Cuối tuần này, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa sẽ khai mạc triển lãm chuyên đề với tên gọi Quà tặng của biển. Đây là món quà đơn vị muốn gửi tới người dân và du khách sau thời gian phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Cuối tuần này, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa sẽ khai mạc triển lãm chuyên đề với tên gọi Quà tặng của biển. Đây là món quà đơn vị muốn gửi tới người dân và du khách sau thời gian phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Để chuẩn bị cho buổi khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 13-6 tại số 16 Trần Phú (TP. Nha Trang), nhiều ngày qua, đội ngũ nhân viên của Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực lên ý tưởng, sưu tầm hiện vật, xây dựng không gian trưng bày… cho triển lãm. Hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật sẽ được giới thiệu đến khách tham quan. Triển lãm được mở cửa miễn phí cho công chúng từ ngày khai mạc đến đầu tháng 11. Theo bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Trưng bày và Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh), Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi cho tài nguyên biển đảo tuyệt vời, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Tuy nhiên, trong khuôn khổ triển lãm lần này chỉ có thể giới thiệu đến công chúng những nghề truyền thống của cư dân miền biển Khánh Hòa, đó là nghề làm muối, nghề làm mắm và đánh bắt thủy sản. Thông qua đó, nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về nét đặc sắc, quy trình sản xuất, các chủng loại sản phẩm độc đáo từ những nghề truyền thống này.
Để tái hiện được nghề truyền thống đã gắn bó với đời sống người dân từ hàng trăm năm qua trong không gian của một triển lãm, các hiện vật phù hợp đã được sưu tầm để trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan. Những mô hình trực quan, hình ảnh về không gian sản xuất các nghề truyền thống cũng được tái hiện. Ở đó, có những thùng ủ chượp làm mắm theo kiểu truyền thống của các cơ sở sản xuất ở Nha Trang, có ruộng muối đang vào vụ thu hoạch của diêm dân Hòn Khói, có những công cụ lao động, sản phẩm kết tinh từ thành quả sản xuất… Với mong muốn tạo nên một không gian mở nên các hiện vật, mô hình trong triển lãm đều mang tính tương tác đối với người xem. Công chúng có thể chạm vào hiện vật, trải nghiệm thực tế.
Triển lãm còn có không gian giới thiệu đến người xem những phương tiện, công cụ đánh bắt thủy sản theo phương thức truyền thống của ngư dân. Đó là những chiếc thuyền đánh cá gần bờ, những loại ngư cụ đánh bắt thủy sản như lưới đánh cá, các loại lồng bẫy thủy sản… Để triển lãm thêm hiệu quả, ban tổ chức đã liên hệ với các trường học đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, còn có những buổi nói chuyện về nghề làm nước mắm truyền thống do giảng viên Trường Đại học Nha Trang trình bày. Một không gian bếp để giới thiệu các loại gia vị chấm từ muối, nước mắm được người dân Nha Trang sử dụng hàng ngày cũng được thực hiện.
Cùng với không gian triển lãm bên trong Bảo tàng tỉnh, ở không gian ngoài trời diễn ra phiên chợ cuối tuần do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ giúp nhau hạnh phúc thực hiện. Theo đó, cứ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, đến Bảo tàng tỉnh, mọi người sẽ được hòa cùng không khí của một phiên chợ dân gian. Ở đó, khách đi chợ sẽ được tham gia các trò chơi dân gian Việt Nam; xem và mua những sản phẩm thủ công tự làm, sản phẩm thời trang và nhất là thưởng thức ẩm thực đường phố. Theo một đại diện của ban tổ chức phiên chợ cuối tuần, mục đích của không gian này là đem đến cho khách tham quan có những trải nghiệm thú vị về một phiên chợ xưa. Với những du khách, họ sẽ có dịp tìm hiểu và biết thêm về nét văn hóa chợ quê Khánh Hòa. Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm, nhất là thực phẩm ở các gian hàng ẩm thực, những tổ chức, cá nhân tham gia phiên chợ có sự cam kết và kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm.
Đến nay, công tác chuẩn bị cho triển lãm đã dần hoàn tất. Việc tổ chức triển lãm Quà tặng của biển được xem là một hoạt động nhằm chung tay khôi phục hoạt động du lịch, khi đem tới cho du khách một sản phẩm để tham quan, trải nghiệm trong những ngày ở Nha Trang.
Giang Đình