10:06, 16/06/2020

Khôi phục bài chòi dân gian ở Ninh Hòa

Thị xã Ninh Hòa là địa phương đầu tiên được lựa chọn để triển khai thí điểm Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi. Đây là cơ hội để thúc đẩy việc khôi phục loại hình nghệ thuật này tại địa phương sau bao năm bị mai một.

Thị xã Ninh Hòa là địa phương đầu tiên được lựa chọn để triển khai thí điểm Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi. Đây là cơ hội để thúc đẩy việc khôi phục loại hình nghệ thuật này tại địa phương sau bao năm bị mai một.


Lớp học bài chòi


Ngày 15-6, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa khai giảng lớp phục dựng hô bài chòi. Tham gia lớp học có khoảng 20 người là những nhạc công, nghệ nhân có sự am hiểu nhất định về nghệ thuật bài chòi dân gian ở các xã, phường trên địa bàn thị xã. Trong khoảng 2 tuần, những người tham gia lớp học được Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức đến từ tỉnh Bình Định truyền dạy các làn điệu bài chòi cổ, cách hô hát 27 quân bài, kỹ năng biểu diễn trong hội chơi bài chòi… “Tôi rất thích hô hát bài chòi, bản thân cũng từng nhiều lần biểu diễn nghệ thuật bài chòi, nhưng đây là lần đầu tôi được tập huấn về cách hô, hát bài chòi một cách bài bản. Tôi đã vận động thêm một số bạn trẻ cùng tham gia lớp tập huấn để sau này có thể thành lập câu lạc bộ ở địa phương. Mong muốn của cá nhân tôi là gìn giữ được bản sắc văn hóa nghệ thuật bài chòi đến các thế hệ sau”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên (thôn Thanh Mỹ, xã Ninh Quang) cho biết.

 

Các nghệ nhân, nhạc công tham gia lớp phục dựng hô bài chòi thực hành các làn điệu.

Các nghệ nhân, nhạc công tham gia lớp phục dựng hô bài chòi thực hành các làn điệu.


Với những lớp học mang tính truyền nghề như thế này, vai trò của các nghệ nhân đứng lớp rất quan trọng. Bởi họ không chỉ truyền đạt lại những vấn đề mang tính chuyên môn thuần túy, mà còn phải truyền được tình yêu, niềm đam mê loại hình nghệ thuật này. “Tôi sẽ cố gắng truyền dạy tất cả những gì mình biết về bài chòi dân gian để sau này không bị mai một. Dọc dải đất miền Trung, nhiều địa phương có nghệ thuật bài chòi, nhưng ở lớp tập huấn này, tôi sẽ truyền đạt lại nghệ thuật bài chòi cổ dân gian với các làn điệu như: Xuân nữ, Hồ quảng, Xàng xê, Cổ bản và đặc biệt là Hò cán. Sau lớp tập huấn, các học viên có thể trình diễn hô hát được tại các hội chơi bài chòi”, Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức chia sẻ.


Bước đầu khôi phục


Thị xã Ninh Hòa là 1 trong 6 địa phương triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi của UBND tỉnh. Ninh Hòa được chọn để phục dựng thí điểm 1 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn 9 chòi vào những ngày cuối tuần và lễ, Tết hàng năm. Để làm điều này, từ nay đến cuối năm, địa phương được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng các nghệ nhân; trang bị nhạc cụ, phục trang, âm thanh, ánh sáng để đáp ứng nhu cầu hô hát bài chòi giàn hiệu quả.


Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã, trước đây ở địa phương, hội chơi bài chòi thường diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng vào những dịp lễ, Tết. Nhiều cụ lớn tuổi nắm được kỹ thuật biểu diễn, hô hát bài chòi. Hiện nay, sinh hoạt cộng đồng liên quan đến bài chòi không được tổ chức thường xuyên, các nghệ nhân cũng không còn nhớ được trọn vẹn các làn điệu, kỹ thuật hô hát bài chòi. Nghệ thuật bài chòi dân gian ở thị xã Ninh Hòa đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Thị xã dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới sẽ tổ chức các chương trình hô hát bài chòi dân gian phục vụ nhân dân vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần và vào các ngày lễ, Tết. Để làm được điều đó, thị xã sẽ tiến hành củng cố, tổ chức lại các câu lạc bộ nghệ thuật hô bài chòi và tiến hành nhân rộng các mô hình câu lạc bộ này. Cùng với đó, thị xã sẽ đưa bộ môn nghệ thuật bài chòi vào các trường học để học sinh có thể nắm được loại hình nghệ thuật này.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi là giải pháp để chúng ta thực hiện cam kết với UNESCO. Việc chọn thị xã Ninh Hòa là địa phương đầu tiên thực hiện nội dung đề án bởi nơi đây vốn có sự hiện diện từ lâu của nghệ thuật bài chòi. Trong các làng xóm, tổ dân phố ở Ninh Hòa vẫn còn có những người, những mô hình mang tính cộng đồng nắm giữ các kỹ năng về nghệ thuật bài chòi. Từ việc triển khai thí điểm ở thị xã Ninh Hòa sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.


Giang Đình