11:07, 15/07/2022

Thương được cứ thương đi

Ngày hè, khu vực đọc sách ở nhà sách nơi trung tâm thành phố mỗi tối chật ních chỗ ngồi. Bao nhiêu đứa trẻ lúi húi bên kệ sách của tuổi thơ thì có khi cũng bấy nhiều người lớn tạm quên đi núi công việc cứ cuốn mình đi hàng ngày để theo trẻ vào đây, như một cách đưa trẻ đến gần hơn với sách, dù có khi chỉ là một cuốn truyện tranh nào đấy.

Ngày hè, khu vực đọc sách ở nhà sách nơi trung tâm thành phố mỗi tối chật ních chỗ ngồi. Bao nhiêu đứa trẻ lúi húi bên kệ sách của tuổi thơ thì có khi cũng bấy nhiều người lớn tạm quên đi núi công việc cứ cuốn mình đi hàng ngày để theo trẻ vào đây, như một cách đưa trẻ đến gần hơn với sách, dù có khi chỉ là một cuốn truyện tranh nào đấy. Chờ đứa trẻ nhà mình lăng xăng góc này góc nọ, họ cũng chọn cho mình 1 cuốn, ngồi giữa bao mái đầu lớn, nhỏ mà đọc. Mỗi lần như thế, giữa bao nhiêu kệ sách với hàng trăm bìa sách, cũng tần ngần chẳng biết chạm cuốn nào. Vậy nên, cứ nhìn cái tựa, cùng cảm giác thôi thúc mình cầm lên và đọc. Chẳng cần là góc sách mới xuất bản, chẳng cần tác giả nổi danh hay chưa, chỉ cần là cái đập vào mắt mình, thích là lật ra và đọc.

 


“Thương được cứ thương đi” (Nhà Xuất bản Hà Nội năm 2020) là một trong những cuốn sách tôi chạm vào kiểu như thế. Một cuốn sách đã cũ. Một tác giả cũng chả quen tên - Hồng Hải. Có chăng là cái tựa sách; là cái dòng chữ đập vào mắt mình ngay ở bìa sách, rằng “hơn 20.000 bản sách đã được bán ra, muôn vàn yêu thương đã được lan tỏa”.


Có lẽ ở cái tuổi nào đó, người ta không còn nghĩ đến những chuyến đi xê dịch ruổi rong các phương trời, để háo hức cầm lên các cuốn du ký một thời của các cây bút trẻ cứ đua nhau ra mắt. Người ta cũng chẳng còn tò mò chạy theo những cuốn best seller của người trẻ, kiểu Buồn làm sao buông, hay Chênh vênh 25 nữa. Người ta cũng đã rời xa những cuốn ngôn tình, văn chương đầy lãng mạn bay bổng và cả phù phiếm nữa. Người ta cần những yêu thương, đồng cảm, sẻ chia như ai kia.


Tác giả, một doanh nhân, một họa sĩ, tự nhận mình chỉ là một người kể chuyện. Kể chuyện đời mình, kể chuyện đời kẻ khác sau những cuộc đi, cuộc tiếp xúc. 78 câu chuyện kể, 78 khoảnh khắc anh bắt gặp trên những chuyến hành trình của mình, cả những khoảnh khắc cuộc đời mình trong đó. Đó là chuyện chị bán vé số, bác xe ôm anh gặp trên đường; chuyện về những đứa trẻ ở bệnh viện này, bệnh viện nọ;  chuyện cái sạp hàng nhỏ của 2 sinh viên; hay cuộc gặp thoáng qua trên một chuyến bay với một người Thụy Điển, một vợ chồng du khách Hàn Quốc bị giật đồ trên đường… Cung cách đối nhân xử thế của họ, câu chuyện đời được kể trong vài dòng chữ cũng khiến tác giả phải cúi đầu biết ơn họ đã dạy cho mình những bài học giản đơn, mà ngay những tựa bài nhỏ cũng lắng đọng lại điều đó: Cho đi, Phát và chia sẻ, Tay trái trao đi tay phải nhận về…


Có lẽ từ cái khổ của tuổi thơ mình đã khiến trái tim của nhân vật tôi ấy trong cuốn sách luôn cảm thương trước số phận ai đó cũng từng cùng cực như mình. Để từ đó là những sẻ chia, những yêu thương chạm đến mọi người. Nhưng là cái sẻ chia được đúc kết rằng, rút mấy tờ tiền hay trao vài hộp cơm, gói quà vẫn là chưa đủ, mà nó sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta mang theo cùng tiền, quà một chút thấu hiểu. Một cái nắm tay cho lòng người ấm hơn một chút thôi. Thấu hiểu như người đàn ông Hàn Quốc bị giật túi xách lại lấy làm vui lòng nếu cái túi đó giúp được 2 con người kia bớt khổ một chút, như một sự trả giá cho việc ba ông đã từng là lính đánh thuê, đã từng tham chiến tại Việt Nam, đã từng làm những điều không hay trên mảnh đất này. Thấu hiểu như bác xe ôm tội nghiệp bà già bán trái cây nên lựa toàn những trái nám đen xấu xí, vì ai cũng lựa trái đẹp thì trái xấu bà biết bán cho ai…


Đó là một cuốn sách truyền cảm hứng, với thông điệp: Hãy sống tử tế. Những phận đời, nhưng câu chuyện buồn, có khi rơi nước mắt, nhưng kết lại mỗi câu chuyện lại cảm nhận trong đó những ngọt ngào, là những bài học nhân sinh đầy đơn giản. Vậy nên, đọc hết sách rồi, gấp lại, tự nhủ cũng chẳng cần nhớ gì, chỉ đọng lại cái tựa sách ấy thôi. Rằng, thương được cứ thương đi, tôi, bạn hay bất cứ ai, vì cuộc đời ngoài kia vốn rộng và mênh mông lắm, chỉ cần lòng mình cũng đủ rộng mà thôi, để dừng lại một chút, nắm lấy một bàn tay đang cần một bàn tay nắm…


Đăng Quỳnh