Vừa qua, tại Nhà Sáng tác Nha Trang (TP. Nha Trang), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng năm 2022. Tham gia trại sáng tác, các họa sĩ đã cho ra đời 30 tác phẩm khắc họa hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vừa qua, tại Nhà Sáng tác Nha Trang (TP. Nha Trang), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng năm 2022. Tham gia trại sáng tác, các họa sĩ đã cho ra đời 30 tác phẩm khắc họa hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là trại sáng tác thứ 2 của cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021 - 2025, với 15 họa sĩ trong và ngoài quân đội đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia. Riêng Khánh Hòa có 3 họa sĩ tham gia, gồm: Lê Huỳnh, Bùi Văn Quang và Lưu Thành Quả. 15 ngày ở thành phố biển Nha Trang là khoảng thời gian không quá dài, song với tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, say mê sáng tạo, các tác giả đã sáng tác được 30 tác phẩm, gồm các chất liệu: sơn dầu, acrylic, lụa, sơn mài...
Để các họa sĩ có trải nghiệm thực tế và thêm chất liệu sáng tác, Ban tổ chức đã phối hợp với Trường Sĩ quan Không quân tổ chức cho các họa sĩ giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 920. Nhờ đó, đã có những tác phẩm đặc sắc về một số hoạt động của bộ đội không quân, như: “Giảng đường trên mây”, “Siêu thanh”, “Lính thợ”, “Chiến công thầm lặng”, “Bay cùng mặt trời”, “Khát vọng bầu trời”, “Huấn luyện”… Họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Hải Nhung (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) chia sẻ: “Được thâm nhập thực tế, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, huấn luyện của các cán bộ, chiến sĩ, tôi càng hiểu thêm về đời sống, sự vất vả, khó khăn của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, tôi có thêm nguồn tư liệu quý giá, có được nguồn cảm hứng dồi dào để sáng tác một số tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng”.
Không ít họa sĩ đi sâu khai thác các đề tài về chủ đề đấu tranh giải phóng dân tộc hay ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc vừa có tính nghệ thuật cao, vừa có tính tuyên truyền, cổ động thiết thực. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Mừng chiến thắng” của họa sĩ Bùi Văn Quang; “Đêm tháng Chạp - 1972” của họa sĩ Lưu Thành Quả; “Lòng dân” của họa sĩ Lê Huỳnh…
Lần thứ ba tham gia trại sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và là trại sinh cao tuổi nhất tại trại sáng tác lần này, họa sĩ Lê Huỳnh chia sẻ: “So với các trại sáng tác lần trước, trại sáng tác lần này thu hút đông đủ các họa sĩ cả về tuổi tác, vùng miền và đa dạng ngành nghề. Các trại sinh tham gia với tinh thần rất hào hứng, phấn khởi. Từng là người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi được Ban tổ chức mời tham gia trại sáng tác về chủ đề này, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và đã đem hết tâm huyết, khả năng của mình để sáng tác những tác phẩm chất lượng”.
Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng năm 2022 cho biết: “Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức các trại sáng tác, cuộc triển lãm mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, nhất là về hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nhằm đưa các tác phẩm mỹ thuật đến với công chúng yêu nghệ thuật tạo hình. Các tác phẩm tốt sẽ được tuyển chọn, đề xuất với Tổng cục Chính trị sưu tầm để triển lãm và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong rằng các họa sĩ từ 3 miền tiếp tục hưởng ứng, tham gia sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao”.
THẾ ANH