01:06, 29/06/2022

Văn học thiếu nhi với diện mạo mới

Lâu nay, mỗi khi nói đến văn học thiếu nhi hiện tại, các nhà phê bình lớn tuổi hay các nhà báo thường đánh giá: "Văn học thiếu nhi hiện tại mỏng, thiếu những tác phẩm có giá trị và ít các cây bút sáng tác tầm cỡ như lớp trước!".

Lâu nay, mỗi khi nói đến văn học thiếu nhi hiện tại, các nhà phê bình lớn tuổi hay các nhà báo thường đánh giá: “Văn học thiếu nhi hiện tại mỏng, thiếu những tác phẩm có giá trị và ít các cây bút sáng tác tầm cỡ như lớp trước!”. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem lại để hiểu hơn về văn học thiếu nhi đương đại. Theo nhà văn Trần Đức Tiến - Trưởng Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, văn học thiếu nhi của thế kỷ XXI vẫn theo đúng dòng chảy tự nhiên với nhiều tác phẩm, cây bút mới tài năng và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đọc của tuổi thơ.

 

Văn học thiếu nhi với diện mạo mới

Văn học thiếu nhi với diện mạo mới


Chúng ta vẫn không quên lớp nhà văn thế kỷ trước đã xây dựng một ngôi nhà tuổi thơ bồi đắp bằng những tác phẩm văn học rất giá trị như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Nguyễn Quỳnh, Trần Hoài Dương… Các nhà văn đã gieo hạt giống tâm hồn trong trẻo, vị tha đầy cao cả cho lớp lớp tuổi thơ Việt Nam bước vào đời và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để giao lại cho lớp kế cận.


Không có cuộc chuyển giao hay lời hứa với thế hệ trước, các nhà văn lớp sau, cụ thể là lớp thế hệ nhà văn thế kỷ XXI tiếp nối hành trình vì tuổi thơ rất tự nhiên. Bạn đọc đều biết và yêu mến những cái tên tác giả như: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Cao Xuân Sơn, Nguyên Hương, Bích Nga… Điều thú vị là hiện nay có những cây bút thế hệ 8X, 9X rất năng động như: Võ Thu Hương, Nguyễn Kim Hòa, Văn Thành Lê, Bùi Tiểu Quyên, Lê Quang Trạng, Hồ Huy Sơn… Các tác phẩm của họ đều được đánh giá rất cao, được đề cử tham gia các giải thưởng văn học thiếu nhi lớn như giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng Dế Mèn, giải thưởng Vì tương lai đất nước và cả giải mang tầm quốc tế như giải thưởng Andersen (Đan Mạch), Peter Pan (Thụy Điển)… Điều đáng nói và hy vọng nữa là đội ngũ các cây bút viết cho thiếu nhi hiện nay có số lượng đông đảo với đủ lứa tuổi so với lớp trước, kể cả các cây bút tuổi thiếu niên như Khải An, Nguyễn Vũ An Bằng…


Nhiều bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay có thể vẫn say mê đọc Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương nam, Lá cờ thêu sáu chữ vàng nhưng cũng đọc những tác phẩm mới có phong cách hiện đại, tươi tắn, nội dung vô cùng phong phú như mọi tuổi thơ trên thế giới đang được các nhà văn đem lại. Những quyển sách thiếu nhi mới hôm nay từ tiêu đề, hình thức, văn phong cũng thể hiện khác so với các tác phẩm trước đó. Có thể đây là một tư duy mới của tuổi trẻ mà hơn ai hết chính nhà văn đang hướng tới đồng hành với các em. Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn - người vừa in tập thơ thiếu nhi Những ngọn đèn thơm cho rằng, với các em hôm nay, nhà văn phải thay đổi tư duy để tạo ra sự đa dạng. Nhà văn Lê Phương Liên cũng đồng ý rằng, lớp các cây bút trẻ viết cho thiếu nhi hôm nay đang vượt lên để tiệm cận với tư duy trẻ em hiện đại.


Như vậy, có thể khẳng định rằng bức tranh văn học thiếu nhi hôm nay đã thay đổi với những gam màu đầy tính đột phá, mới mẻ. Các nhà văn không còn viết theo lối cũ mà muốn làm được điều đó phải có trình độ, tư tưởng và tài năng. Nhà thơ Cao Xuân Sơn (Nhà Xuất bản Kim Đồng) cho rằng, con người ngày càng thấy rằng yêu quý tuổi thơ là một cảm xúc vô cùng quý giá, viết cho thiếu nhi sẽ rất hạnh phúc bởi các em là những độc giả vô cùng trong sáng, chân thành, điều đó tạo hứng khởi cho nhà văn. Bởi thế, văn học thiếu nhi thực sự là bức tranh tươi tắn đa sắc màu.


Dương Trang Hương