Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Bác Hồ với công tác văn hóa". Qua đó, đã làm rõ thêm về quan điểm của Bác đối với công tác văn hóa và sự vận dụng vào công cuộc xây dựng nền văn hóa hiện nay.
Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Bác Hồ với công tác văn hóa”. Qua đó, đã làm rõ thêm về quan điểm của Bác đối với công tác văn hóa và sự vận dụng vào công cuộc xây dựng nền văn hóa hiện nay.
Theo ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Sức mạnh của văn hóa đã sớm được Người nhận ra và đưa vào chiến lược phát triển đất nước. Tìm hiểu về tư tưởng của Bác đối với văn hóa để mỗi chúng ta rõ thêm những suy nghĩ, tư tưởng, hành động và việc làm của Người để đưa nền văn hóa dân tộc lên những tầm cao mới.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, đó là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của mình trong quá trình lịch sử. Từ cơ sở lý luận này, bà Huỳnh Thị Thương Huyền - chuyên viên Phòng Báo chí - Tổng hợp đã nêu lên những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Theo đó, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng; phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó; văn hóa phải phục vụ quần chúng nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm mục tiêu; cần phải xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam để góp phần xây dựng xã hội mới vững chắc.
Để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bà Dương Nhật Thùy Trinh - chuyên viên Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Để phát huy các giá trị văn hóa của một địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn với khát vọng xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp, hiện đại, tỉnh cần triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo ông Nguyễn Quốc Việt - chuyên viên Phòng Khoa giáo, chúng ta cần bồi đắp ý thức tự lực, tự cường, thắp lên ngọn lửa khát vọng, niềm tin xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp. Bên cạnh đó, cần khơi dậy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mỗi người. Đồng thời, quan tâm thực hiện có hiệu quả chính sách văn hóa gắn với xây dựng con người Khánh Hòa trong thời kỳ mới…
Theo ông Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, buổi tọa đàm đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, đội ngũ làm công tác tuyên giáo cần tiếp tục nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và quan điểm, tư tưởng của Người về công tác văn hóa nói riêng. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo trẻ có đủ năng lực, vững chuyên môn để làm tốt nhiệm vụ tham mưu, tuyên truyền và lan tỏa nét đẹp văn hóa.
GIANG ĐÌNH