11:05, 10/05/2022

Khánh Sơn: Giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa

Huyện miền núi Khánh Sơn có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số. Bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc của địa phương đã và đang được người dân cùng các cấp chính quyền giữ gìn trong nhiều năm qua.

Huyện miền núi Khánh Sơn có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số. Bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc của địa phương đã và đang được người dân cùng các cấp chính quyền giữ gìn trong nhiều năm qua.


Rộn ràng ngày văn hóa các dân tộc


Cuối tháng 4 vừa qua, huyện Khánh Sơn tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn huyện với khoảng 200 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 đoàn của 8 xã, thị trấn trong huyện. Quảng trường 20-11 (thị trấn Tô Hạp) hôm đó đã thực sự trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa đầy sôi động với rất nhiều hoạt động, phần thi, thu hút một lượng lớn người dân đến xem, cổ vũ. Ở đó, khán giả bị cuốn hút bởi những làn điệu dân ca a lâu, ru tu nhẹ nhàng, reo vui, với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, mối đoàn kết xóm làng, khuyên răn con cháu cần cù lao động, sản xuất; hay những tiết mục biểu diễn nhạc cụ mã la, đàn đá, đàn chapi khi trầm hùng, lúc thánh thót. Đặc biệt, còn có những màn tái hiện một số lễ hội truyền thống của người Raglai và các dân tộc khác như: Lễ ăn đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới…

 

Màn tái hiện lễ ăn đầu lúa mới của  người dân xã  Sơn Hiệp.  Ảnh: Nhân Tâm

Màn tái hiện lễ ăn đầu lúa mới của người dân xã Sơn Hiệp. Ảnh: Nhân Tâm


Thầy cúng Bo Bo Xuân Tuyên (xã Sơn Hiệp) cho biết: “Người Raglai rất quý trọng lễ ăn đầu lúa mới. Đây là dịp để mọi người tạ ơn trời đất, ông bà đã phù hộ, giúp đỡ cho con cháu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Được giới thiệu một phần nghi thức của lễ ăn đầu lúa mới tại ngày văn hóa, chúng tôi cảm thấy rất vui”.


Bên cạnh đó, đồng bào huyện Khánh Sơn còn giới thiệu nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực. Những món ăn như: cơm lam, gà nướng ống lồ ô, canh bồi, rượu cần…, hay đơn giản là các loại nông sản bắp luộc, mì hấp đã thực sự hấp dẫn khách tham quan. Những màn tranh tài các môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, bắn nỏ, ném con quay, chạy cà kheo, kéo co đã mang đến bầu không khí sôi nổi. Những môn thể thao này bắt nguồn từ đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân, giúp đồng bào rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí. Qua đó góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng và là nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. “Tôi tham gia dự thi môn bắn nỏ, vì đây là môn thể thao truyền thống của người Raglai. Tôi luôn muốn gìn giữ môn thể thao này để con cháu biết về kỹ thuật chế tác cái nỏ và bắn nỏ”, anh Cao Y Ben (xã Sơn Bình) chia sẻ.


Giữ gìn văn hóa truyền thống


Việc tổ chức thành công Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn huyện Khánh Sơn là minh chứng sinh động cho nỗ lực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài, kiên trì tuyên truyền, thực hiện các giải pháp, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các cấp chính quyền và người dân các xã, thị trấn. Ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Xã Sơn Hiệp đã giữ gìn được nhà dài truyền thống; trang bị nhạc cụ truyền thống đàn đá, đàn chapi, các đồ thủ công mỹ nghệ… Chúng tôi đã mở các lớp dạy cho thanh niên biết đánh đàn đá và một số loại nhạc cụ khác. Trên địa bàn xã cũng thường xuyên tổ chức lễ ăn đầu lúa mới cho người dân trực tiếp tham gia”.  


Có thể thấy, những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai ở Khánh Sơn đã đạt được những kết quả khích lệ. Trong đó, lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các loại hình nghệ thuật dân gian như: Trình diễn đàn đá; hát kể sử thi; lễ ăn đầu lúa mới đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện cũng đã hoàn thành việc chế tác 10 bộ đàn đá để cấp cho các xã, thị trấn, phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng...


Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục gìn giữ và phục dựng lại các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc; phục dựng lại các lễ hội. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng các loại hình văn hóa truyền thống vào trong sinh hoạt cộng đồng”.


Giang Đình - Đinh Luận