11:06, 10/06/2022

Thiếu các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống

Một trong những yêu cầu bắt buộc của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chính là việc thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống ở các địa phương. Nhưng mô hình này chỉ mới dừng lại ở cấp tỉnh, còn ở cấp huyện, cấp xã và các thôn, tổ dân phố đang thiếu vắng rất nhiều.

Một trong những yêu cầu bắt buộc của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chính là việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống (NTTT) ở các địa phương. Nhưng mô hình này chỉ mới dừng lại ở cấp tỉnh, còn ở cấp huyện, cấp xã và các thôn, tổ dân phố đang thiếu vắng rất nhiều.


Tập hợp thời vụ


Trung tuần tháng 4 vừa qua, các thành viên đội văn nghệ của xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) đã tái hiện lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê trong khuôn khổ chương trình Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Xem phần biểu diễn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật hát xướng các làn điệu dân ca Aray, hòa tấu với nhạc cụ cồng chiêng, khèn bầu, sáo trúc…, nhiều người cứ ngỡ đây là một CLB có tổ chức, sinh hoạt bài bản. Thế nhưng, điều bất ngờ là trước ngày biểu diễn khoảng 1 tuần, các thành viên trong đội mới tập hợp lại. “Các thành viên của đội chỉ được xã tập trung khi chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện, tỉnh. Sau khi kết thúc các đợt diễn, chúng tôi được nhận tiền bồi dưỡng rồi tự giải tán”, nghệ nhân Y Oanh - thành viên đội văn nghệ xã Khánh Hiệp chia sẻ.

 

Các thành viên Câu lạc bộ bài chòi và đờn ca tài tử TP. Nha Trang biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng.

Các thành viên Câu lạc bộ bài chòi và đờn ca tài tử TP. Nha Trang biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng.


Đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa thành lập được CLB NTTT nào ở cả cấp huyện, cấp xã. Mỗi khi huyện hoặc tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các xã, thị trấn mới thành lập các đội nghệ thuật quần chúng để tham gia. Tương tự, huyện Khánh Sơn dù có nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng huyện vẫn chưa thành lập được CLB NTTT nào. Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập CLB NTTT tại các thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, ở một số thôn, tổ dân phố cũng chỉ mới động viên được các cá nhân tham gia đội văn nghệ mỗi khi có sự kiện. Các đội văn nghệ chỉ được nhận kinh phí bồi dưỡng, tập luyện khi tham gia từng hoạt động cụ thể, còn thường ngày hoàn toàn không có kinh phí để duy trì sinh hoạt”.


Gặp khó khăn trong hoạt động


Việc thành lập các CLB NTTT đã được một số địa phương như: huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, các CLB vẫn còn rất ít và gặp những khó khăn trong hoạt động, sinh hoạt. Huyện Cam Lâm hiện có 2 đội mã la ở xã Sơn Tân và xã Cam Phước Tây, đang được lấy làm nòng cốt để nâng cấp lên CLB NTTT. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thể bố trí được nguồn ngân sách để phục vụ cho hoạt động của 2 đội văn nghệ này khi mức kinh phí dự kiến để duy trì hoạt động thường xuyên cho 2 đội khoảng 36 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ cố gắng nâng cấp 2 đội văn nghệ lên CLB để có cơ sở cấp kinh phí hoạt động.


TP. Cam Ranh hiện có khoảng 20 đội nghệ thuật quần chúng, trong đó có nhiều hạt nhân văn nghệ tiêu biểu phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa, văn nghệ của người dân. Tuy nhiên, các đội văn nghệ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thị và sinh hoạt lồng ghép với các đội nghệ thuật quần chúng các xã, phường, hội đoàn thể. Đội mã la của đồng bào Raglai ở xã Cam Phước Đông cũng hoạt động cầm chừng. TP. Nha Trang cũng chỉ mới thành lập được CLB bài chòi và đờn ca tài tử trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố. Ở các xã, phường hay thôn, tổ dân phố vẫn chưa có các CLB NTTT. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các địa phương mỗi khi tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật có yêu cầu về các tiết mục NTTT.


Năm 2020, thị xã Ninh Hòa được chọn thí điểm thành lập CLB bài chòi từ Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa. Từ đó đến nay, các thành viên trong CLB đã tích cực thực hiện hoạt động biểu diễn, lưu diễn phục vụ người dân các xã, phường và tham gia các liên hoan, hội diễn, hội thi nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. “Hoạt động của CLB bài chòi đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi. Năm 2023, khi việc thí điểm của đề án kết thúc, chúng tôi cũng đang băn khoăn chưa biết bố trí nguồn kinh phí như thế nào để tiếp tục duy trì hoạt động của CLB. Bởi việc gắn kết hoạt động biểu diễn nghệ thuật bài chòi với du lịch vẫn chưa có tín hiệu khả quan”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết.


Việc mô hình CLB NTTT ở các địa phương vừa ít, lại gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực chất của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương phải có những giải pháp, phương thức cụ thể, phù hợp mới mong cải thiện được tình hình.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Ở cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh đã thành lập được các CLB về nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử, dân ca ví dặm, dân ca quan họ… Còn ở các địa phương, việc thành lập CLB NTTT chưa trở thành phong trào mạnh mẽ và là hạt nhân của sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật thường xuyên. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ có sự quan tâm, chỉ đạo về vấn đề này.


Giang Đình