Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng là câu thơ trong bài Hiu hắt quê hương của thi sĩ tài năng Phạm Công Thiện, được sư ông Thích Phước An chọn làm tựa đề cho tác phẩm thứ ba của mình, một cuốn tùy bút về chân dung người cùng thời. Một người đã ở độ tuổi cổ lai hy, sống ẩn cư trên ngọn đồi Trại Thủy (thành phố Nha Trang), dạo bước văn chương chắc cũng chỉ là gió thoảng mây bay như sương như khói?
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng là câu thơ trong bài Hiu hắt quê hương của thi sĩ tài năng Phạm Công Thiện, được sư ông Thích Phước An chọn làm tựa đề cho tác phẩm thứ ba của mình, một cuốn tùy bút về chân dung người cùng thời. Một người đã ở độ tuổi cổ lai hy, sống ẩn cư trên ngọn đồi Trại Thủy (TP. Nha Trang), dạo bước văn chương chắc cũng chỉ là gió thoảng mây bay như sương như khói?
Lời thưa trước đầu cuốn sách rằng, “... những bài viết trong tập sách này không hẳn là những bài nghiên cứu về văn học, thi ca hay tư tưởng của họ. Mục đích của tôi giản dị chỉ là ghi lại những năm tháng mà tuổi trẻ tôi đã may mắn được gần gũi và nhất là được chia sẻ một chút vui buồn trên hành trình đi tìm cái đẹp của họ mà thôi”. Cứ vậy, theo dòng thời gian, những chân dung lần lượt hiện lên, khiêm cung mà lộng lẫy, khổ ải mà thoát tục bao dung. Từ sư ông Huyền Không đến Quách Tấn, Bùi Giáng, Võ Hồng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn... họ đều là huyền thoại một thời với những ai từng sống và yêu văn chương miền Nam từ thập niên 60 song song với sự thăng trầm của Phật giáo đi cùng thời cuộc. Tác giả là hậu bối “may mắn được gần gũi”, từ một cậu bé ngây thơ mồ côi cha vì quá nghèo khổ phải theo sư chú vào chùa cho đến khi xuất gia trở thành trưởng lão hòa thượng như hiện nay. Bàng bạc cả tác phẩm đạo và đời hòa quyện nâng đỡ nhau, cứu rỗi và thanh lọc.
Bên cạnh đó, “Những điều ghi được từ mùa thu”, “Ngôi chùa trong tâm tưởng” mới thực sự lay động tới thẳm sâu tâm hồn con người vì ký ức tuổi thơ trong trẻo mà ai cũng có. Hình ảnh chú bé gầy gò co ro trong cơn mưa tối trời bên bờ sông hoang vắng đợi mẹ đi mượn gạo về nấu cơm, căn nhà của ngoại tràn ngập nắng vàng nay chỉ còn lại trong ký ức mịt mù, chiếc sõng xoay tròn giữa dòng nước chảy xiết, tiếng mang tác giữa đêm báo điềm dữ, tiếng cọp rống bên vách thảo am làm kinh động cả núi rừng thâm u... hiện lên sống động và thân thuộc đến rưng rưng.
Và cuốn sách ấy như một đốm lửa hồng vùi sâu giữa tàn tro một đêm cuối thu tịch mịch...
ÁI DUY
___________________________
(*) Sách do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tháng 7-2020.