Tháng 6-2018, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa có chủ trương không đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích Tháp Bà Ponagar. Thực hiện chủ trương đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, đến nay đã có những chuyển biến tích cực.
Tháng 6-2018, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa có chủ trương không đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích Tháp Bà Ponagar. Thực hiện chủ trương đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, đến nay đã có những chuyển biến tích cực.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, vàng mã, hàng mã được dùng trong các nghi lễ thờ cúng và đốt. Trước đây, trong những ngày tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar, Tết Nguyên đán và ngày rằm, mùng một, hầu hết khách hành hương, nhân dân thực hành tín ngưỡng đều để vàng mã trong mâm lễ vật và đốt vàng mã tại khu di tích. Thực hiện chủ trương của Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân.
Cụ thể, lãnh đạo Ban Quản lý di tích Tháp Bà Ponagar, lực lượng bảo vệ, nhân viên trực công đức… thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân, khách hành hương không đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích. Đối với các đoàn tín ngưỡng, khách hành hương khi đến di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã in, phát hành tờ rơi, tờ gấp kết hợp tuyên truyền trực tiếp, qua hệ thống loa cho từng đoàn. Trong khuôn viên di tích, ở những vị trí dễ quan sát đều bố trí biển báo không đốt vàng mã để mọi người biết. Trung tâm còn tranh thủ sự ủng hộ của các bậc hào lão và chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, quán triệt chủ trương này đối với các đoàn tín ngưỡng, nhân dân khi về di tích… Nhờ đó, tình trạng thắp nhang trong các tháp và đốt vàng mã đã được hạn chế một cách tối đa. Hầu hết khách hành hương, nhân dân thực hành tín ngưỡng đều chấp hành nội quy tại di tích. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - đường Hà Thanh (TP. Nha Trang) cho biết: “Mỗi tháng, tôi đều đến Tháp Bà để hướng tấm lòng thành kính lên Mẫu. Trước đây, trong mâm lễ vật, tôi luôn để một ít vàng mã. Vào những dịp lễ chính thì lượng vàng mã nhiều hơn. Khi có chủ trương không đốt vàng mã ở di tích, bản thân tôi lúc đầu thấy cũng không quen. Sau nhiều lần được vận động, tôi đã hiểu ra đây là việc nên làm để tránh lãng phí và góp phần giữ gìn cảnh quan khu di tích được sạch đẹp, an toàn”.
Ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, qua thời gian triển khai chủ trương không đốt vàng mã, hàng mã tại di tích Tháp Bà Ponagar, việc đốt vàng mã tại di tích đã giảm khoảng 80% và tiến tới chấm dứt hoàn toàn. Hiện tượng khói bụi, nguy cơ cháy nổ tại khu di tích do việc đốt vàng mã đã giảm bớt mối lo. Cùng với đó, công tác phục vụ khách tham quan theo hướng trang nghiêm, văn minh ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, do việc đốt vàng mã đã trở thành tập tục lâu đời của người dân, nên mặc dù đã được tuyên truyền, nhưng vẫn còn những trường hợp cố tình dâng cúng và đốt vàng mã tại di tích. Với những trường hợp này, thời gian tới, đơn vị sẽ có những giải pháp hữu hiệu hơn để họ tuân thủ quy định được đưa ra.
Đến thời điểm này, việc vận động, tuyên truyền không đốt vàng mã, hàng mã tại di tích Tháp Bà Ponagar đã đạt được hiệu quả. Đây có thể xem là tiền đề cho việc vận động không đốt vàng mã ở các di tích, cơ sở tín ngưỡng trong toàn tỉnh.
Giang Đình