuộc sống muôn màu của các nước Nam Mỹ, một thế giới hiện thực nhưng được diễn giải bằng những hình tượng, văn phong khác lạ làm mê hoặc lòng người. Các nhà phê bình văn học gọi đó là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là trường phái văn học hình thành và phát triển trong khoảng những năm giữa thế kỷ XX ở các nước Mỹ - La tinh. Như một làn gió mới ào vào lớp độc giả quen đọc văn chương truyền thống, hồi đó các nhà xuất bản đã rất nhạy với thị hiếu bạn đọc nên đã giới thiệu rất nhiều tác giả của trường phái này. Đó là G.Marquez (Columbia), G.Amado (Brazil), R.Baxtot (Paraguay), A.Carpentier (Cuba), Isabella Agiende (Chilê)… Những tác phẩm đã mê hoặc độc giả qua bút pháp rất lạ lẫm. Nhà văn Cuba Carpentier trong lời tựa cho cuốn Vương quốc của thế giới đã viết: “Thần kỳ là sự đột biến của hiện thực, là sự biểu hiện đặc thù đối với hiện thực, là sự thể hiện kỳ diệu khác biệt, phi thường đối với tính phong phú của hiện thực, là cường điệu quy mô và trạng thái của hiện thực. Có thể nói, sự phát hiện hiện thực thần kỳ này mang đến cho người đọc sự hưng phấn tinh thần đến cực điểm”.
Trăm năm cô đơn của G.Marquez xuất bản năm 1967 được coi là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, vì tác phẩm này từ những góc độ khác nhau phản ánh hiện thực xã hội và diễn biến lịch sử của đất nước Columbia và toàn bộ châu Mỹ La tinh. Bộ tiểu thuyết này đã vận dụng thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa huyền ảo, sự kiện con người và hình tượng kỳ dị, tập tục và thần thoại kết hợp với điềm báo, cảm ứng… Cũng vì quá nổi tiếng nên hiện nay, các nhà xuất bản hầu như chỉ in lại truyện của ông: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Sống để kể lại… mà không chú ý đến các tác giả khác. Còn bao nhiêu cuốn rất nổi tiếng khác như G.Amado có Biển cả và ái tình, Miền đất quả vàng, Gabriella - Nhành quế và hoa đinh hương… A.Carpentier có Thế kỷ ánh sáng, Sự tráo trở của phương pháp hoặc 2 tập Ngôi nhà của những hồn ma của nữ tác giả Isabella Agiende.
Giờ những ai có ý định sưu tập cho mình bộ các tác phẩm văn học Mỹ - La tinh chịu không biết tìm đâu. Thật đáng tiếc, bởi sách in thời kỳ những năm 1980 - 1990 giấy quá tệ, chữ nhỏ (để tiết kiệm trang in) và mờ. Dù đã cố gắng giữ gìn nhưng khi đọc lại vẫn muốn… nổ con mắt. Các nhà sách hiện nay ngập tràn những ấn phẩm đẹp đẽ, bìa cứng, giấy trắng… nhưng chỉ thấy sách dạy làm giàu, sách phong thủy hoặc truyện ngôn tình Trung Quốc.
Thủy Ngân