11:09, 06/09/2022

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa: 20 năm gìn giữ, phát huy lửa nghề

Cách đây 20 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trên cơ sở hợp nhất Nhà hát Tuồng Khánh Hòa với Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Từ đó đến nay, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của nhà hát đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ, phát huy ngọn lửa nghệ thuật sân khấu truyền thống ở xứ Trầm Hương.

Cách đây 20 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trên cơ sở hợp nhất Nhà hát Tuồng Khánh Hòa với Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Từ đó đến nay, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ của nhà hát đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ, phát huy ngọn lửa nghệ thuật sân khấu truyền thống ở xứ Trầm Hương.


Kế thừa và phát triển


Trước năm 2002, trên địa bàn tỉnh có Nhà hát Tuồng Khánh Hòa và Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Nhiều thế hệ khán giả yêu mến sân khấu nghệ thuật truyền thống thời bấy giờ đã quen thuộc tên tuổi của các nghệ sĩ như: Chánh ca Chạng, Nguyễn Dương, Huỳnh Thông, Bốn Hảo, Mịch Quang, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Én… của Nhà hát Tuồng Khánh Hòa; Hoàng Thủ, Thanh Cảnh, Bích Liên… của Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa. Đến ngày 17-4-2002, việc sáp nhập 2 đơn vị nghệ thuật trên thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã mở ra một chặng đường mới trong việc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị sân khấu truyền thống.

 

Hình ảnh vở tuồng Trịnh Phong do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh mới dàn dựng trong năm 2022. Ảnh minh họa

Hình ảnh vở tuồng Trịnh Phong do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh mới dàn dựng trong năm 2022. Ảnh minh họa


Bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “20 năm qua, văn hóa nghệ thuật đứng trước những cơ hội và nhiều thử thách. Tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung, sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi nói riêng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, kịch bản, khán giả, nguồn nhân lực kế thừa… Tuy nhiên, với tình yêu nghệ thuật và niềm đam mê sáng tạo, các nghệ sĩ của nhà hát đã luôn vững tin học hỏi, thể nghiệm những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nhà hát đã vượt qua khó khăn, từng bước đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận các đối tượng khán giả”.


Trong chặng đường mới của mình, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đã cùng nhau dàn dựng, biểu diễn gần 50 vở diễn, hơn 20 chương trình ngắn. Trong đó, có nhiều vở diễn, chương trình để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả và các nhà chuyên môn như: Nhảy múa với quỷ dữ; Xứ Trầm dậy lửa Cần Vương; Sóng dậy Lê Triều; Chuyện tình bên tháp cổ; Phượng hoàng Trung Đô… Những năm gần đây, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát ngày càng được trẻ hóa. Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã dần chiếm được tình cảm yêu mến của khán giả như: Thúy Thoa, Thúy Thỏa, Kim Thoa, Sơn Hà, Mỹ Hương, Thanh Phương… Để từ đó, những người yêu mến nghệ thuật truyền thống xứ Trầm lại có thêm niềm tin vào việc có thêm những vở diễn, vai diễn mới tạo được tiếng vang như các thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã làm được.


Tin vào tương lai


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc hợp nhất 2 đơn vị nghệ thuật để hình thành nên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động của anh, chị, em nghệ sĩ lúc bấy giờ. Sau khi thành lập, nhà hát phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân. Sau 20 năm, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã chứng minh được việc kế thừa xứng đáng sự nghiệp gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống.


Trong thời gian tới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ thực hiện xây dựng đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp; bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi, góp phần định hướng cho khán giả về giá trị chân - thiện - mỹ từ những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao; bảo đảm tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới; nâng cao chất lượng nghệ thuật các vở diễn, pho tuồng cổ, chương trình biểu diễn đường phố, sân khấu học đường, lễ hội đặc sắc, đảm bảo các yếu tố dân tộc, hiện đại, gần gũi với công chúng, nhất là khán giả trẻ…


Nhìn vào hành trình 20 năm của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, chúng ta thấy được sức trẻ, nhiệt huyết và niềm đam mê. Hy vọng rằng, với nguồn năng lượng tích cực trên, nhà hát sẽ vững vàng, sáng tạo trên hành trình đưa nghệ thuật truyền thống tiếp tục tiến bước, để các thế hệ nghệ sĩ và nhất là khán giả sau này vẫn dành sự trân trọng, yêu mến đối với sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi của dân tộc.


NHÂN TÂM