11:05, 27/05/2022

Tái sinh hình tượng chị Tư Hậu qua nghệ thuật gốm Lư Cấm

Sau thành công của tập bút ký Một chuyện chép ở bệnh viện (năm 1958), nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) chuyển thể tác phẩm thành kịch bản phim. Năm 1961, bộ phim Chị Tư Hậu được công chiếu, trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Hình tượng chị Tư Hậu (do diễn viên Trà Giang đóng) đã trở thành biểu tượng cao đẹp của phụ nữ miền Nam nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung đã anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau thành công của tập bút ký Một chuyện chép ở bệnh viện (năm 1958), nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) chuyển thể tác phẩm thành kịch bản phim. Năm 1961, bộ phim Chị Tư Hậu được công chiếu, trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Hình tượng chị Tư Hậu (do diễn viên Trà Giang đóng) đã trở thành biểu tượng cao đẹp của phụ nữ miền Nam nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung đã anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.  

 

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng và tác phẩm “Chị Tư Hậu - Trái tim người mẹ”.

Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng và tác phẩm “Chị Tư Hậu - Trái tim người mẹ”.


Hình tượng chị Tư Hậu được nhà văn Anh Đức xây dựng trên nguyên mẫu là chị Tư Huỳnh, tức là bà Nguyễn Thị Huỳnh (1919 - 2003) - một người con của xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa). Chị Tư Huỳnh là một nữ hộ sinh tận tụy, nhân ái nên được nhân dân quý mến. Được giác ngộ cách mạng rất sớm, gia đình chị là một cơ sở nuôi giấu cán bộ (trong đó có các đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Trịnh Huy Quang…). Năm 19 tuổi, chị lập gia đình với ông Mai Dương, cũng là một cán bộ cách mạng, quê ở xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Phú Khánh).


Do hoàn cảnh chiến tranh, do yêu cầu của hoạt động cách mạng, vợ chồng chị Tư bị giặc truy lùng rất gắt gao nên họ phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Có lúc chị Tư phải gửi con cho các cơ sở quần chúng để đảm bảo công tác. Tấm lòng của một người mẹ vì công tác cách mạng phải gửi con lại cho quần chúng nuôi dưỡng, nhiều đêm thao thức nhớ con đã khiến nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng - một người con của đất Nha Trang - Khánh Hòa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn cảm phục và khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong ông. Trong một lần tiếp xúc với những người con của “chị Tư Hậu”, ông đã rất xúc động và muốn thực hiện ngay ý tưởng sáng tạo. Với truyền thống nghệ thuật gốm Lư Cấm - một làng gốm đã có lịch sử mấy trăm năm của TP. Nha Trang, ông đã đắp nổi một bức phù điêu cao 2,2m, ngang 1,5m, đặt tên là “Chị Tư Hậu - Trái tim người mẹ”.


Trung tâm của bức tượng là một phụ nữ choàng khăn, vai vừa khoác súng vừa đeo túi cứu thương, hai bàn tay dang rộng để ôm lấy đứa con nhỏ của mình đang nương tựa trong vòng tay của một bà mẹ quần chúng. Những cuộn sóng biển là những hoa sóng đã nâng hình tượng người mẹ chiến sĩ thành “biểu tượng người bảo trợ sự sống cho trẻ sơ sinh” như lời tác giả.


Tác phẩm được nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng sáng tạo tại Làng nghề Trường Sơn (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Tác phẩm sẽ được đặt trang trọng trong Vườn Tri ân của làng nghề. Đó cũng là tấm lòng của Ban Giám đốc, những nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân viên Làng nghề Trường Sơn đối với miền đất Nha Trang - Khánh Hòa, đối với một người con Khánh Hòa anh hùng, một người mẹ nhân hậu đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư cho cách mạng, cho sự nghiệp chung.


Trong tương lai, Vườn Tri ân của Làng nghề Trường Sơn sẽ tiếp tục chủ đề tôn vinh những danh nhân để mang đến cho khách tham quan, thưởng lãm những giá trị lịch sử - văn hóa, những bài học nhân sinh - nhân văn cao đẹp khi có dịp đặt chân đến.


CHẾ DIỄM TRÂM