Ngày 14 và 15-7, người dân thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) có dịp theo dõi Hội thi nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ 16. Mỗi đoàn dự thi mang đến một màu sắc, một chủ đề nghệ thuật riêng, nhưng tất cả đều mong muốn gửi tới khán giả những tiết mục có chất lượng.
Ngày 14 và 15-7, người dân thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) có dịp theo dõi Hội thi nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ 16. Mỗi đoàn dự thi mang đến một màu sắc, một chủ đề nghệ thuật riêng, nhưng tất cả đều mong muốn gửi tới khán giả những tiết mục có chất lượng.
Gần 60 tiết mục thi diễn
Trong lần đầu được tổ chức ở huyện Khánh Sơn, hội thi nghệ thuật quần chúng đã thu hút gần 600 ca sĩ, diễn viên, nhạc công và nghệ nhân đến từ 11 đoàn nghệ thuật quần chúng ở 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa.
Các đoàn nghệ thuật đã mang đến hội thi gần 60 tiết mục ca, múa, nhạc, kịch với nhiều nội dung, chủ đề khác nhau. Ở đó, khán giả được hòa mình vào bầu không khí lễ hội sôi động với tiếng mã la, tiếng đàn đá ngân nga kết hợp với những lời hát, điệu múa mang âm hưởng, màu sắc dân ca, dân vũ các dân tộc Tây Nguyên của đoàn Khánh Sơn. Những tiết mục: Âm vang hồn chiêng, Vui ngày hội mới, Đàn đá đêm nay… như có sức mời gọi mọi người hãy đến với miền núi rừng Khánh Sơn. Qua phần thi của đoàn TP. Nha Trang, khán giả thấy được sự đầu tư dàn dựng trong từng tiết mục. Các ca sĩ, diễn viên giới thiệu đến mọi người hình ảnh về một thành phố bên cánh sóng, với những giá trị văn hóa, lịch sử, sản vật phong phú đang từng ngày chuyển mình đổi thay. Những tiết mục: Khúc tráng ca Nha Trang, Hát về thành phố hôm nay, Đêm mơ thành chim yến, Biển ngọc… đã để lại ấn tượng với khán giả.
Chương trình thi diễn của huyện Cam Lâm thể hiện rõ chủ đề ngợi ca truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Những tiết mục: Đất Việt ngàn năm vọng mãi, Hội Gióng, Mái đình làng biển, Non sông ngàn năm gấm vóc… đã được thể hiện khá sinh động trên sân khấu. Trong khi đó, đoàn TP. Cam Ranh đã tạo ấn tượng nghệ thuật ngay từ tiết mục đầu tiên với tên gọi Hội trùng dương. Đây là tiết mục hát múa huy động sự tham gia của toàn đoàn, trong đó những ca khúc được sử dụng đều tương đối khó để thể hiện, đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao. Vì vậy, với những ca sĩ, diễn viên không chuyên, việc vượt qua được từng lớp âm nhạc, vũ đạo là điều đáng ghi nhận. Hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của ngư dân cũng được đoàn Cam Ranh gửi tới khán giả qua những tiết mục: Đời chài, Đảo xanh…
Các đoàn nghệ thuật đến từ 3 đơn vị cũng tạo được ấn tượng với khán giả. Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa đã dàn dựng khá tập trung các tiết mục ca ngợi về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bài ca Hồ Chí Minh, Người là niềm tin tất thắng... Các tiết mục của Đoàn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại ngợi ca về hình ảnh những người chiến sĩ với trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ quốc, quê hương. Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang tập trung vào những tiết mục về biển, đảo quê hương.
Đưa nghệ thuật hướng về cơ sở
Với mục tiêu góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các địa phương trong tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức hội thi ở địa bàn cơ sở. “Hội thi nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh được tổ chức trên địa bàn huyện Khánh Sơn là dịp để người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ý nghĩa. Qua đây cũng góp phần để địa phương giới thiệu những tiềm năng, đặc sản đến mọi người nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với Khánh Sơn”, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc hội thi được tổ chức ở cơ sở sẽ góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương đăng cai. Hội thi cũng là dịp để các hạt nhân văn hóa, nghệ thuật của các địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng, từ đó phát hiện những nhân tố để bồi dưỡng, xây dựng phong trào văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân.
Hội thi nghệ thuật quần chúng tỉnh diễn ra 2 năm một lần, là cơ hội để những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở cơ sở có dịp đánh giá, nhìn nhận lại phong trào tại các địa phương. Chính vì thế, mỗi địa phương, đơn vị khi tham gia hội thi đều chuẩn bị chu đáo, không chỉ chương trình dự thi cấp tỉnh, mà còn tổ chức các hội diễn, liên hoan ở cấp huyện. “Đến với hội thi, chúng tôi đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc từ liên hoan cấp huyện; nỗ lực dàn dựng, tập luyện suốt 2 tuần qua. Tuy khá hài lòng với phần thi diễn của mình, nhưng nếu điều kiện sân khấu, âm thanh, ánh sáng tốt hơn thì chất lượng của những tiết mục sẽ tốt hơn nữa”, Cao A Huy - thành viên đoàn huyện Khánh Sơn cho biết.
Sau 2 lần đưa về cơ sở tổ chức (ở thị xã Ninh Hòa năm 2020 và huyện Khánh Sơn năm nay), hội thi đều phải thay đổi sân khấu do điều kiện thời tiết, ảnh hưởng đến chất lượng thi diễn của các đoàn, cũng như chất lượng của hội thi. Đặc biệt, lượng khán giả được xem những phần thi của các đoàn cũng ít khiến cho mục tiêu góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân không được như kỳ vọng. Nên chăng, trong những kỳ tổ chức tiếp theo, Sở Văn hóa và Thể thao cần có sự tính toán về mặt thời gian, địa điểm tổ chức để hội thi diễn ra thành công hơn.
Giang Đình