11:01, 15/01/2021

Truyền nghề cho diễn viên trẻ

Khắc phục khó khăn về nguồn đầu vào diễn viên sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã chú trọng đến việc truyền nghề cho diễn viên trẻ. Cách thức đào tạo tại chỗ này đã mang đến những kết quả tích cực đối với nhà hát.

Khắc phục khó khăn về nguồn đầu vào diễn viên sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng đến việc truyền nghề cho diễn viên trẻ. Cách thức đào tạo tại chỗ này đã mang đến những kết quả tích cực đối với nhà hát.


Đào tạo tại chỗ


Cuối tháng 12-2020, Đoàn Dân ca thuộc Nhà hát NTTT tỉnh đã diễn báo cáo vở Tình đời mong manh. Đây là vở diễn từng được đoàn dàn dựng cách đây hơn 11 năm. Trong lần phục dựng này, hầu hết các vai đều do diễn viên trẻ đảm nhận. Trong đó, có những diễn viên mới vào đoàn được hơn 3 năm. “Trong vở Tình đời mong manh, tôi được giao diễn vai Trần Bình. Đây là vai diễn đã được NSƯT Đỗ Ngọc Tâm thể hiện rất thành công và đạt được những giải thưởng lớn. Bây giờ tôi được chính NSƯT Đỗ Ngọc Tâm truyền vai lại rất tận tình. Nhờ đó, tôi đã tập luyện và nhập vai rất thuận lợi”, diễn viên trẻ Nguyễn Sơn Hà cho biết. Dù mới vào Nhà hát NTTT tỉnh từ cuối năm 2017 nhưng Nguyễn Sơn Hà đã được truyền nhiều vai diễn ở sân khấu dân ca kịch bài chòi như: Châu Tuấn (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), Trần Long (vở Hoa hồng đỏ), Từ Đạo Hạnh (trích đoạn Vua hóa hổ)… Hiện tại, nhà hát đã có được những gương mặt diễn viên trẻ tài năng như: Kim Thoa, Thúy Thỏa, Kim Lánh (Đoàn Tuồng), Sơn Hà, Thanh Phương (Đoàn Dân ca kịch)…

 

Diễn viên Sơn Hà (nam),  Thanh Phương (nữ) - những gương mặt trẻ tài năng  của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Diễn viên Sơn Hà (nam), Thanh Phương (nữ) - những gương mặt trẻ tài năng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.


Nhiều năm qua, các đoàn NTTT trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng phải đối diện với việc thiếu hụt lực lượng diễn viên trẻ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là bởi các trường nghệ thuật đã không còn các lớp đào tạo diễn viên NTTT. Vì không có diễn viên chuyên ngành chính nên Nhà hát NTTT tỉnh phải tuyển đầu vào diễn viên từ các chuyên ngành khác. Trong bối cảnh lớp diễn viên, nghệ sĩ lành nghề ngày càng lớn tuổi, lớp diễn viễn trẻ còn yếu chuyên môn, nhà hát phải tính đến việc tăng cường công tác đào tạo tại chỗ, truyền vai, truyền nghề cho diễn viên trẻ. “Những năm gần đây, chúng tôi đã tích cực thực hiện việc đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ. Việc đào tạo tại chỗ được thực hiện theo phương châm truyền nghề bằng các hình thức thay vai, kèm vai. Các nghệ sĩ lành nghề của nhà hát sẽ dìu dắt, hướng dẫn tập luyện cho các diễn viên trẻ. Không chỉ truyền nghề, các diễn viên lớp trước còn vun đắp thêm tình yêu nghề cho diễn viên trẻ”, bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết.


Xây dựng được lớp diễn kế cận


Chủ trương truyền vai, dạy nghề đã nhận được sự đồng thuận từ các diễn viên gạo cội ở nhà hát. Bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề nghiệp, các diễn viên lớp trước đã trao truyền cho diễn viên lớp sau tất cả những kỹ năng, kỹ thuật, kinh nghiệm biểu diễn, tận tình chỉ bảo từ cách luyện giọng, luyện thanh, vũ đạo, diễn xuất, biểu cảm gương mặt đến khả năng làm chủ sân khấu và khám phá ra những nét diễn mới của lớp trẻ. “Bản thân tôi có được những thành công như hôm nay cũng nhờ một phần học hỏi từ các diễn viên thế hệ đi trước. Vậy nên, khi được giao nhiệm vụ truyền dạy lại những kỹ năng nghề nghiệp cho diễn viên trẻ, tôi thấy đây là chủ trương đúng của lãnh đạo nhà hát. Qua việc truyền vai, tôi thấy diễn viên trẻ có lòng say mê, nhiệt huyết học hỏi nên càng tạo động lực cho những diễn viên đi trước như tôi nhiệt tình trao đổi với các em những vấn đề chuyên môn nhiều hơn”, NSƯT Đỗ Ngọc Tâm cho biết.   


Từ hướng đi đúng, đội ngũ diễn viên trẻ của nhà hát đã dần trưởng thành và từng bước khẳng định được chỗ đứng của bản thân. Qua tìm hiểu, các diễn viên trẻ được trao truyền nghề không chỉ vững vàng hơn về chuyên môn mà còn thêm yêu nghề và quyết tâm theo đuổi nghề nhiều hơn. Liên tục trong những năm gần đây, các diễn viên trẻ của nhà hát đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc. Riêng năm 2020, tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc, các diễn viên trẻ của nhà hát đã đạt 2 huy chương vàng và 2 bằng khen. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Đoàn Dân ca kịch của nhà hát có diễn viên trẻ đạt huy chương vàng. Để có thành tích đó, bên cạnh nỗ lực của các diễn viên trẻ, còn có sự hướng dẫn của các diễn viên gạo cội. Mỗi nghệ sĩ lành nghề được giao nhiệm vụ kèm cặp trực tiếp 1 diễn viên trẻ trong suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc thi.  


Với những tín hiệu tích cực từ hoạt động đào tạo tại chỗ dành cho diễn viên trẻ, Nhà hát NTTT tỉnh đã dần xây dựng được lớp diễn kế cận; đồng thời tạo nguồn động lực giúp các diễn viên trẻ vượt qua khó khăn để gắn bó với NTTT hơn.


Giang Đình